Về thăm nhà rất vội
Gần một tháng trước, Tổng Bí thư về thăm nhà lần cuối. Bà Ngô Thị Viên (90 tuổi), con dâu họ Nguyễn Phú cho hay: “Chúng tôi biết chú ấy yếu rồi, muốn ra thăm mà không được. Biết tin chú về, định chạy ào ra gặp chú mà không kịp”. Bà Viên kể tiếp, mỗi lần về quê chú Trọng đều động viên anh em đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. “Chúng tôi chỉ mong chú ấy có thời gian nghỉ ngơi. Nhưng tuổi đã cao vẫn lo việc nước, lo cho dân đến những hơi thở cuối cùng”, bà Viên nghẹn ngào.
Ông Nguyễn Phú Việt, Trưởng tộc Nguyễn Phú cũng kể về lần cuối Tổng Bí thư về làng: “Chú Trọng yếu đi nhiều nên lần này xe phải đưa đến tận cổng nhà. Chú vào nhà thắp hương tổ tiên, một lúc sau thì lên xe đi ngay. Không ngờ đó là lần cuối chú về”.
Ông Việt kể, trước đây, lúc còn khỏe, những ngày giỗ tổ, Tổng Bí thư vẫn dành thời gian về thắp hương, ngồi quây quần cùng các cụ cao tuổi, con cháu thụ lộc tổ tiên tại sân nhà thờ, mà không có sự cách biệt.
“Lễ thắp hương tổ tiên cũng rất đơn giản, không đồ tây, rượu ngoại, mà chỉ là những vật phẩm truyền thống đậm chất thôn quê. Quà biếu các cụ cao tuổi rất bình dị, gói bánh, gói kẹo bình thường. Đơn sơ, giản dị là vậy, nhưng cả làng, cả họ chưa ai một câu chê trách chú điều gì”, ông Việt nói thêm.
Ông Nguyễn Phú Hoành, cháu họ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kể: Trước lúc Tổng Bí thư ra đi, họ hàng, con cháu trong họ Nguyễn Phú, trong đó có ông được đến Bệnh viện Trung ương quân đội 108 để thăm.
“Tối 18/7, anh em trong họ được đưa lên thăm chú Trọng. Từng nhóm 5 người nhẹ nhàng bước vào. Chú nằm nhắm mắt như ngủ, nhưng da mặt vẫn hồng hào lắm, mạch vẫn đập. Đến chiều hôm sau chúng tôi nhận tin chú mất…”, ông Hoành giọng nghẹn lại.
Giản dị, gần gũi
Hình ảnh Tổng Bí thư ăn mặc rất giản dị, gặp mọi người đều cười nói rôm rả, không có khoảng cách vẫn hằn sâu trong tâm trí người dân Lại Đà. Ông Vương Hữu Thái (75 tuổi, thôn Lại Đà) chia sẻ: “Về quê gặp các cụ già, Tổng Bí thư hỏi thăm sức khỏe, hỏi xem các cụ có ăn uống tốt không. Gặp người trẻ, ông ân cần hỏi việc làm ăn thế nào, năm nay có khấm khá hơn năm trước không?”.
Ông Thái bảo, Tổng Bí thư rất thân mật với người dân. Khi 70 tuổi, Tổng Bí thư cũng về tham gia sinh hoạt với Hội Người cao tuổi ở thôn. Khi các cao niên trong làng mừng thọ, dù có bận công việc, không về được, ông đều gửi thiệp chúc thọ.
“Có lần gia đình chú Trọng ở trung tâm Hà Nội có việc riêng, họ hàng ra chơi, chúc mừng, rồi ở lại ăn cơm. Căn phòng gia đình chú ấy vẫn đơn sơ, nếp sinh hoạt giản dị. Chúng tôi cùng nhau ăn rau muống, cá kho, đơn giản thế nhưng đều thấy ấm áp”
Bà Ngô Thị Viên
Dưới mái đình làng Lại Đà, là nơi học tập của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và những người bạn niên thiếu, ông Vương Khắc Côn (81 tuổi), nhớ lại tuổi thơ nhóm bạn cùng lớp ăn chung bữa cơm độn sắn, độn khoai, những buổi chiều cùng nhau tắm trên dòng sông Đuống.
“Có việc hiếu, việc hỷ, dù bận việc không về được nhưng ông đều nhắn tin, gọi điện thăm hỏi, động viên. Dù ít có điều kiện gặp nhau, nhưng khi gặp lại, những mái đầu bạc lại cùng ôn chuyện tuổi thơ”, ông Côn nói, nước mắt cứ trào ra.
Ông còn đọc bài thơ đã dành tặng Tổng Bí thư, người bạn thiếu thời của mình: “Giờ anh giữ trách nhiệm cao/Nhớ hồi hai đứa ngày nào học sinh/Anh thì ít nói hiền lành/Còn tôi thì lại lành chanh hơn nhiều/Chúng ta cùng cảnh nhà nghèo…/Họ hàng làng xóm tự hào/Dân yêu, Đảng trọng tin vào nơi anh/Với lòng quyết chí trung thành/ Mở ra một cuộc đấu tranh tuyệt vời”.
Em Lương Thị Lan Phương, Bí thư Chi đoàn thôn Lại Đà cho hay: Đoàn viên thanh niên Lại Đà trong các buổi sinh hoạt đều kể những câu chuyện về sự hiếu học, đức tính khiêm nhường, giản dị của Tổng Bí thư để noi theo.
“Chúng em được gặp bác Trọng những lần về thăm quê hương. Bác luôn động viên chúng em cố gắng học tập thật giỏi. Chúng em nguyện học tập theo tấm gương của bác để sau này góp sức xây dựng quê hương”, Lan Phương chia sẻ.