Lễ trọng của người hát xẩm

TP - Có một lễ giỗ tổ nghề hát xẩm tại Hà Nội hôm nay, đánh thức hiểu biết về nghề vào hàng độc đáo.
Nhiều bạn trẻ tìm học hát xẩm

Nhiều người đánh đồng hát xẩm với ăn xin. Người hát xẩm không xin ăn mà sống bằng những đồng tiền thưởng từ dân chúng. Trước khi được thưởng, người hát phải chinh phục bằng tiếng đàn và lời ca: Ai ơi thương kẻ dở dang/Miệng ca tay gẩy khúc đàn tương tư.

Nửa đầu thế kỷ 20 về trước, hát xẩm thường là các nhóm đi khắp chốn cùng quê. Hầu như nhóm nào cũng có ông trùm là người khiếm thị...

Và nhất thiết phải dùng từ chuyên nghiệp cho người hành nghề này, dùng tiếng hát để kiếm sống. Tính chuyên nghiệp còn ở chỗ nghề mang tính tổ chức- các gánh xẩm kết nối với nhau và chịu sự chi phối của những ông trùm chứ không hoạt động đơn lẻ.

Thường các ông trùm xẩm ở các vùng lớn chia địa bàn để hoạt động. Giả sử gánh xẩm ở địa bàn khác muốn hát thì phải được trùm xẩm đồng ý. Ngay chuyện các nghệ nhân chủ động hát những giai điệu buồn vui tùy theo bối cảnh và sự hứng thú của người nghe cũng thể hiện sự chuyên nghiệp (phải thể hiện hết mình để làm sướng lỗ tai người nghe mới mong moi nhiều tiền thưởng chứ).

Tổ nghề là hoàng tử?

Thường người ta làm lễ giỗ tổ một ngành nghề liên quan đến lao động sản xuất, còn nghề đàn hát dân gian thì chỉ duy nhất hát xẩm có tổ nghề. Mà tổ nghề hát xẩm thân phận danh giá: Thái tử Trần Quốc Đĩnh.

Mối nhân duyên khiến một vị hoàng tử khôi ngô tuấn tú gắn liền với nghề đàn hát của người kém may mắn còn được lưu truyền (qua lời kể của nghệ nhân xẩm Hà Nội Nguyễn Văn Nguyên khi cụ còn sống).

Xuất phát từ lòng đố kỵ, tranh giành quyền lực, vị thái tử bị hoàng đệ (anh em ruột thịt) hãm hại bỏ mặc trong rừng sâu. Buồn và không biết lối ra, chàng than thở qua lời ca.

Tiếng đàn lời ca của chàng rung động tới độ chim muông ngày ngày mang hoa quả tới và quấn quýt bên chàng. Rồi chàng được người đi rừng tìm thấy. Tiếng tăm chàng khiếm thị hát hay đàn giỏi vang xa tới cung đình, vua cho vời vào. Cha con nhận nhau. Chàng một mực xin trở lại làng quê dạy cho người khiếm thị kém may mắn có nghề kiếm kế sinh nhai.

Nói về tổ nghề xẩm, nhà nghiên cứu Hoàng Kiều hóm hỉnh: “Có thể xưa kia các nghệ nhân xẩm tự phịa ra chuyện để thầm nói với thiên hạ rằng nghề của tôi cũng cao quý lắm!”. Tính xác thực chưa ai rõ nhưng nó mang tới cho những người có cuộc sống cơ cực một niềm tin. Những người hành nghề chọn ra hai ngày cố định là 22/2 hoặc 22/8 âm lịch hằng năm làm ngày giỗ.

Do đặc thù nghề nghiệp nay đây mai đó không có một ngôi đình, đền hay nơi thờ tự cố định, nơi làm giỗ thường là bãi đất rộng, dựng lều cắm bạt, dâng hương tổ nghề và tái hiện nghề nghiệp tổ nghề đã ban cho.

Phục hồi lễ giỗ tổ

Nghề hát xẩm và lễ giỗ tổ hiện hữu những năm 50-60 thế kỷ 20 sau đó mai một và thất truyền. Năm 2008 lần đầu tiên Trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam đánh thức lễ giỗ tổ nghề. Đây là một trong những hoạt động nằm trong tổng thể công trình phục hồi nghệ thuật hát xẩm do các nhà nghiên cứu của trung tâm thực hiện từ năm 2005.

Tái hiện lễ giỗ tổ nghề độc nhất vô nhị này một phần cũng từ ước nguyện của báu vật sống - nghệ nhân xẩm Hà Thị Cầu. Năm 2008 lễ trọng này diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Còn năm nay, lần giỗ thứ hai, nhạc sĩ Thao Giang – người khởi xướng phục dựng nói: “Dự kiến  từ năm nay lễ giỗ tổ sẽ tổ chức thường niên tại đình làng Hào Nam trên phố Vũ Thạnh.

Trong phần lễ, ngoài dâng hương tổ nghề và tái hiện nghề đàn hát còn trao bằng khen của Trung tâm cho các nhà nghiên cứu, nghệ nhân có đóng góp trong việc gìn giữ và nghiên cứu bảo tồn loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc của dân tộc”.

Có điều đáng tiếc, nghệ nhân Hà Thị Cầu không thể có mặt bởi lý do sức khỏe. Sau lễ giỗ tổ nghề, vài người hát xẩm trẻ sẽ trở về Ninh Bình thăm, cùng đàn hát với người hát xẩm lừng danh cuối cùng của thế kỷ 20. 

Ai ơi thương kẻ dở dang/Miệng ca tay gẩy khúc đàn tương tư là câu trong bài thơ Mục hạ vô nhân của Nguyễn Khuyến. Bài thơ được nghệ nhân xẩm phổ theo điệu xẩm, phổ biến trong dân gian.