Làng trong phố - phố trong làng
Cái nắng gắt mùa hè dịu hẳn đi khi tôi bước vào làng Phù Lưu, (hay vẫn được gọi bằng cái tên thân thuộc khác là làng Giầu) thuộc phường Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh, nơi ngày xưa đã đầy vẫy gọi trong câu ca dao: “Ai lên quán dốc chợ Giầu; Để thương để nhớ để sầu cho khách đường xa”. Tôi bước trên con đường lát đá xanh được xây từ cách đây hơn trăm năm. Cả Việt Nam còn có mấy con đường đá xanh đặc biệt như thế này?
Năm 1933, cụ Hoàng Thúy Chi - Tuần phủ Bắc Giang đã chỉ đạo dân làng xây con đường này. Năm tháng trôi qua, con đường vẫn như mới, ánh lên sắc đá xanh biếc, đều chằn chặn, không xê dịch, cong vênh lấy một phân. Trong khi đó nhiều con đường được rải nhựa, hay bê tông trong các chương trình giao thông nông thôn có khi chỉ khánh thành vài ba tháng đã lỗ chỗ ổ gà ổ trâu.
Biết bao nhiêu người con nổi tiếng của Phù Lưu đã đi về trên con đường như dòng sông xanh uốn lượn trong làng này. Chỉ tính riêng thời hiện đại, làng Phù Lưu đã sinh ra nhiều tên tuổi lớn: nhà báo Hoàng Tích Chu, người đã làm một cuộc cách tân làm thay đổi hẳn phong cách của báo chí Việt Nam đầu thế kỷ 20; họa sỹ Hoàng Tích Chù, người đã nhận giải thưởng Hồ Chí Minh; nhà văn Kim Lân, nhà văn Nguyễn Địch Dũng, nhà thơ Hoàng Hưng; nhà quay phim, NSND Nguyễn Đăng Bẩy, nhạc sỹ Hồ Bắc, họa sỹ Thành Chương, họa sỹ Nguyễn Thị Hiền; Đường binh nghiệp có đến vài chục vị mang hàm cấp tướng cấp tá, nổi bật nhất là Trung tướng Chu Duy Kính - nguyên Tư lệnh Quân khu Thủ đô. Đường quan chức có nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính Chu Tam Thức; Ông Hồ Tiến Nghị - nguyên UV Trung ương Đảng, nguyên Trợ lý Tổng Bí thư… Về khoa học phải kể đến giáo sư sử học Phạm Xuân Nam, giáo sư Ngữ văn Chu Xuân Diên; giáo sư toán học Hồ Bá Thuần… Chỉ mới kể ra bấy nhiêu con người thành đạt ấy, nếu họ cùng đi về làng thì con đường đá xanh cũng sẽ trở nên… chật chội.
Và hôm nay đây, dịch giả nhà văn Hoàng Thúy Toàn - người vừa được Tổng thống Nga Dimitry Medvedev tặng huân chương Hữu nghị - đang rảo bước trên con đường đá xanh để giới thiệu cho tôi nghe cái làng của mình. Nhà văn nổi tiếng vì dịch ra tiếng Việt nhiều tác phẩm văn học ở đất nước Nga xa xôi nhưng vẫn thuộc cái làng của mình như lòng bàn tay.
“Làng Phù Lưu có 4 công trình lớn, trong đó có 3 công trình được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia là Đình làng, chùa và đền Phù Lưu. Di tích Hương Hiền từ được dựng lên để tôn vinh những nhà khoa bảng và người hiền trong làng”, nhà văn Thúy Toàn nói và chỉ tay về phía đình làng.
Đình làng Phù Lưu hiện ra dưới tán rợp mát của cây bồ đề cổ thụ, mái cong vút. Được xem là một trong ba ngôi đình đẹp nhất miền Bắc, đình làng Phù Lưu hôm nay vẫn giữ được những nét chạm khắc độc đáo như ván nong chạm trổ hình rồng chầu mặt nguyệt, trên lưng có hình tiên nữ cánh phượng…
Cạnh đình là Pháp Quang tự - ngôi chùa cổ với tháp chuông được xây cao, tường vôi rêu phong… Không gian ấy của làng Phù Lưu khiến cho tôi có cảm giác như mình đang ở thế kỷ 18, nhưng rồi lại giật mình khi nhận ra rõ ràng cái làng này lại chẳng khác nào phố thị. Ngay cạnh đình là những dãy quán hàng sầm uất, các biển hiệu mọc lên san sát. Nhà cao tầng, ô tô xe máy chạy tấp nập. Không hề thấy bóng dáng của rơm rạ trâu bò dù đang sắp vào mùa gặt. Phố trong làng hay làng trong phố?
Nhà văn Thúy Toàn đưa tôi đến nhà văn hóa Phù Lưu gặp những người cao tuổi hiểu rõ lịch sử làng có thể “giải mã” những gì vừa thấy.
“Giải mã” làng cổ
Cụ Lê Trần Thúy đọc hai câu chữ Hán nói về làng Phù Lưu:
“Hồng Bàng tứ thiên dư niên cổ ấp; Bang hoa lục thập mẫu hồ cư dân” (Một ấp cổ có trên 4.000 nghìn năm, từ thời Hồng Bàng; Bên cạnh hồ gần 60 mẫu). Làng hình mai rùa thoát nước nhanh, cận giang, cận thị, cận lộ, Phù Lưu đã sớm trở thành một trung tâm buôn bán trong vùng. Theo quan niệm phong thủy: Đầm Loa Hồ (một khúc của sông Tiêu Tương) có hình dáng như một cái đẫy lớn, mà làng Phù Lưu lại ở vào đáy đẫy nên dân làng có nghề buôn bán từ xưa. Vào những thế kỷ XV, XVI, Phù Lưu đã là một chợ mang tên Thôn Thị buôn bán rất sầm uất”.
Nhà văn Thúy Toàn nhớ khi mình còn nhỏ, Thôn Thị tấp nập khách thập phương, hàng hóa thượng vàng hạ cám đều có, từ cày bừa, nồi niêu đến vải vóc. Một phiên chợ có tới 7, 8 sạp vải của người Ấn Độ.
Gọi là làng nhưng dân quen với nghề buôn, số người làm ruộng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Người ta sinh hoạt theo nếp của thị dân. Trước năm 1945, ở đây đã có nhà cao tầng, và những cột đèn, 6 giờ tối có người đi châm đèn chẳng khác gì ở phố trung tâm Hà Nội. Gánh phở rong làm tăng thêm chất phố của làng Phù Lưu. Hồi ấy Phù Lưu chỉ thua Hà Nội hai thứ: nước tự chảy (nước máy) và đèn điện.
Đất buôn bán nhưng giàu truyền thống cách mạng, Bí thư chi bộ cộng sản đầu tiên của Bắc Ninh là người Phù Lưu. Hơn 70 người con của Phù Lưu đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Người Phù Lưu quảng giao, đi lại buôn bán với tứ phương. Năm 2005, ước tính có 3.000 người Phù Lưu buôn bán tại chỗ, 2.000 người ở TPHCM, 2.000 người ở Hà Nội, các tỉnh khác 1.000 người và ở nước ngoài khoảng 1.000 người. Dân Phù Lưu vẫn tự hào: ở đâu có chợ, ở đó có người Phù Lưu. Nhưng người đi buôn lại hầu hết là phụ nữ! Phụ nữ làng Phù Lưu nổi tiếng tần tảo đảm đang hy sinh cho chồng con ăn học. Có câu ca dao về người phụ nữ Phù Lưu: “Ngang lưng chỉ có một đồng; Em vẫn nuôi chồng ăn học rảnh rang”.
Hầu hết các bà mẹ suốt tháng quanh năm lo việc buôn bán hết chợ gần lại tỉnh xa nên việc nuôi con đối với những người phụ nữ ấy chẳng dễ gì kết hợp. Để tròn trọng trách, đa số các gia đình phải “tìm nơi chọn cửa” thường là các làng lân cận “gửi u” nuôi giúp con mình từ tấm bé, khi con đến tuổi đi học lại đón về. Đây là nét đặc trưng của Phù Lưu “làng có cha mẹ nuôi nhiều nhất nước”. Đến nỗi có người nói: nếu đang ở độ tuổi 60 trở lên, không có bố mẹ nuôi thì không phải người Phù Lưu.
Nhà văn Thuý Toàn kể: “Tôi cũng có một mẹ nuôi. Bà cụ mất cách đây ba năm. Mẹ nuôi mà tình thân như ruột thịt. Anh trai tôi đi làm con nuôi bên Đình Bảng từ lúc còn bú sữa, khi 6 tuổi bố sang đón về đi học còn nấp sau cánh cửa không chịu về. Thế hệ cháu của tôi bây giờ vẫn có người đi gửi làm con nuôi”.
Hình ảnh người phụ nữ Phù Lưu vai đeo túi vải gió đưa, tháo vát dịu dàng đi buôn đi bán lo cho chồng con ăn học vẫn còn in đậm trong ký ức nhiều người. Chính nhờ sự hy sinh của những người vợ người mẹ ấy cộng với truyền thống hiếu học mà làng này đã nổi tiếng có nhiều nhà khoa bảng, nhiều người đỗ đạt và nhiều nhà giáo giỏi. Sách “Đồng khánh dư địa chí” viết “Phù Lưu là tổng có nhiều người đỗ đạt nhất huyện”.
Nhà văn Thúy Toàn tiếp tục dẫn tôi đi trên con đường đá xanh, mỗi một bước chân lại thêm những khám phá về ngôi làng này. Làng có trên 10 nhà thờ họ vẫn giữ được nét kiến trúc cổ. Bên cạnh những nhà cao tầng vẫn thấy trầm lặng một mái ngói âm dương cũ kỹ, vẫn thâm sâu một giếng cổ xây bằng gạch mộc cạnh vòi nước máy. Và bên cổng làng được xây từ mấy trăm năm là một chiếc xe hơi đời mới - hình ảnh thường thấy ở Phù Lưu mà không hề gợi lên sự khiên cưỡng. Dân Phù Lưu có bí quyết gì mà vẫn giữ được nhưng nét kiến trúc và văn hóa truyền thống của mình khi mà nhiều nơi cơ bản phá xong làng cổ?
Ông Nguyễn Tiến Hùng - Bí thư chi bộ Phù Lưu lý giải: “Trước hết phải nói người dân rất tự hào và có ý thức bảo vệ vốn cổ. Dù bây giờ kinh tế khá giả, nhưng dân làng vẫn gìn giữ từng viên đá viên gạch lát đường, cổng lảng, đình làng, chùa, đền Phù Lưu tôn tạo nhưng vẫn giữ nguyên mẫu. Nét văn hóa cổ truyền của làng từ phong tục tập quán đến lễ hội vẫn ăn sâu tâm thức người dân”.
Mới đây, làng đã bỏ tiền in cuốn sách: Ai lên quán dốc chợ Giầu giới thiệu về lịch sử - văn hóa Phù Lưu để cho thế hệ trẻ hôm nay và những người con đi xa biết được lịch sử văn hóa của Phù Lưu. Sách in hàng nghìn cuốn nhưng chỉ để biếu không bán.
Tôi cảm nhận được tình yêu làng của những người dân Phù Lưu mà mình có dịp trò chuyện. Đó là một tình yêu đã ăn sâu vào máu thịt. Nhà văn Kim Lân đã viết truyện ngắn Làng nổi tiếng, trong đó có nhân vật ông Hai yêu làng mình bằng một tình yêu đặc biệt. Làng Phù Lưu có rất nhiều ông Hai như thế và chắc phải có tình yêu làng sâu sắc thì mới có thể gìn giữ được một Phù Lưu như hôm nay.
Trên cổng làng Phù Lưu có đôi câu đối: “Dĩ dân tâm vi bản” (Phải lấy lòng dân làm gốc) “Đạt trí thức do văn” (Muốn có văn hóa phải học).
Câu đối ấy nói về tinh thần phát triển của làng Phù Lưu có thể dùng cho cả nước mà chắc sẽ không bao giờ lạc hậu?
Truyền thống hiếu học vẫn đang cuộn chảy ở làng này. Cứ 19giờ 30, trừ thứ 7 và ba tháng nghỉ hè, đoạn băng ghi lại một hồi ba tiếng trống lại vang lên, sau đó là những lời thế này:
“Tùng, tùng, tùng, đã đến giờ tự học, các cháu nhanh chóng vào bàn học. Lưu ý xem lại thời khóa biểu ngày mai, học và làm bài đầy đủ. Đề nghị các bậc phụ huynh nhắc nhở và tạo điều kiện thuận lợi cho các cháu thực hiện những quy định của chi hội khuyến học. Chúc các cháu ngoan ngoãn, học tập tiến bộ”.
Nhiều học sinh của làng đã vào đại học nhờ tiếng trống này…
Tôi và nhà văn Thúy Toàn dừng chân ở đầm Loa Hồ - một khúc của con sông Tiêu Tương. Sông Tiêu Tương gắn với truyền thuyết lãng mạn Trương Chi - My Nương chảy qua làng này giờ không còn nữa, nhưng phải chăng vì thế mà làng phát văn nhân?
Nhà văn Thúy Toàn đang muốn biến ngôi nhà của cha mẹ để lại ở Phù Lưu thành bảo tàng văn học Nga. Nhà văn – dịch giả này đã đi nhiều nơi trên thế giới và như ai đó nói, nếu đi hết trái đất sẽ gặp cái làng của mình.