Hoạt động rầm rộ
Thời gian qua xảy ra loạt vụ tai nạn nghiêm trọng trên địa bàn nhiều tỉnh, thành liên quan đến xe quá tải, quá khổ, cơi nới thùng. Đặc biệt, mới đây, vụ tai nạn xảy ra ngày 4/6 giữa xe tải ben BKS: 29H - 770.16 chở đất đè lên ôtô con BKS: 30A - 615.85 khiến 3 người tử vong, người dân địa phương không khỏi hoang mang. Qua kiểm tra thực tế, cơ quan chức năng xác định, chiếc xe tải này đã cơi nới thùng gần 3 lần so với quy định cho phép.
Sau vụ tai nạn khiến 3 người chết tưởng chừng xe cơi nới, chở hàng quá tải thuyên giảm, tuy nhiên, ngày 9/6, PV Tiền Phong trở lại khu vực xảy ra vụ tai nạn cho thấy, xe cơi nới thùng chở đất, cát… vẫn nườm nượp trên đường Hồ Chí Minh. Tình trạng xe quá tải bùng phát, xe cơi nới kích thước thùng cả chiều dài và chiều cao, từ vài chục cm đến cả mét chở vật liệu quá tải vẫn xuất hiện nhan nhản trên xa lộ.
Những chiếc xe này không chỉ làm hư hỏng kết cấu hạ tầng mà còn là nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn giao thông.
Ghi nhận của Tiền Phong cho thấy, trên một số tuyến đường từ Hoà Bình, Hà Nam, Ninh Bình... những chiếc xe cơi nới thùng chở hàng với khối lượng từ gấp 1,5 đến 4 lần so với thiết kế, rời khai trường vẫn lưu thông rầm rộ trên các tuyến quốc lộ, đặc biệt trên QL1 và đường Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, 2 bên đường là cảnh hoang tàn của hàng chục quả đồi bị “xẻ thịt” nham nhở, trơ trụi. Chúng tôi xâm nhập vào một công trường rộng vài héc ta nằm cạnh đường Hồ Chí Minh. Phía ngoài công trường này được ngụy trang bằng trạm tiếp nước, rửa xe cho các phương tiện tham gia giao thông khi có nhu cầu. Tuy nhiên, khi tiến vào khoảng 10m, phía trong là đại công trường, nhiều phương tiện từ máy xúc, máy ủi, xe tải hạng nặng được tập kết tại đây. Các phương tiện máy móc hoạt động khá rầm rộ. Nhiều chiếc xe Hổ vồ tại đây cũng túc trực để lấy vật liệu.
Sau khi xúc đầy đất, những chiếc xe Hổ vồ chở đất cao hơn cả thùng xe, che phủ sơ sài, lao vun vút trên đường Hồ Chí Minh đoạn Yên Thủy (Hòa Bình) - Mỹ Đức (Hà Nội), kéo theo sau vệt phế liệu rơi lả tả xuống mặt đường, bụi mù mịt.
Bà Nguyễn Thị Hoa (người dân sống gần khu vực xảy ra vụ tai nạn) cho biết: “Hoạt động khai thác đất diễn ra từ cuối năm 2021. Mỗi ngày có đến trăm lượt xe ra, vào để lấy đất, chạy ùn ùn cả ngày lẫn đêm”. Theo bà Hoa, những chiếc xe tải lớn chở đất chỉ che chắn hình thức thôi. Còn họ đâu cần biết hệ lụy họ gây ra. Ngày nắng thì bụi bẩn, mưa thì trơn trượt nhếch nhác. “Khi người dân phản ánh nhiều quá, bên quản lý mỏ đất mới điều người tưới nước cho đỡ bụi, nhưng chẳng được bao lâu vì tưới xong xe lại chạy trở lại. Thậm chí, tưới xong đường còn trơn trượt, đặc biệt là các con dốc, khiến người tham gia giao thông gặp nguy hiểm”, bà Hoa nói.
Tài xế tiết lộ chuyện “làm luật”
Lưu thông tiếp trên đường Hồ Chí Minh, khu vực Lương Sơn (Hoà Bình) và Mỹ Đức (Hà Nội), những chiếc xe Hổ vồ rầm rập chạy ngược xuôi, trên thùng nào đất, đá, cát… Đáng chú ý, trên kính chắn gió của những chiếc xe Hổ vồ cơi nới thùng đều dán logo như “HC”, “CP Ba Vì”, “PK”,…hình ngôi sao…
Vào thời điểm PV có mặt tại đường Hồ Chí Minh ghi nhận những chiếc xe gắn logo này vô tư qua tổ CSGT đang làm nhiệm vụ trên đường Hồ Chí Minh (khu vực tấm biển chỉ đường rẽ vào mỏ đá Cư Yên, Lương Sơn, Hòa Bình) mà không hề bị kiểm tra.
Lưu thông tiếp chừng vài ki lô mét, chúng tôi gặp tổ Thanh tra thông (Sở GTVT tỉnh Hoà Bình) cùng xe chuyên dụng chặn trước 1 xe tải “hổ vồ” BKS: 29C-882.64. Khi chúng tôi hỏi lý do chặn xe được cán bộ thanh tra giao thông cho biết, chiếc xe này cơi nới thùng.
Đáng chú ý, chiếc xe này đã bị gỡ logo. Một tài xế (giấu tên) tiết lộ, muốn không bị “sờ gáy” xe phải gắn logo, chi phí vài triệu/tháng, tuỳ quan hệ, lượt xe chạy trên đường, tài xế nói.
Một tài xế tên Phạm Văn M. gần khu vực trạm kiểm tra tải trọng trên đường Hồ Chí Minh tiết lộ, để thông trạm kiểm soát tải trọng, tài xế thường dừng xe cách trạm cân đặt ở Lương Sơn (Hoà Bình) vài trăm mét, rồi vào trạm “làm luật”. Xe nào “làm luật” xong, sẽ được chuyển sang đường nhánh để tránh bị camera soi, tài xế cho biết.
Cũng theo tài xế M. cho biết, 1 chiếc xe đầu kéo chở được 63 khối cát, tương đương hơn 100 tấn. Chiếc xe lưu thông trên đường Hồ Chí Minh, từ Nghệ An ra tới trạm trộn ở Hà Nội, bán được 19 triệu đồng, trừ tiền dầu, làm luật hết 13 triệu còn lại 6 triệu đồng/chuyến.
Đáng chú ý, dù trên đường Hồ Chí Minh (Lương Sơn, Hòa Bình) có trạm kiểm tra tải trọng, tuy nhiên vào thời điểm phóng viên có mặt, trạm này tê liệt.
Theo báo cáo của các Sở GTVT Hoà Bình, tính đến hết tháng 4/2022 đã xử lý thu hồi phù hiệu đối với 4.332 phương tiện vi phạm, chấn chỉnh nhắc nhở đối với 7.879 phương tiện.
Lý giải việc trạm kiểm tra tải trọng tê liệt, bà Bùi Thị Hoà Bình, Phó Giám đốc Sở GTVT Hoà Bình cho rằng, “bộ cân TC38 qua nhiều năm sử dụng đã xuống cấp nên trong điều kiện thời tiết mưa hoặc nắng nóng trên 38 độ C hệ thống cân và máy vi tính đều không sử dụng được, hoặc nếu sử dụng thì sai số rất cao dẫn đến số liệu cân không chính xác. Vì vậy, từ 14h đến 17h ngày 9/6/2022 do trời mưa nên Trạm TC38 phải tạm dừng hoạt động”, bà Bình nói.
Bà Bình cũng cho biết, kết quả kiểm tra từ đầu năm 2022 đến tháng 5/2022, lực lượng công an đã xử phạt đối với 262 trường hợp. Trong đó số lượng phương tiện đã bị xử phạt và yêu cầu khôi phục lại nguyên bản kích thước thành thùng xe là 81 trường hợp. Số tiền xử phạt là 2,7 tỷ đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe có thời hạn đối với 57 trường hợp.
(Còn nữa)