Lập Hội đồng 'chẩn bệnh' Sông Tranh 2 ngay

TP - Đó là ý kiến của GS, TS Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch Hội Cơ khí học Việt Nam, Tổ trưởng bộ môn Cơ sở kỹ thuật Thủy lợi (Khoa Xây dựng Thủy lợi - Thủy điện - ĐH Bách khoa Đà Nẵng).

>Quân khu V yêu cầu lên phương án đảm bảo an toàn
>Đập thủy điện Sông Tranh 2: Nước vẫn tuôn chảy

Theo ông Hùng, sau khi đi thực tế thân đập Sông Tranh 2 vào ngày 19-3, chứng kiến nước xối qua những khe nứt, ông đã kết luận ngay, thủy điện Sông Tranh 2 không an toàn và rất bất bình thường so với hàng trăm thủy điện khác trong nước chứ chưa nói đến tiêu chuẩn chất lượng các đập thủy điện quốc tế. 

Thưa GS, đập thủy điện Sông Tranh 2 không an toàn và bất bình thường như thế nào?

Đó là thân đập quá cao, đặt trong vùng có tiền sử dư chấn, chỉ có thể làm thân đập thủy điện 40–50m. Đập cao, tích nước nhiều sẽ dễ gây dư chấn, dẫn đến động đất. Lúc đó sẽ là thảm họa. Bất bình thường thì ai cũng thấy, là nước xì ra các chỗ nứt.

Về nguyên tắc kỹ thuật xây đập hồ thủy điện, tường chống thấm ở 2 phía thượng và hạ lưu phải có cường độ bê tông cao nhất - mác 250, thiết kế còn có 3 hành lang ở 3 cao trình khác nhau để thu, dẫn lưu nước thấm. Người ta đặt ống nhựa, có nhiều lỗ thông, thu nước thấm theo phương thẳng đứng, rồi gom vào hệ thống cống thoát ra hạ lưu (hoặc bơm).

Riêng các khe giãn nhiệt (khoảng hở bê tông chủ động để triệt tiêu ứng suất lực giãn nở do nhiệt), bắt buộc phải đặt các van omega đồng hoặc hợp chất composite, cao su siêu bền để có thể co, giãn đồng thời chống thấm. Vì vậy, nước chỉ có thể thấm qua tường bảo vệ ở thượng lưu, rồi được thu, dẫn lưu để thoát theo các hành lang nói trên.

Việc thấm ướt thân đập, chỉ cho phép ở mức 1/3 thân đập. 2/3 thân đập còn lại bắt buộc phải khô ráo. Hiện tượng rò rỉ, chảy thành dòng ra thân đập phía hạ lưu ở thủy điện Sông Tranh 2 là bất bình thường.

EVN cho rằng, nước thấm trên thân đập là bình thường, bởi độ thấm cho phép tối đa 30 lít/s. GS có thể giải thích điều này?

Một cách nói không thể chấp nhận được. Cần phải hiểu rằng, độ thấm tối đa 30 lít/s là thấm toàn đập, chứ không chảy thành vòi như thế. Đó là lập luận sai trái và bao biện.

Giống cơ thể người, mồ hôi thấm ra thì phải thấm toàn bộ cơ thể chứ nếu túa ra từ một bộ phận, các nơi còn lại khô ráo thì chắc chắn là bệnh. Tôi chưa đọc bản thiết kế nên không dám chắc, nhưng nhiều khả năng lỗi là do thi công.

Đã đi thực tế ở đập, theo GS cách khắc phục triệt để sự cố ở thủy điện Sông Tranh 2 hiệu quả nhất là gì, mất bao lâu thời gian?

Tôi đọc báo, thấy EVN nói cơ bản đã khắc phục được 80% bằng cách đục rãnh thoát nước, thông rửa các khoan bị tắc, phun xi măng phần hạ lưu… là không thể hiểu nổi. Rất phản khoa học.

Đa số chúng ta vẫn chưa biết được, phần dưới thân đập phía thượng lưu, dưới lòng hồ có những đường nứt nẻ không. Vì thế, việc cần kíp bây giờ là rút nước thật nhanh ở lòng hồ mới biết chính xác.

Mà biết chính xác bệnh của đập Sông Tranh 2 thì phải cần một Hội đồng các chuyên gia cấp cao nhiều lĩnh vực, cụ thể: chuyên gia động đất; địa chất; thủy lực; kết cấu đập; kinh nghiệm thi công đập cao, bê tông đầm lăn; xử lý sự cố công trình…

Hội đồng này độc lập với EVN, có thể nhờ Hội Liên hiệp KH-KT quốc gia tư vấn. Lúc chẩn bệnh xong rồi, mới đưa ra cách trị, cần làm sớm hay làm từ từ. Xử lý phải đảm bảo 2 yếu tố: kỹ thuật và kinh tế. Song bằng mọi giá phải xong trước mùa mưa lũ…

Xin cảm ơn GS.

Theo Báo giấy