Đến dự lễ khai mạc có Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Vũ Luận – Bộ trưởng Bộ giáo dục Đào tạo, nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, cùng các đại diện Ủy Ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên Quốc hội, đại diện Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam… Nhà thơ Giang Nam – tác giả bài thơ nổi tiếng “Quê hương” cũng tới dự lễ khai mạc.
Đáng chú ý, lễ khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ 10 có sự hiện diện của 67 nhà thơ đến từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới - vốn là các đại biểu trở về từ Festival thơ Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ nhất vừa kết thúc ở Quảng Ninh.
Tại lễ khai mạc, nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu, qua việc được tổ chức thường niên, rộng khắp trên cả nước, Ngày thơ Việt Nam đã trở thành một mỹ tục mới, không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa của nhân dân.
“Chăm lo cho sự phát triển của thơ ca là chăm lo cho sự phát triển đời sống tinh thần của cộng đồng, là sự thăng hoa văn hóa tinh thần của dân tộc. Thơ, văn là chất keo kết dính giữa người với người, giữa cộng đồng với cộng đồng, giữa quốc gia với quốc gia” – nhà thơ Hữu Thỉnh nói.
Trong lễ khai mạc buổi sáng, đại diện Ban tổ chức cho biết, du khách, người yêu thơ văn được vào cửa tự do trong Ngày thơ Việt Nam, nhưng đến buổi chiều 5 - 2, du khách đến Văn Miếu phải mua vé như ngày bình thường. Hàng trăm người phải xếp hàng, chờ đợi mua vé. "20.000 không đáng là bao, nhưng đã nói thì phải thực hiện chứ. Hội thơ mới diễn ra được nửa ngày, sao đã bán vé trở lại" - Một du khách nói với phóng viên Tiền Phong.
Trong lễ khai mạc sáng nay, ngoài thơ, văn các vị đại biểu, khách quý cũng được chiêm ngưỡng, thưởng thức những nét văn hóa đậm đà bản sắc Việt Nam như ca trù, đánh cồng chiêng, hát quan họ… Nhiều nhà thơ quốc tế cũng đăng ký trình diễn cùng với các nhà thơ Việt Nam.
Buổi chiều, tại sân Nhà Thái học, Hội Nhà Văn Việt Nam cũng tiến hành công bố, trao giải thưởng Văn học năm 2010 - 2011 cho 11 tác giả, tác phẩm. Mỗi tác phẩm được nhận bằng khen của Hội Nhà Văn Việt Nam cùng tiền thưởng 20 triệu đồng.
Các tác phẩm cụ thể:
1. Luận bàn minh triết và minh triết Việt - Hoàng Ngọc Hiến
2. Lỏng và tuột - Trần Đức Tiến
3. Sóng và khoảng lặng - Từ Quốc Hoài
4. Bầu trời không mái che - Mai Văn Phấn.
5. Hoan ca - Đỗ Doãn Phương
6. Minh Sư - Thái Bá Lợi.
7. Giữa dòng chảy lạc - Nguyễn Danh Lam.
8. Ngày linh hương nở sáng - Đinh Thị Như Thùy.
9. Đội gạo lên chùa - Nguyễn Xuân Khánh.
10. Huyền thoại tàu không số - Đình Kính.
11. Lính trận - Trung Trung Đỉnh.
Một số hình ảnh tại Ngày thơ Việt Nam, 5 - 2: