Dường như đây là một mặt hàng chủ lực trong những đồ lưu niệm mà quốc đảo chào mời du khách. Những bức tranh ở đây ngập tràn ánh nắng, những khuôn mặt đặc trưng Cuba. Cạnh đó là rất nhiều mặt hàng xinh xinh đáng yêu khác.
Ở khu La Habana cổ có Sân Nghệ Nhân ở phố Obispo - một trong những con phố nổi tiếng nhất và chắc chắn là con phố “quốc tế” nhất ở Cuba, tràn ngập khách du lịch. Công viên Trung tâm và Tòa nhà Quốc hội ngay đó. Cách vài dãy nhà có quán bar nổi tiếng El Floridita, nơi cố nhà văn Hemingway thường ngồi buổi chiều với ly cocktail Daiquiry. Sân Nghệ Nhân này nằm ở một nơi rất ấm cúng và trưng bày nhiều đồ vật làm thủ công nguyên bản với giá phải chăng.
Bạn tôi, “thổ công” Cuba hỏi: Vậy ông đã đi Hội chợ Rampa chưa? Tôi tự hào, đi rồi. Hội chợ nghệ nhân La Rampa, vào cửa phải mua vé 30 peso, không phân biệt người Cuba hay nước ngoài (khoảng 3.000 đồng VN). Nó nằm trên Đại lộ 23, giữa đường M và N, rất gần những địa chỉ nổi tiếng: Quảng trường Cách mạng, Rạp chiếu phim Yara, Khách sạn Habana Libre và tiệm kem Coppelia, trong khu phố cổ nổi tiếng El Vedado. Khu hội chợ này nhỏ với khoảng vài chục cửa hàng bán sản phẩm thủ công, quần áo, giày dép; nhưng vẫn có một triển lãm ảnh nghệ thuật tận dụng không gian một hành lang dài.
Buổi chiều mà tôi ghé thăm, ở đây đang có ban nhạc Ray Fernandez biểu diễn. Âm nhạc Cuba cực kỳ sôi sục và ca sĩ diễn rất lửa. Có bài hát nói rằng “đàn ông không phải chỉ là con đực. Đàn ông Cuba lại càng không. Chúng ta thuyết phục phụ nữ bằng cái đầu và cả trái tim”. Và ngay cả với những bài tình ca khởi đầu với lời hát dịu dàng “em đã mất anh rồi, nhưng bỗng chiều nay em thèm một lời hỏi thăm từ anh. Chỉ cần hỏi thăm thôi...” cũng đầy thôi thúc, làm đà cho đoạn điệp khúc mạnh mẽ sôi động. Ca sĩ chính liên tục giao lưu với khán giả. Và khi nhìn thấy một nữ khán giả bên dưới đội chiếc mũ có chóp hao hao chiếc nón, anh nói: Bạn làm tôi nhớ đến Việt Nam. Một dân tộc dũng cảm. Và hôm nay họ đã phát triển không ngừng, trở nên giàu có. Còn chúng ta thì sao? Tôi yêu Việt Nam...
Anh bạn mỉm cười, vậy là đã đi được hai nơi đặc sắc rồi. Nhưng còn Almacenes San José, chợ tranh thì sao? Cái này thì tôi đã được nghe danh lâu rồi, nhưng chưa đến được.
Vậy là sáng hôm sau, tôi chuẩn bị hành trang, máy ảnh để đến nơi thường được gọi là Chợ tranh – một điểm được cho là không thể thiếu khi ghé thăm La Habana. Tên chính thức của nó là Trung tâm Văn hóa “Nhà Kho Cũ San José”.
Anh Hùng, người lái xe của Sứ quán đón chúng tôi từ khu Miramar, đi khoảng hơn 5 cây số đến đoạn cuối của đại lộ Avenida del Puerto (còn được gọi là Desamparados), thuộc khu phố San Isidro, gần cảng, Nhà Kho Cũ hiện ra. Hóa ra nó khá gần Nhà thờ San Francisco de Paula của Quảng trường Chim Bồ Câu nổi tiếng. Tôi đã đi qua đây mà không biết. Đơn giản là vì các công trình di sản ở La Habana quá dày đặc.
Công trình kiến trúc rộng lớn này là một di sản của La Habana, được hình thành vào cuối thế kỷ 19 để lưu trữ hàng hóa cho các tàu neo đậu tại cảng. Nó được xây dựng với hơn 3.000 tấn sắt thép. Công trình gồm 2 tầng với tổng diện tích mặt bằng 18.000 m2.
Tài liệu của Văn phòng Lịch sử Thành phố ghi lại như sau:
Những con tàu hoành tráng tạo nên nhà kho được kiến trúc sư Adolfo Sáenz Yánez dựng lên vào năm 1885, bên cạnh một bến cảng, nơi các tàu hơi nước và thuyền buồm có thể cập bến và tiết kiệm chi phí bốc dỡ bằng thuyền.
Những nhà kho này lưu trữ đường, rượu, gạo, cà phê, gạch, máy móc cho các nhà máy, bông và thuốc lá, cùng các sản phẩm khác. Có các tuyến đường sắt riêng nối nó với các bến tàu khác. Mặc dù nằm gần biển nhưng kiệt tác di sản công nghiệp này của La Habana vẫn tồn tại cho đến ngày nay trong tình trạng hoàn hảo.
Năm 2009, Văn phòng Lịch sử La Habana đã biến Nhà Kho Cũ thành không gian văn hóa với các triển lãm tranh và nhiếp ảnh, biểu diễn sân khấu và các hoạt động giải trí cho trẻ em.
Nhà sử học thành phố, Eusebio Leal Spengler, giải thích trong lễ khánh thành rằng họ đã lên kế hoạch cho trung tâm “là nơi để tận hưởng một môi trường văn hóa, nơi nghệ thuật, thủ công, tư tưởng và ý tưởng đối thoại hài hòa”.
Ngày nay, nhà kho cũ là chợ thủ công lớn nhất ở Havana, với hơn 300 gian hàng cung cấp đủ loại quà lưu niệm: tranh ảnh, sách cũ, tiền cổ, áo phông, tác phẩm điêu khắc bằng gỗ, phụ kiện bằng da, đồ trang sức, tem, móc chìa khóa và vô số đồ vật liên quan đến hình tượng Ernesto “Che” Guevara. Các nghệ nhân và nghệ sĩ không chỉ đến từ thủ đô mà có cả các vùng khác của Cuba.
Đầu năm nay, tranh và tác phẩm nghệ thuật vẫn được bán ngay tầng 1, nhưng giờ tất cả đã chuyển lên tầng 2 nhường chỗ cho các quầy hàng bán đồ lưu niệm. Trong những trang web giới thiệu về địa điểm này nổi bật là hình ảnh chiếc đầu tàu hoả cổ vẫn còn nguyên vẹn. Nhưng khi chúng tôi đến, đầu tàu không còn được đặt ở đây nữa mà đã được đưa vào giữa phố cổ.
Người Việt sành sỏi đến đây thường lùng mua loại tượng tròn đục từ loại gỗ quý chỉ có ở Cuba (thấy bảo là “quốc mộc”). Những bức tượng này mô tả những sinh vật biển quấn quýt vào nhau rất đặc biệt. Cũng có bức mô tả hình tượng phụ nữ bán khoả thân giữa sóng biển trông tựa vị thần rất trang nhã. Cô gái là người nhà một vị tôi quen ở Cuba đã lâu nâng lên đặt xuống một bức tượng. Sau buổi chợ tôi hỏi thăm chị kể, giá ban đầu là 75USD nhưng chị mua được với giá 50USD. Tôi thấy một chồng sách cũ, có những cuốn xuất bản từ năm 1962. Người yêu sách và biết tiếng Tây Ban Nha chắc là rất thích. Những cuốn sách này giá cả rất co giãn, nhưng thường là dưới 10USD, cũng như đa số các mặt hàng mỹ nghệ tại tầng 1.
Trong chợ có một số quán nhìn ngay ra vịnh là một lựa chọn tốt để ăn nhẹ hoặc uống nước hay cà phê. Có một quán phục vụ món nước dừa nguyên quả hút rất nhiều khách xếp hàng. Hai anh chàng mặc sơ mi hoa văn sặc sỡ vừa tán chuyện với khách vừa chặt dừa khéo như múa.
Chúng tôi bắt chuyện với một người chủ kios ở đây. Ông tự giới thiệu tên Reinaldo và còn mời kết bạn trên facebook. Ông khoảng trên 50 tuổi và bảo đã làm ăn ở đây hơn 10 năm. Quãng thời gian 2017 khi Mỹ nới lỏng các quy định cấm vận và tàu du lịch vượt eo biển Miami sang, chợ cực kỳ sôi động “làm ăn rất tốt!”, Reinaldo nói vẻ nuối tiếc. Ông hào hứng giới thiệu một người bạn Mỹ trên facebook đã từng là khách hàng, mà theo ông rất tốt bụng và vui tính.
Trên các trang du lịch, địa điểm này được đánh giá cao. Có thể thấy những nhận xét: “Cơ hội tuyệt vời để mua quà lưu niệm từ Cuba. Một sự đa dạng không thể đánh bại, nơi này là Thánh địa của hàng thủ công ở Cuba và những người sản xuất rất “đáng gờm” và rất dễ chịu. Giá cả và chất lượng rất tuyệt vời và đa dạng. Tại gian hàng 214 tôi đã mua và họ đối xử với tôi rất tốt. Ở vị trí số 63, sự đa dạng thật ngoạn mục”. (Abel M, viết ngày 15 tháng 12 năm 2022). “Các cửa hàng San José nằm trên Phố Puerto là một trong những địa điểm bán đồ lưu niệm tốt nhất trên khắp Havana về chủng loại và giá cả. Nơi này khá rộng rãi, bạn có thể tìm thấy mọi thứ, đủ loại đồ lưu niệm và với mức giá ưu đãi nhất, tuy nhiên bạn vẫn có thể được giảm giá thêm, ở đó bạn cũng có thể mua các tác phẩm nghệ thuật của Cuba như những bức tranh rất nhiều màu sắc, cảnh truyền thống và chất lượng tốt. Bất cứ khi nào tôi ghé thăm Havana, đây là nơi tôi mua quà lưu niệm mang về”. (Mauricio B, đến từ Bucaramanga, Colombia, viết ngày 27 tháng 10 năm 2019).
Tuy nhiên cũng có những ý kiến trái chiều: “Một nơi tốt để mua đồ thủ công, đồ gỗ, đồ da, đồ trang sức, v.v ... nhưng phải cẩn thận!!!! Họ lén đưa cho chúng tôi tờ 20 Euro giả! Nó đã phá hỏng buổi sáng của chúng tôi, chúng tôi cố gắng xác định “người bạn” nhưng với quá nhiều cửa hàng, chúng tôi không còn nhớ đó là cửa hàng nào nữa…” (Mariló B, viết vào ngày 19 tháng 8 năm 2023).
Hiện thời, ở Cuba được tiêu tiền đô la Mỹ và tiền Euro nên việc thanh toán ở chợ này rất thoáng. Cũng có người phàn nàn về tỷ giá nhưng nhìn chung giá chuyển đổi từ đồng ngoại tệ sang đồng peso ở đây khá hợp lý. (Đây là một câu chuyện khá lằng nhằng, xin hầu bạn đọc vào dịp khác). Reinaldo, ông chủ tiệm đã nói ở trên, có nhắc đến quãng thời gian Cuba phát hành đồng CUC. CUC là tiền dành cho khách du lịch ngoại quốc còn CUP là tiền tiêu dùng cho người dân nội địa. 1 CUC thời đó tương đương khoảng 1 đô la Mỹ. Lại nghe nói có quãng tại Cuba không đổi tiền đô la Mỹ sang peso mà chỉ có thể quy đổi từ đồng EURO.
Lang thang hết tầng 1, chúng tôi lên tầng 2. Cả một không gian rộng tới gần 10.000 m2 cơ man tranh và tranh. Tuy nhiên cũng hơi buồn vì tranh nhiều mà người thì ít. Tranh là mặt hàng kén khách, vận chuyển lại khó khăn hơn đồ lưu niệm nhỏ gọn. Khách du lịch mùa này không nhiều nên cảnh khá đìu hiu. Khá nhiều sạp tranh, giá tranh để đó nhưng không biết người bán đi đâu? Tôi gặp một hoạ sĩ già nhưng rất hoạt bát, ông nói tiếng Anh tương đương với tôi (nghĩa là khá sơ đẳng). Ông chào hàng những bức tranh vẽ thiếu nữ Cuba với giá 120USD nhưng khi thấy tôi ngần ngừ ông lập tức hạ xuống 100 rồi 80USD. Tôi chỉ vào tranh hỏi vì sao không ký tên thì ông cười và giới thiệu tên Javier? Không mua tranh cũng không sao. Ở đây người bán hàng khá thân thiện. Đi qua những dãy tranh xếp cao hơn đầu người, tôi gặp một hoạ sĩ trẻ với những bức tranh khá đẹp và hiện đại. Anh bán chúng với giá khá cao, có lẽ là cao nhất chợ - 250USD với bức tranh chỉ 50 x 60 cm. La cà hỏi chuyện, anh cho biết đã tốt nghiệp Học viện Nghệ thuật La Habana. Ramirez, như anh giới thiệu có xưởng ở nhà, và vẫn sáng tác “những bức tranh không giống thứ bán ở đây”. Anh cũng than phiền về thị trường và sự thiếu thốn đồ nghề để sáng tác… Tôi chia tay anh mà lòng trĩu nặng.
***
Đã gần giữa trưa, đứng trên tầng 2 của chợ tranh Nhà Kho Cũ nhìn ra phố, những chiếc xe cổ sơn màu sặc sỡ dành cho du lịch đều đậu lại nghỉ cả. Bỗng tôi nhìn thấy một quầy bán nước giải khát phục vụ cho khu tranh này. Mua một cốc nước dứa to mát lạnh, tôi ngạc nhiên khi thấy giá của nó chỉ là 50 peso (tương đương khoảng 5.000 đồng VN). Dù đã nhìn giá từ trước nhưng tôi không tin nên vẫn đưa tờ 500. Cô phục vụ xinh đẹp lúi húi đếm một tập tiền thừa và nhìn tôi cười. Ở Cuba người ta hay cười rất tươi và chân thành với khách. Và ở Cuba người ta không dồn đến để tranh mua ở một cửa hàng giải khát bán giá rất bao cấp…