Chậm báo cáo
Sáng 19/11, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết: Lao động Việt Nam bị chủ sử dụng Trung Quốc hành hung diễn ra ngày 17/9, nhưng tới ngày 25/9 Bộ mới biết qua công điện của Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria và người nhà lao động. “Khi vụ việc xảy ra, Cty CP Simco Sông Đà (đơn vị đưa NLĐ sang Algeria - PV) chưa báo cáo kịp thời với Bộ. Khi Bộ yêu cầu công ty mới báo cáo”, ông Diệp nói. Theo ông, sau khi nhận được tin, Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ đạo Cục Quản lý Lao động Ngoài nước và Cty Simco Sông Đà phối hợp với Đại sứ quán để giải quyết, đảm bảo an toàn cho NLĐ, không để ai phải đói, khát.
Theo ông Diệp, dù ngày 24/9, Cty Simco Sông Đà đã cử cán bộ sang Algeria để giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, nhận thấy người được cử sang chưa đủ kinh nghiệm, Bộ đã yêu cầu Cty Simco Sông Đà cử một lãnh đạo sang trực tiếp xử lý. Sau đó, ngày 7/10 (20 ngày sau khi lao động bị đánh), một lãnh đạo của công ty mới làm xong thủ tục để sang Algeria.
“Từ khi nhận được thông tin, chúng tôi liên tục phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria và chỉ đạo các đơn vị liên quan giải quyết vụ việc. Nhìn thấy người của mình bị đánh vậy tôi cũng đau lòng, đây là vụ việc nghiêm trọng, nhưng số người bị ảnh hưởng cũng không nhiều (so với cả trăm nghìn lao động đi nước ngoài mỗi năm), nên Bộ không cử cán bộ sang Algeria hỗ trợ”, ông Diệp nói.
Ngoài ra, theo ông Diệp, Đại sứ quán là cơ quan có toàn quyền xử lý vấn đề liên quan tới công dân Việt Nam tại nước sở tại, nên để Đại sứ quán xử lý sẽ thuận lợi hơn. Vị đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho biết, sẽ chỉ đạo Cty Simco Sông Đà đảm bảo chi phí, ăn ở, đi lại cho những NLĐ còn về nước sau, không lặp lại tình trạng bị bỏ đói, vạ vật ở sân bay.
Thứ trưởng LĐ-TB&XH cho biết thêm, sẽ lập hồ sơ vụ việc để kiểm tra lại toàn bộ quá trình tuyển chọn, đào tạo, ký hợp đồng... của Cty Simco Sông Đà. Sai đâu xử lý đó. Thậm chí, nếu cần sẽ thanh kiểm tra doanh nghiệp. “Chắc chắn, vấn đề đào tạo bồi dưỡng có sai sót”, ông Diệp nói. Theo ông, với khoản tiền NLĐ đã nộp cho công ty (47,7 triệu đồng/người), Bộ sẽ cho kiểm tra để xem chi ra sao, nếu khoản nào chưa chi thì công ty phải trả lại cho NLĐ.
“Với số tiền đền bù hợp đồng cho chủ sử dụng lao động (1.700 USD/người - PV), cần xem xét lỗi do bên nào để xử lý. Doanh nghiệp làm ăn thuận lợi hàng trăm hợp đồng, giờ thất bại với một hợp đồng phải tự chịu, không thể kêu nhà nước hỗ trợ”, ông Diệp khẳng định.
Có kinh nghiệm nên để tự về (?!)
Trước đó, trao đổi PV Tiền Phong, ông Đô Văn Hải, Phó GĐ Trung tâm Xuất khẩu Lao động số 3 (Cty CP Simco Sông Đà) – người trực tiếp sang Algeria xử lý vụ việc, cho biết: Việc 13 NLĐ về nước bị trễ 1 đêm tại sân bay Dubai và 1 đêm tại Bangkok (Thái Lai) là do họ chủ động không lên máy bay.
“Đoàn ít người nên công ty không cử cán bộ đi cùng được. Trong đoàn cũng có vài người đã đi lao động nước ngoài 2-3 lần và có kinh nghiệm, trước khi lên máy bay chúng tôi đã căn dặn kỹ mọi vấn đề, NLĐ đã đồng ý. Không thể lúc nào cũng cử cán bộ đi theo được”, ông Hải nói. Dù cùng rời khỏi Algeria về nước với 13 lao động vào chiều 15/11, nhưng ông Hải không về cùng những lao động của mình, vì “vé của tôi đi hãng khác và là vé khứ hồi, nên không đi cùng”.
Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Phó Tổng GĐ Cty CP Simco Sông Đà nói thêm, việc cử người đi cùng NLĐ về nước hơi khó cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp đã cử người sang giải quyết vụ việc, một số người khác phải lo thủ tục, tài chính. Ngoài ra, chi phí cho một người đi cùng rất tốn kém. Về việc người nhà không được công ty thông báo tình hình người thân tại Algeria, vị đại diện công ty lý giải, hằng ngày NLĐ vẫn liên lạc về nhà qua điện thoại, không hiểu sao vẫn thắc mắc không được công ty thông báo gì?
Với 36 lao động còn lại tại Algeria mong muốn về nước, hiện chủ sử dụng lao động đang làm thủ tục. Khi thủ tục xong, Cty Simco Sông Đà sẽ ứng tiền đền bù hợp đồng và vé máy bay để người lao động về nước. Dự kiến, 2 đoàn còn lại sẽ về nước vào ngày 20 và 25/11 tới. Theo ông Thạch, sau khi NLĐ về, nếu ai có nguyện vọng đi làm ở nước khác sẽ được công ty hỗ trợ miễn giảm chi phí; ai không muốn đi tiếp công ty sẽ căn cứ trên cơ sở vi phạm của từng người để tính trách nhiệm các bên.
Sau khi vụ việc lao động bị đánh tại Algeria, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có văn bản yêu cầu Bộ Ngoại giao, Bộ LĐ-TB&XH và các cơ quan liên quan tăng cường biện pháp bảo vệ quyền lợi người lao động và bảo hộ công dân Việt Nam đang làm việc tại Algeria. Những trường hợp nào có nguyện vọng về nước cần khẩn trương giải quyết.