Ghi nhận của PV Tiền phong những ngày cuối năm Canh Tý 2020 ở làng trầu có tuổi đời ngót nửa thế kỷ và nổi danh khắp miền Tây này.
Làng trầu Vị Thủy thuộc xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Nghề trồng trầu ở đây có từ hàng chục năm nay, thậm chí có gia đình trồng từ thời phong kiến và duy trì đến ngày nay. Ảnh: Cảnh Kỳ
Nghề trồng trầu ở đây cũng đã được công nhận là nghề truyền thống. Ảnh: Cảnh Kỳ
Toàn xã Vị Thủy có hàng trăm hộ dân trồng trầu với diện tích 37ha, tập trung ở các ấp 5, 6, 7, 8. Ảnh: Cảnh Kỳ
Riêng ở ấp 5 có số lượng đông nhất với 154 hộ, nơi đây cũng vừa ra đời Hợp tác xã Trầu Vàng với ban đầu 23 hộ là thành viên. Ảnh: Cảnh Kỳ
Lá trầu sau khi hái được phân loại để chọn những lá đẹp nhất để bán, chia thành hai loại trầu vàng và trầu xanh. Ảnh: Cảnh Kỳ
Những lá trầu xanh được xếp cùng nhau và tương tự đối với lá vàng. Lá trầu được xếp thành ốp, mỗi ốp gồm 40 lá. Theo giá trị, trầu xanh có giá cao hơn trầu vàng vì màu sắc và để được lâu hơn. Ảnh: Cảnh Kỳ
Mặc dù được xem là nghề phụ (bên cạnh trồng lúa) nhưng trồng trầu đem lại cho bà con thu nhập đáng kể. Ông Nguyễn Văn Đời – Giám đốc Hợp tác xã Trầu Vàng cho biết, với khoảng 2 công đất (1.000m2/công) trồng trầu, bình quân mỗi tháng cho thu hoạch 3 đợt, mỗi đợt 2.000 ốp, với giá 2.500 đồng/ốp, bà con thu về 15 triệu đồng, trừ chi phí, lãi khoảng 12 triệu đồng. Ảnh: Cảnh Kỳ
Riêng thời điểm cuối năm, do nhu cầu phục vụ Tết nên giá trầu cao hơn bình thường, cụ thể hiện trầu vàng có giá 6.000 đồng/ốp, trầu xanh là 9.000 đồng/ốp và dự báo những ngày tới còn cao hơn. Ảnh: Cảnh Kỳ
Đầu ra của mặt hàng này là TP.HCM, các tỉnh thành trong nước và xuất ngoại đi Đài Loan, Campuchia… Ông Đời cho biết, riêng trầu bán lẻ ở TP.HCM, có người nói với ông rằng một lá trầu với một quả cau đã có giá 20.000 đồng. Ảnh: Cảnh Kỳ
Vừa qua đã có các công ty, đơn vị như công ty rau quả, sản xuất tinh dầu… đến ngỏ ý hợp tác và hợp đồng thu mua trầu của bà con nhưng do tình hình dịch bệnh COVID-19 nên việc này tạm thời chưa được xúc tiến. Ảnh: Cảnh Kỳ