Lãnh đạo Đức - Pháp điện đàm với ông Putin, kêu gọi thả binh sĩ Ukraine đầu hàng ở Azovstal

TPO - Thủ tướng Đức Scholz và Tổng thống Pháp Macron đồng loạt thúc giục Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố đình chiến ngay lập tức, và rút quân khỏi Ukraine. Hai lãnh đạo cũng kêu gọi Nga thả khoảng 2.500 binh sĩ Ukraine - những người đầu hàng từ nhà máy thép Azovstal.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 28/5 đã có cuộc điện đàm dài 90 phút với Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Theo Điện Kremlin, Tổng thống Putin đã thông báo với hai lãnh đạo châu Âu về những diễn biến mới nhất trong chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, đồng thời nhấn mạnh cuộc sống ở Mairupol và các thành phố khác Nga vừa giành quyền kiểm soát đã dần trở lại bình thường.

Ông Putin khẳng định Nga vẫn sẵn sàng đàm phán về thỏa thuận hòa bình, sẵn sàng xuất khẩu phân bón và các sản phẩm nông nghiệp khác, nhưng điều này sẽ đòi hỏi các nước phương Tây phải dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt.

Tổng thống Putin cũng nói rằng Nga sẽ đảm bảo việc xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng của Ukraine trên Biển Đen. Cho đến gần đây, việc xuất khẩu vẫn bị gián đoạn do Ukraine gài thủy lôi trên biển, theo Mátxcơva. Tuy nhiên, Hải quân Nga đã mở hai hành lang cho các tàu dân sự, một ở Biển Đen và một qua Biển Azov.

Cũng trong cuộc điện đàm, Thủ tướng Đức Scholz và Tổng thống Pháp Macron đồng loạt thúc giục Tổng thống Putin tuyên bố đình chiến ngay lập tức, và rút quân khỏi Ukraine.

"Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp yêu cầu ngừng bắn và rút quân ngay lập tức. Hai lãnh đạo cũng kêu gọi Tổng thống Nga tham gia vào các cuộc đàm phán trực tiếp nghiêm túc với Tổng thống Ukraine và tìm ra giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột", người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Hebestreit nói.

Theo Điện Elysee, hai lãnh đạo đã kêu gọi Nga thả khoảng 2.500 binh sĩ Ukraine - những người đầu hàng từ nhà máy thép Azovstal. Đồng thời, hai nhà lãnh đạo cũng phản ứng tích cực với cam kết của ông Putin rằng các tù binh chiến tranh của Ukraine sẽ được đối xử "phù hợp với luật nhân đạo quốc tế” và cho phép Ủy ban Chữ Thập đỏ quốc tế tiếp cận họ không hạn chế.

Hai ông Scholz và Macron đều từng chỉ trích Nga về chiến dịch quân sự ở Ukraine và ủng hộ các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với Mátxcơva. Tuy nhiên, hai nhà lãnh đạo vẫn giữ liên lạc trực tiếp với người đồng cấp Nga.

Trong khi đó, các chính trị gia châu Âu khác đã kiên quyết bác bỏ phương án đối thoại với Tổng thống Nga. Thủ tướng Ba Lan Matteusz Morawiecki đã chỉ trích Tổng thống Pháp Macron vì điện đàm với ông Putin, còn Thủ tướng Anh Boris Johnson đã bác bỏ các cuộc đàm phán hòa bình.

Pháp và Đức là hai trong số những quốc gia tích cực tặng vũ khí và viện trợ quân sự cho Kiev. Đề cập đến việc này trong cuộc điện đàm hôm thứ Bảy, ông Putin cho biết việc phương Tây tiếp tục "bơm" vũ khí cho Ukraine "có nguy cơ làm mất ổn định thêm tình hình và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo”.

Kết thúc cuộc điện đàm, ba nhà lãnh đạo đồng ý giữ liên lạc.

Đây là cuộc điện đàm ba bên đầu tiên của các nhà lãnh đạo Nga, Đức, Pháp sau 11 tuần. Trước đó cuộc điện đàm gần nhất diễn ra vào ngày 12/3. Ngoài ra, Tổng thống Putin đã có cuộc nói chuyện riêng với Tổng thống Macron vào ngày 3/5, sau khi ông Macron tái đắc cử, và với Thủ tướng Đức Scholz vào ngày 13/5.

Theo RT