Lãnh đạo Agribank nói gì về khoản lỗ hơn 3.000 tỷ đồng?

TP - “Chúng tôi không dung túng, bao che gì về các sai phạm này. Bản thân lãnh đạo của Agribank cũng có thiếu sót và trách nhiệm”. Ông Nguyễn Thế Bình, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Nông nghiệp&Phát triển nông thôn (Agribank) nói về khoản lỗ hơn 3.000 tỷ đồng, mà Kiểm toán Nhà nước vừa kết luận tại Công ty cho thuê tài chính II (ALC II), thuộc Agribank.

Chờ chỉ đạo từ cấp trên

Ông Nguyễn Thế Bình thừa nhận với tư cách là công ty mẹ của ALC II, so sánh với phần kiểm tra của Agribank và báo cáo kiểm toán, giống nhau về cơ bản. “Chúng tôi không dung túng, bao che gì về các sai phạm này. Bản thân lãnh đạo của Agribank cũng có thiếu sót và trách nhiệm” - Ông Bình thừa nhận

Cho thuê tài chính bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam từ năm 1996 và cho đến nay đã có 12 công ty được cấp giấy phép và hoạt động, trong đó đa phần thuộc các ngân hàng thương mại.

Theo ông Bình, vào thời điểm ALC II ra đời và hoạt động, do cơ chế kiểm tra giám sát doanh nghiệp theo hướng chủ tịch HĐQT chịu trách nhiệm nên đã có thời điểm ALC II hoạt động hoàn toàn độc lập như Agribank, chỉ khác là quy mô nhỏ hơn. Đã có thời điểm Agribank đặt vấn đề kiểm tra nhưng khá lâu mới thực hiện được. “Hiện, tổng giám đốc ALC II đã bị miễn nhiệm (cuối 2009). Vừa rồi, chúng tôi đã thay toàn bộ từ HĐQT đến ban giám đốc. Toàn bộ ban lãnh đạo ALC II hiện tại là những người ưu tú nhất của Agribank cử xuống. Quan điểm của chúng tôi là trong thời gian này phải bằng mọi cách cứu và vực ACL II dậy. Hiện đã xác định có thể xử lý một số tài sản đất đai thế chấp có giá trị lớn có thể thu hồi”- Ông Bình nói.

Liên quan đến nội dung KTNN đề nghị làm rõ như việc giải ngân cho các hợp đồng đầu tư từ năm 2008- 2009 để mua 5 con tàu biển trị giá 451 tỷ đồng nhưng đến nay chưa hình thành tài sản, theo ông Bình, bản thân ông đã phải vào tận TP Hồ Chí Minh để xác minh. “Việc ALC II định hướng đầu tư vào tàu biển là sai, quản lý thể hiện rõ sự yếu kém qua xác định, nhưng về nhu cầu thanh khoản không có nghĩa là mất hoàn toàn. Chúng tôi đang có những xem xét, tính toán cụ thể hơn”.

Trước câu hỏi của PV, có nên cho ALC II phá sản? Chủ tịch HĐQT Agribank cho biết, muốn cứu ALC II thông qua các giải pháp: gỡ cơ chế, bơm vốn giải quyết thanh khoản. “Dù đang tích cực xem xét tình trạng tài chính để cố gắng tái cơ cấu nhưng về cơ bản, chúng tôi sẵn sàng chờ ý kiến chỉ đạo từ phía Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ”- Ông Bình nói.

Thất thoát hơn 4.000 tỷ đồng

ALC II được thành lập năm 2006 là doanh nghiệp Nhà nước, đơn vị thành viên của Agribank. Theo kết quả kiểm toán, dù mới thành lập, ít vốn (350 tỷ đồng vốn điều lệ) nhưng ALC II đầu tư quá nhiều vào các công ty cổ phần ít vốn mới thành lập, thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh vận tải biển (chiếm 98,75%); đầu tư tập trung tài sản cho thuê vào ngành vận tải biển quá lớn (chiếm 56,6% tổng dư nợ).

Hơn thế, trong lĩnh vực cho thuê tài chính, công ty này đã không tuân thủ các nguyên tắc với khách hàng như: thực hiện thẩm định hồ sơ trước khi cho thuê chưa đúng quy định, không kiểm tra chất lượng tài sản, xác định giá.

Trong quá trình đầu tư tài sản cho thuê đã có sai phạm như: mua tài sản không thuộc sở hữu của bên bán, xác định giá mua bán tài sản không có cơ sở, có dấu hiệu bất thường trong việc xác định giá mua tài sản (cho thuê xe cẩu của Cty THNN Xây dựng và Thương mại Quang Vinh), không quản lý chặt chẽ tiền giải ngân, có ý để bên thuê chiếm dụng số tiền lớn (vụ đầu tư vào 5 tàu biển từ 2008- 2009 trị giá 451 tỷ đồng đã giải ngân hết trong khi khách hàng chưa có tàu bàn giao có dấu hiệu làm thất thoát tài sản của Nhà nước)… Bên cạnh, chưa kể đến việc ALC II còn rất mạnh tay trong huy động vốn với mức huy động vượt trần lãi suất, thậm chí thoát ra khỏi hạn mức bảo lãnh của Agribank...

Kết luận kiểm toán ban hành cuối tháng 10-2010 khẳng định, tình hình tài chính hiện nay của ALC II rất nghiêm trọng, do công ty có nhiều sai phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng vốn của Nhà nước… Theo đó, năm 2009 ALC II lỗ tới 3.004 tỷ đồng (gấp 8,5 lần vốn điều lệ), đưa công ty đến bờ vực phá sản và làm thất thoát số tiền của Nhà nước lên tới 4.617 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu ở mức cao bằng 60,4% tổng dư nợ, tổng nợ phải trả lớn hơn tổng tài sản là 2.573 tỷ đồng, mất khả năng thanh khoản trầm trọng vào quý IV năm 2009 là 1.763 tỷ đồng và đến cuối năm2010, ước tính mất khả năng thanh khoản ở mức hơn 6.600 tỷ đồng và có thể còn cao hơn thế nếu không có biện pháp thu hồi nợ tích cực.

Đề nghị chuyển cơ quan điều tra

Theo KTNN, trách nhiệm chính để xảy ra các sai phạm tại Công ty CTTCII thuộc về ban lãnh đạo công ty và cá nhân ông Đỗ Tất Ngọc, nguyên Chủ tịch HĐQT Agribank kiêm chủ tịch HĐQT ALC II, do đã cố ý làm trái các quy định của Agribank khi ký ban hành QĐ số 351 để phê duyệt kế hoạch kinh doanh năm 2007 với hạn mức vay vốn 3.770 tỷ đồng trong khi tại thời điểm đó, công ty này đang nợ Agribank tới 2.555 tỷ đồng, vượt hạn mức hơn 1.300 tỷ. Cùng đó, giai đoạn ông Ngọc làm chủ tịch đã buông lỏng quản lý, không thực hiện bất kỳ cuộc kiểm tra giám sát nào với doanh nghiệp này...

Trên cơ sở đó, KTNN đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cơ quan điều tra vào cuộc làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan, xử lý trước pháp luật và thu hồi tiền, tài sản nhà nước.

Theo Báo giấy