Làng bè Châu Đốc là nơi nuôi cá nước ngọt nổi tiếng của tỉnh An Giang nói riêng và miền Tây nói chung. Đây là địa điểm du lịch độc đáo phát triển trong một vài năm trở lại đây. Điểm đặc biệt của làng bè Châu Đốc là những căn nhà nổi cùng các bè cá nép gần nhau, tạo thành “làng” dọc sông. Ảnh: Hòa Hội.
Công trình làng bè đa sắc màu dài 1.170m do Trung tâm xúc tiến thương mại du lịch và đầu tư tỉnh An Giang làm chủ đầu tư với kinh phí gần 2,7 tỷ đồng (giai đoạn 1) tại xã Đa Phước (An Phú). Ảnh: Hòa Hội.
Công trình chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 đầu tư sơn 161 nhà bè (trong tổng số 165 bè) theo hiện trạng bằng nguồn vốn sự nghiệp tỉnh. Mỗi nhà bè sơn một màu, các nhà bè sẽ được sơn lần lượt theo thứ tự màu: Đỏ - Vàng - Cam - Lục - Lam - Tím. Ảnh: Hòa Hội.
Giai đoạn 2, tỉnh đang xây dựng Đề án “Sắp xếp lồng bè nuôi thủy sản trên sông đến năm 2025, tầm nhìn 2030" để sắp xếp các lồng bè khu vực này. Ảnh: Hòa Hội.
Dự án sau khi hoàn thành sẽ góp phần tạo thêm nét đẹp độc đáo của làng bè và nâng cao giá trị cuộc sống của người dân. Ảnh: Hòa Hội.
Du khách đến với làng bè Châu Đốc sẽ đi đường sông từ Châu Đốc tham quan làng bè đa sắc màu, trải nghiệm cuộc sống làng bè, cách người dân nuôi trồng thủy sản trong lồng bè. Ảnh: Hòa Hội.
Người dân nuôi cá trong bè. Ảnh: Hòa Hội.
Người dân sinh sống trên bè. Ảnh: Hòa Hội.
Nhà bè được khoác áo mới. Ảnh: Hòa Hội.
Ở Đa Phước còn có làng Chăm nổi tiếng, hình thành khoảng 120 năm, tập trung tại ấp Hà Bao 2, dọc Quốc lộ 91C và nằm men theo dòng sông Hậu, tiếp giáp từ cầu Cồn Tiên hướng về trung tâm huyện An Phú. Nơi đây có Thánh đường EHSAN và Thánh đường SUNNAH - 2 công trình kiến trúc độc đáo, được xây dựng và trùng tu rất khang trang, là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng dân tộc Chăm. Nơi đây cũng đang có dự án nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc Chăm về việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là tập trung khôi phục làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm, đan, thêu, móc….
Hòa Hội