Theo ông Nam, kỹ năng đặc định là một chương trình tuyển dụng lớn của Nhật Bản. Tuy nhiên, đến nay kỳ thi kỹ năng đặc định ở Việt Nam chưa thể triển khai được do 2 bên còn nhiều ý kiến khác nhau về nội dung thi tiếng Nhật và kỹ năng nghề. Trong đó, Cục bảo lưu nhiều yếu tố để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
“Để giải quyết tình trạng này, Cục đang xúc tiến với phía Nhật Bản. Có thể 2 bên sẽ điều chỉnh một số ý kiến để sớm thúc đẩy kỳ thi được triển khai. Trong tháng 3, dự kiến đại diện Bộ Tư pháp Nhật sẽ sang Việt Nam để trao đổi. Nếu thuận lợi, hi vọng trong năm nay Việt Nam có thể tổ chức được kỳ thi, đưa lao động đi làm việc”, ông Nam nói.
Đề cập đến việc các nước khác dù đi sau nhưng triển khai sớm hơn nên xảy ra tình trạng lao động Việt phải tốn hàng nghìn USD ra nước ngoài đi thi, vị này cho hay, trên thực tế Campuchia và các nước mới chỉ tổ chức một số kỳ thi. Số lượng thực tập sinh đi làm việc theo nắm bắt của vị này...không lớn.
“Vấn đề phản ánh của báo Tiền Phong nêu, chúng tôi đang cho xác minh số lượng lao động Việt sang Campuchia, Indonesia... Bộ LĐ-TB&XH đang thúc giục có phương án xử lý tình trạng này”, ông Nam nói. Ông Nam cũng khẳng định, không có chuyện DN Việt phản ánh chương trình "chậm và vướng mắc" bởi cách đây mấy tuần, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã làm việc với Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam nhưng “không thấy DN thông tin gì”.
Tuy vậy, theo ghi nhận của PV Tiền Phong, trên thực tế nhiều DN phản ánh chương trình kỹ năng đặc định của Việt Nam triển khai rất chậm. Dù có lợi thế là quốc gia được phía Nhật ưu tiên chọn lao động, nhưng hiện các DN đang lỡ cơ hội bởi các đối tác Nhật có xu hướng chuyển sang lựa chọn lao động ở các nước khác. Trong khi đây là chương trình tạo rất nhiều ưu đãi, quyền lợi cho người lao động và không phải tốn kém chi phí.