Lãnh đạo ASEAN thông qua 2 Tuyên bố

TPO - Trưa nay 9/4, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), Hội nghị Cấp cao ASEAN 16 đã kết thúc tốt đẹp, thể hiện qua 2 Tuyên bố về Phục hồi – Phát triển Bền vững và Biến đổi khí hậu được thông qua tại Hội nghị lần này. 

Ngay sau khi kết thúc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc họp báo thông báo kết quả Hội nghị với đông đảo phóng viên trong và ngoài nước.

Thủ tướng khẳng định Hội nghị đã kết thúc thành công tốt đẹp với việc tập trung trao đổi về các vấn đề: Triển khai Hiến chương và xây dựng Cộng đồng ASEAN; Hợp tác ứng phó với các thách thức toàn cầu; Quan hệ đối ngoại của ASEAN và vai trò ASEAN ở khu vực. Ngoài ra, Hội nghị cũng trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Về xây dựng Cộng đồng và triển khai Hiến chương, các nhà lãnh đạo các nước ASEAN khẳng định quyết tâm đẩy mạnh hành động hướng tới mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.

Về phục hồi kinh tế và phát triển bền vững, Hội nghị cấp cao ASEAN 16 đã trao đổi ý kiến sâu rộng và nhất trí thông qua “Tuyên bố ASEAN về Phục hồi và Phát triển bền vững”, trong đó đề ra phương hướng và biện pháp hợp tác ASEAN, nhất là tập trung vào đẩy nhanh liên kết kinh tế ASEAN, coi trọng gắn kết mục tiêu phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường và bảo đảm an sinh xã hội cũng như đẩy mạnh giáo dục và phát triển nguồn nhân lực; đồng thời tăng cường hợp tác kinh tế - tài chính Đông Á, đóng góp vào nỗ lực toàn cầu cho phục hồi và phát triển bền vững.

Về hợp tác ứng phó với các thách thức toàn cầu, các nhà lãnh đạo các nước ASEAN đã trao đổi về các biện pháp đẩy mạnh hợp tác ứng phó hữu hiệu hơn với các thách thức toàn cầu khác, nhất là biến đổi khí hậu.

Hội nghị đã thông qua “Tuyên bố ASEAN về ứng phó với Biến đổi Khí hậu”. Theo đó, ASEAN sẽ gia tăng hợp tác, thông qua kế hoạch và biện pháp cụ thể, gắn kết với các chương trình hành động quốc gia; đồng thời cam kết đóng góp tích cực cho nỗ lực chung toàn cầu hướng tới đạt một thoả thuận quốc tế có tính ràng buộc về pháp lý về biến đổi khí hậu.

Tuyên bố cũng hoan nghênh hợp tác ở Mê-kông và các tiểu vùng khác trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hội nghị nhất trí cần tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN trong một cấu trúc khu vực đang nổi lên. Theo đó, các nhà lãnh đạo các nước ASEAN cũng nhất trí cần đồng thời đẩy mạnh quan hệ đối ngoại của Hiệp hội với các Đối tác thông qua các khuôn khổ hợp tác ASEAN+1, tăng cường hoạt động của các diễn đàn khu vực hiện có trong đó ASEAN giữ vai trò chủ đạo, như ASEAN+3, EAS, ARF…

Các nước ASEAN ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam, với tư cách Chủ tịch ASEAN, tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm G-20 trong năm 2010; và Chủ tịch ASEAN sẽ tiếp tục tham dự G-20 như một cơ chế thường xuyên.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng :

Tin tưởng các bên sẽ tuân thủ và thực hiện tốt DOC

Cuối buổi họp báo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dành thời gian trả lời nhiều câu hỏi của các nhà báo trong và ngoài nước liên quan đến Tiểu vùng sông Mê Kông, vấn đề Biển Đông và vấn đề bầu cử ở Myanmar. Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn :

TTXVN : Xin Thủ tướng cho biết tại HNCC lần này, có bàn tới biện pháp tăng cường thúc đẩy hợp tác giữa các nước trong tiểu vùng Sông Mê Kông không, và các biện pháp đó là gì ? Quan điểm của ASEAN về kết quả của cuộc họp thượng đỉnh Ủy hội sông Mê Kông vừa qua ?

- Thủ tướng : Hợp tác phát triển tiểu vùng Mê Kông luôn là một trong những ưu tiên của ASEAN, tại hội nghị lần này các nhà Lãnh đạo ASEAN đã bàn tới nhiều nội dung liên quan đến phát triển Mê Kông, trong đó có tăng cường kết nối, thúc đẩy phát triển bền vững ở khu vực Mê Kông, cùng với việc bảo vệ môi trường tư nhiên ở lưu vực Mê Kông, với sự nỗ lực chống biến đổi khí hậu, ASEAN cũng rất hoan nghênh kết quả tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất của các nước ủy hội sông Mê Kông họp tại Thái Lan ngày 4-5/4 vừa qua.

Hội nghị cũng bày tỏ việc ủng hộ các nước ủy hội Mê kông trong việc tăng cường hợp tác, sử dụng, khai thác các nguồn tài nguyên của dòng sông Mê Kông.

Có thể nói Hội nghị thượng đỉnh Ủy hội sông Mê Kông vừa qua đã rất thành công, và đại diện của CHND Trung Hoa , đại diện của Myanmar tham dự Hội nghị này cũng bày tỏ sự đồng tình rất cao về tuyên bố chung của Hội nghị.

BBC : Xin hỏi Thủ tướng về chủ đề Biển Đông được các lãnh đạo ASEAN đề cập tới như thế nào trong hội nghị này và liệu đã đạt được thảo thuận gì hay không ?

- Vấn đề duy trì hòa bình, ổn định và an ninh, an toàn trên Biển Đông là lợi ích chung và cũng là mối quan tâm lớn của các nước ASEAN cũng như các nước trong cả khu vực.

Các nước liên quan đã xây dựng nhiều thỏa thuận và cơ chế hợp tác nhằm bảo đảm hòa bình, ổn định và cùng hợp tác ở khu vực, trong đó có Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

DOC là văn bản quan trọng được ký kết giữa ASEAN và Trung Quốc nhằm thúc đẩy xây dựng lòng tin và hợp tác, và các bên liên quan đều đã khẳng định cam kết tuân thủ và thực hiện DOC.

Hiện nay các bên liên quan đang nỗ lực thúc đẩy việc thực hiện cam kết này. Các quan chức ASEAN và Trung Quốc đã thống nhất là sẽ sớm nhóm họp để bàn biện pháp thúc đẩy, triển khai thực hiện DOC.

Chúng tôi tin tưởng rằng, với vị trí của các bên, vì lợi ích chung của cả khu vực, các bên liên quan sẽ tiếp tục tuân thủ và thực hiện tốt DOC cũng như Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 để góp phần thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn trên Biển Đông. Vì điều đó là lợi ích chung của các nước ASEAN cũng là  lợi ích của các nước trong khu vực.

Reuters : Được biết Ngài vừa thăm Myanmar, vậy liệu ngài có hài lòng về vấn đề bầu cử tại Myanmar không ?

- Cùng là thành viên của ASEAN và là láng giềng trong khu vực, ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng luôn quan tâm, theo dõi tình hình xây dựng và phát triển của đất nước Myanmar. Tại cuộc họp cấp cao lần này, Ngài Thủ tướng Myanmar Thein Sein, cũng chia sẻ với chúng tôi về diễn biến gần đây ở Myanmar, trong đó Thủ tướng Thein Sein cũng đã có thông báo về công tác chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử dự kiến sẽ được tổ chức trong năm 2010.

Trong chuyến thăm vừa qua tới Myanmar, ngoài việc trao đổi về hợp tác song phương, tôi với cương vị là chủ tịch ASEAN tôi đã chuyển tới Chính phủ và nhân dân Myanmar thông điệp của ASEAN là mong muốn Myanmar triển khai có hiệu quả lộ trình dân chủ vì hòa bình và hòa hợp dân tộc, tổ chức bầu cử công bằng dân chủ dưới sự tham gia của tất cả các đảng phái, qua đó để sớm ổn định và tập trung phát triển đất nước.

Tại hội nghị này, các nước ASEAN khẳng định tiếp tục ủng hộ Myanmar tích cực hội nhập với khu vực và quốc tế, khẳng định sẵn sàng hỗ trợ Myanmar khi Myanmar có yêu cầu và trên tinh thần Hiến chương của ASEAN.