Lắng nghe

TP - Không chỉ người dân mà nhiều người làm công tác nghiên cứu lịch sử, văn hóa cũng ngơ ngác khi nhận được thông tin dỡ bỏ Thương xá Tax – được xây dựng từ năm 1924 - để xây dựng thành một trung tâm thương mại cao 40 tầng, chặt bỏ nhiều hàng cây cổ thụ ở TPHCM để thi công nhà ga metro.

Cũng có những cuộc gặp mặt nọ kia nhưng là khi dự án đã khởi công. Trước đó, một số thông tin khô khan được đưa lên website của một số sở ngành, nhưng báo chí thì không hề hay biết để thông tin rộng rãi.

Những gì bị động đến là một phần lịch sử của thành phố. Vậy tại sao người dân không được quyền biết và tham vấn. Thời nay đâu còn là thời chiến, để vị chỉ huy cứ ra lệnh và tất cả phải thi hành? Vì sao một kế hoạch lớn, lâu dài, ở ngay trái tim thành phố, ảnh hưởng đến không chỉ cảnh quan mà cả kinh tế, lại phải tiến hành gần như trong bí mật? Có cảm giác người dân bị đưa vào sự đã rồi.

Cuối năm 2013, TPHCM vừa ban hành “Chương trình hành động bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị”. Nhưng khu vực cảnh quan có giá trị nhất đã nằm ngoài tầm điều chỉnh của chương trình này.

Tuy vậy, chậm còn hơn không, mới đây, đại diện Tổng lãnh sự quán Phần Lan tại TPHCM vừa gửi một lá thư cho UBND TPHCM và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất một số giải pháp nhằm giúp bảo tồn một phần Thương xá Tax sắp sửa bị phá dỡ. Nội dung lá thư cho thấy những giải pháp rất kỹ lưỡng – kèm theo lời cam kết sẽ thu xếp nhân công và chi phí để thực hiện, thể hiện sự nâng niu, trân trọng đến từng chi tiết có giá trị của công trình “thay vì chỉ đập bỏ, chia nhỏ hay phân tán cho mỗi nơi một mẩu”, lá thư viết.

Bên cạnh đó, hiện đã có gần 3.000 chữ ký kiến nghị bảo tồn một phần Thương xá Tax. Trong đó, có một số thành viên lãnh sự đoàn TPHCM, Cục Di sản… và nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, kiến trúc sư, nhà văn.
Hy vọng những tiếng nói này được những người có trách nhiệm lắng nghe. 

Tuần qua, dư luận cũng được dịp chú mục vào công trình Làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam. Đổ vốn hơn 3.200 tỷ đồng với diện tích rộng tới 1.544ha, hứa hẹn thu hút hàng trăm nghìn khách du lịch tham quan mỗi năm nhưng từ khi mở cửa (tháng 9-2010) đến nay, Làng văn hóa - du lịch các dân tộc VN - một dự án đồ sộ của Bộ VH-TT&DL tại Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội - trông chẳng khác gì khu đất bị bỏ quên.

Nhiều cách lý giải được đưa ra, và nhiều cái nghe cũng có lý. Nhưng vẫn thoang thoảng hiện về câu hỏi: Trước khi làm những công trình kiểu như thế này, người ta có tổ chức để lắng nghe?