Lãnh đạo Quảng Nam: 'Cái gốc của phòng chống thiên tai là giữ rừng'

TPO - Tại Hội nghị trực tuyến về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - nhấn mạnh: “Gốc của vấn đề là giữ rừng. Thực tế cho thấy giữ rừng tốt thì giúp giữ nước tốt trong mùa hạn, lại chống xói lở, hạn chế được lũ quét mùa mưa bão”.

Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - chủ trì hội nghị.

Chiều 30/5, ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2023 và triển khai nhiệm vụ thời gian đến.

Quảng Nam đúc rút kinh nghiệm về công tác PCTT &TKCN.

Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh, ước tính thiệt hại do ảnh hưởng các đợt thiên tai tại Quảng Nam trong năm 2023 khoảng 266 tỷ đồng, bao gồm thiệt hại về người, nhà ở, sản xuất nông nghiệp, kết cấu hạ tầng...

Năm 2023, thời tiết thủy văn các địa phương trong tỉnh tương đối ít có biến động lớn. Tuy nhiên vào từng thời điểm, từng địa phương vẫn có diễn biến phức tạp, như các đợt nắng nóng, mưa lớn cực đoan, mưa đá, gió lốc, dông sét.

Riêng 5 tháng đầu 2024, các địa phương trong tỉnh chịu ảnh hưởng của 4 đợt dông sét, mưa đá, gió giật mạnh gây thiệt hại, xảy ra 23 vụ tai nạn, sự cố xảy trên biển làm 5 người chết và mất tích, 8 người bị thương.

Ông Trương Xuân Tý - Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam kiêm Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN.

Khó bố trí, sắp xếp dân cư vùng sạt lở

Theo ông Trương Xuân Tý - Phó giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh - nguy cơ rủi ro sạt lở đất đối với người dân ở khu vực miền núi, ven sông, ven biển rất cao trong khi điều kiện sắp xếp dân cư còn rất khó khăn, nhất là về nguồn vốn, quỹ đất tái định cư và việc thay đổi phong tục tập quán sinh sống, sản xuất của người dân địa phương.

Nỗi lo sạt lở núi ở Quảng Nam vào mùa mưa lũ. Trong ảnh là hiện trường tìm kiếm nạn nhân vụ sạt lở ở Trà Leng, huyện Nam Trà My.

“Đối với các địa phương miền núi, hiện nay công cụ, dụng cụ về công nghệ chưa dự báo được sạt lở. Mặc dù tỉnh đã chỉ đạo nghiên cứu chỉ ra những vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất để các địa phương hạn chế bố trí dân cư trong vùng có nguy cơ cao, diện tích đất ở địa phương để bố trí sắp xếp dân cư gặp khó khăn”, ông Tý nói.

Ngoài ra, tổ chức bộ máy làm nhiệm vụ PCTT&TKCN ở các cấp, ngành, địa phương làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, không có cán bộ chuyên trách nên ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả tham mưu triển khai thực hiện.

Hệ thống cảnh báo, thông tin, truyền thông tới cộng đồng, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa còn hết sức khó khăn do địa hình chia cắt, dân cư phân tán…

Tại hội nghị, ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó chủ tịch UBND huyện Đại Lộc - thông tin vẫn còn tình trạng thủy điện xả lũ gây ngập nhà dân. Cụ thể, việc xả lũ hồ chứa của thủy điện An Điềm 2 năm ngoái gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến vùng hạ du, gây sạt lở, ảnh hưởng đến sản xuất, nhà cửa của người dân. Ông Mẫn đề nghị tỉnh và các ngành liên quan chỉ đạo doanh nghiệp không để tình trạng này xảy ra thời gian tới.

Trồng rừng, giữ rừng

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các ngành, địa phương làm tốt hơn nữa công tác “4 tại chỗ” trong triển khai phòng chống thiên tai.

Ông Bửu lưu ý địa phương triển khai đầy đủ các kênh tuyên truyền như qua tin nhắn zalo, đài phát thanh, loa di động...

Cơ sở dữ liệu về PCTT phải được chia sẻ tới người dân, làm sao thông tin phải đến được người dân để dân biết, chủ động ứng phó các tình huống thiên tai.

“Gốc của vấn đề là giữ rừng. Thực tế cho thấy năm 2023 dù có mưa nhiều nhưng lượng nước xuống chậm không như trước đổ xuống ào ào, nay nước dâng từ từ chứng tỏ chúng ta giữ rừng tốt. Mùa hạn thì nước cũng không tụt nhanh. Giữ rừng tốt thì giúp giữ nước tốt trong mùa hạn, lại, chống xói lở, hạn chế được lũ quét mùa mưa bão”, ông Bửu nhấn mạnh.

Ông đồng thời đề nghị các thủy điện cùng địa phương vào cuộc, thực hiện trồng rừng bằng cây bản địa, nghiên cứu trồng cây tre thân gỗ vừa đem lại hiệu quả kinh tế, vừa giữ nước rất tốt.