Tháng 11/2019, Tiền Phong đăng tải loạt bài viết "Nhà xưởng sai phép, nhả khói khét lẹt" và "Kỳ lạ dải khói đen bao phủ dọc cầu Nhật Tân"... phản ánh về tình trạng hàng loạt xưởng nấu keo, lò đúc kim loại trên địa bàn huyện Đông Anh (Hà Nội) hoạt động sai phép, xả khói gây ô nhiễm môi trường.
Sự việc diễn ra trong bối cảnh ô nhiễm không khí ở Hà Nội mức báo động nên ngay sau phản ánh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã liên hệ phóng viên Tiền Phong để tiếp nhận thông tin. Theo đó, Chủ tịch Chung yêu cầu UBND huyện Đông Anh sớm xử lý dứt điểm tình trạng này, và báo cáo kết quả xử lý.
Lúc này, chính quyền các cấp huyện Đông Anh mới vội vã vào cuộc. Ngày 12/10, ông Lê Trung Kiên, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh cho biết đã yêu cầu UBND các xã báo cáo, tiến hành tháo dỡ, đồng thời yêu cầu các Trưởng phòng Tài nguyên môi trường, Quản lý đôi thị, Trật tự xây dựng lập đoàn kiểm tra trực tiếp, lập biên bản xử lý, báo cáo trước 14h30 ngày 13/10. Vị này hứa, trong tháng 12, sẽ xử lý dứt điểm tình trạng trên. Ông Kiên cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các xã có trong bài phản ánh của Tiền Phong tiếp tục giám sát, sau đó có phương án quản lý đất để không bị tái chiếm.
Mới đây, ông Hoàng Hải Đăng, Chánh văn phòng UBND huyện Đông Anh cam kết sẽ xử lý dứt điểm trước 31/12/2019. Tuy nhiên, theo ghi nhận, đến nay vẫn còn một số nhà xưởng vẫn chưa tháo dỡ hết, lấn chiếm hành lang đê điều cạnh sông Đuống.
Ông Nguyễn Quang Lưu, Chủ tịch UBND xã Xuân Canh (Đông Anh, Hà Nội) nhiều lần hứa hẹn sẽ tháo dỡ xong sớm, nhưng mỗi lần liên hệ để hỏi về tiến độ xử lý, vị này luôn lặp lại điệp khúc vẫn đang trong quá trình. Ngày 8/1, Chủ tịch xã Xuân Canh cho biết, không xác định được thời gian xử lý vì chủ xưởng đã chuyển đi nơi khác. Theo phản ánh của người dân, những nhà xưởng này đã tồn tại lâu năm nhưng chính quyền vẫn thờ ơ, để mặc các nhà xưởng hoạt động trái phép.
Tại cầu Thăng Long, Tiền Phong từng có loạt bài phản ánh về tình trạng hành lang an toàn đường sắt bị uy hiếp khi hàng loạt cơ sở buôn bán, kinh doanh trái phép dưới gầm cầu Thăng Long. Điển hình là “Đại siêu thị” đồ cũ Nhật khi có đến hàng trăm tấn đồ phế thải cũ ngang nhiên buôn bán dưới gầm cầu trong suốt thời gian dài nhưng không bị xử lý.
Sau phản ánh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo UBND huyện Đông Anh kiểm tra, làm rõ và sớm xử lý dứt điểm. Tuy nhiên, đến nay tình trạng lấn chiếm an toàn hành lang đường sắt dưới gầm cầu Thăng Long vẫn diễn ra dưới sự buông lỏng của chính quyền địa phương.