Lát đá vỉa hè, truy trách nhiệm ai?

TP - Liên quan việc vỉa hè Hà Nội được lát đá tự nhiên, theo quảng cáo là “bền 70 năm” nhưng đã nhanh chóng vỡ nát, xô lệch, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, cần truy trách nhiệm cấp đứng đầu, “không thể coi như không có gì xảy ra”.
Lát đá vỉa hè bằng đá tự nhiên trên đường phố Hà Nội.

Đề xuất “phạt nguội” vi phạm lòng đường, vỉa hè

Ngày 13/12, Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến quý IV/2017 với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã. Nêu giải pháp nhằm triển khai hiệu quả Chỉ thị số 08 của Thành ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác đảm bảo trật tự và văn minh đô thị trên địa bàn Thủ đô. Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, sau một thời gian triển khai, công tác bảo đảm trật tự đô thị đã nảy sinh nhiều tồn tại, thường chỉ khi lực lượng chức năng ra quân thì lòng đường, hè phố mới nề nếp, sạch sẽ, khi các lực lượng đi khỏi thì vi phạm “đâu lại hoàn đấy”.

Để xử lý nghiêm sai phạm, ông Viện kiến nghị thành phố cho phép sử dụng phương tiện nghiệp vụ để xử phạt vi phạm hành chính, xử lý vi phạm qua hình ảnh. Bởi trên thực tế, chỉ cần xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng Nghị định số 46/NĐ-CP với mức xử lý 25 triệu đồng/vi phạm hè phố thì cũng đã rất hiệu quả, không cần phải tăng gấp đôi mức xử lý như đề xuất của UBND thành phố Hồ Chí Minh. Theo ông Viện, “phạt nguội” di động với những vi phạm lòng đường, vỉa hè sẽ giúp khắc phục những bất cập trong xử lý vi phạm hiện nay.

Tham gia ý kiến về quản lý vỉa hè, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Dương Đức Tuấn cho biết, kết quả giữ gìn trật tự đô thị chưa bền vững, vẫn có tình trạng tái lấn chiếm lòng hè đường trở lại. Ông Tuấn kiến nghị thành phố nghiên cứu một số vỉa hè của tuyến phố có kích thước trên 5m cho phép sắp xếp kinh doanh trên hè nhưng đảm bảo lối đi bộ tối thiểu 1,5m, có thể triển khai thu phí.

Truy trách nhiệm người đứng đầu

 Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, công tác bảo đảm trật tự và văn minh đô thị trên địa bàn Thủ đô sau hơn một năm thực hiện từng bước có chuyển biến tiến bộ. Nhiều tuyến đường, tuyến phố, khu đô thị mới được chỉnh trang, triển khai đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và xã hội.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng chỉ ra những việc chưa làm được và cần nghiêm túc nhìn nhận thẳng thắn những hạn chế, yếu kém đang tồn tại. Đó là: Công tác quản lý đô thị chưa đáp ứng yêu cầu theo tinh thần Chỉ thị 08 của Thành ủy; Việc tái lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, tình trạng vứt rác bừa bãi, bỏ rác thải không đúng nơi quy định diễn ra hàng ngày, làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, gây bức xúc trong nhân dân.

Về lát đá vỉa hè, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cũng cho rằng còn nhiều bất cập, dẫn đến công trình bị hư hỏng, xuống cấp nhanh, gây bức xúc trong dư luận nhân dân. “Việc lát đá vỉa hè phải được truy trách nhiệm về các cấp lãnh đạo, cấp đứng đầu. Không thể coi như việc đó là không có gì xảy ra. Tôi đề nghị phải làm rõ việc này”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nói.

Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết, công tác sửa chữa, nâng cấp vỉa hè tại một số quận, trong đó có 4 quận trung tâm thành phố thời gian vừa qua có những tồn tại, hạn chế. Theo đó, UBND các quận, huyện, thị xã khi triển khai lát đá vỉa hè chưa quán triệt, chưa thực hiện đúng, hiểu sai chủ trương, nguyên tắc chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội. Đặc biệt, hồ sơ thiết kế cải tạo sửa chữa, nâng cấp vỉa hè và chỉnh trang đô thị mặt phố còn khá sơ sài, thiếu đánh giá nền hiện trạng, đánh giá hạ tầng kỹ thuật.

Trước tình trạng trên, ông Lê Văn Dục cho biết, thành phố đã chỉ đạo các quận chỉ đầu tư, cải tạo (bằng vật liệu tự nhiên) khi vỉa hè đã quá xuống cấp, mất mỹ quan đô thị và không thể cải tạo, chỉnh trang được. Đồng thời, UBND các quận, huyện nghiêm túc rút kinh nghiệm, rà soát toàn bộ kế hoạch triển khai các dự án trong thời gian qua.

Về công tác quản lý trật tự xây dựng, theo Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục, năm 2017, các Đội Thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã đã tiến hành kiểm tra 17.422 công trình, trong đó số công trình có vi phạm là 1.916 công trình. UBND các quận, huyện, thị xã đã ban hành 1.740 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng với tổng số tiền hơn 12,2 tỷ đồng.