Phụ huynh bức xúc
Vào dịp đầu năm học mới, dư luận Nghệ An lại bức xúc tình trạng lạm thu ở các trường học, từ cấp mẫu giáo đến THPT. Theo thống kê, mỗi học sinh trên địa bàn tỉnh này phải nộp khoảng chục khoản tiền, ngoài những khoản theo quy định như học phí, bảo hiểm y tế học sinh, các trường còn đưa ra rất nhiều khoản thu khác với số tiền 3 - 5 triệu đồng/học sinh, chưa kể sách vở và đồ dùng học tập phải tự mua.
Anh Nguyễn Như Dũng - phụ huynh có con học ở trường THCS Nghĩa Khánh (huyện Nghĩa Đàn) cho hay: “Năm nào cũng vậy, nhà trường đưa ra rất nhiều khoản thu sai quy định của Bộ GD&ĐT, nhất là hai khoản tiền học thêm và tiền “tài trợ giáo dục” (khoản này những năm trước gọi là tiền xã hội hóa).
Chúng tôi là nông dân ở xã miền núi mà bỗng dưng nhà trường ép phụ huynh trở thành “nhà tài trợ giáo dục” với mức cao, tối thiểu với mỗi học sinh lớp 5 là 230.000 đồng và học sinh lớp 1 là 300.000 đồng (chỉ trừ những gia đình có giấy chứng nhận hộ nghèo là không phải nộp)”.
Chị N.T.V, phụ huynh học sinh trường THPT Đặng Thúc Hứa (huyện Thanh Chương) cho biết, mỗi học sinh phải nộp các khoản như: tiền học phí, tiền bảo hiểm y tế, tiền gửi xe, tiền học thêm, tiền khuyến học, tiền hội phí phụ huynh,… Đặc biệt là khoản tiền tài trợ giáo dục mỗi học sinh lớp 10 phải nộp 600.000 đồng, lớp 11 phải nộp 550.000 đồng và lớp 12 phải nộp 500.000 đồng. Ngoài ra, khoản tiền học thêm mỗi tuần 5 buổi, mỗi buổi 20.000 đồng, tính ra mỗi tháng riêng tiền học thêm khoảng 400.000 đồng và tính cả năm lên đến hơn 3.000.000 đồng. “Tôi không hiểu nổi vì sao mỗi tuần chỉ có 7 ngày mà có đến 5 buổi học thêm, cộng với các buổi học chính nữa thì học sinh làm sao có thời gian nghỉ ngơi nữa?”, vị phụ huynh này nói.
Một phụ huynh chia sẻ bức ảnh thể hiện 10 khoản tiền phải nộp, gồm 3 khoản bắt buộc là tiền học phí, tiền gửi xe, tiền bảo hiểm y tế và 7 khoản thu tự nguyện: tiền nước uống, tiền hội phí phụ huynh, tiền quần áo đồng phục, tiền mua sổ liên lạc, tiền mạng internet, quỹ lớp. Đặc biệt có hai khoản nặng nhất là tiền học thêm 15.000 đồng/buổi (số buổi dự kiến học thêm lên đến 100 buổi) và khoản thứ 2 là tiền tài trợ giáo dục tối thiểu 600.000 đồng/học sinh.
Áp đặt hay tự nguyện?
Rất nhiều phụ huynh ở nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng phản ánh tình trạng bị “ép” buộc phải nộp tiền “tài trợ giáo dục” với mức cao từ 300.000 đồng - 600.000 đồng/học sinh/năm và nhiều khoản thu mỗi trường một kiểu. Thống kê các khoản phải nộp của chị M.T - phụ huynh học sinh trường Mầm non Thạch Thị (huyện Anh Sơn) cho thấy, ngôi trường ở huyện miền núi này cũng có đến 10 khoản thu với tổng số tiền phải nộp lên đến 5.159.000 đồng.
Trong đó, có khoản tiền tài trợ để nhà trường làm mái tôn với mức tối thiểu 600.000 đồng/học sinh. Các phụ huynh trường này thắc mắc, năm học trước trường cũng đã huy động mỗi phụ huynh tài trợ 500.000 đồng/học sinh để làm mái tôn, vậy tại sao năm học này còn thu? Không những thế, một số trường học trên địa bàn huyện Yên Thành còn “mặc định” mức tự nguyện cho phụ huynh.
Riêng ở thành phố Vinh, mức thu và số các khoản thu của trường còn cao hơn. Một phụ huynh trường THCS Hưng Bình (TP Vinh) phản ánh: “Tôi thấy việc thu tiền tài trợ này sai trái. Cứ ghi là tài trợ tự nguyện nhưng nhà trường lại đưa ra mức tối thiểu 700.000 đồng/học sinh. Nhà trường lập sẵn danh sách, cô giáo chủ nhiệm đưa cho mỗi phụ huynh 1 tờ giấy đánh máy theo mẫu in sẵn ghi là “tự nguyện” rồi bảo phụ huynh nộp tiền và ký vào.
Hầu hết phụ huynh không đồng tình với khoản thu này nhưng không ai dám lên tiếng phản đối vì sợ con em đi học bị trù dập nên cứ nhắm mắt nộp tiền cho xong chuyện. Đến lúc ra khỏi cổng trường phụ huynh mới tụ tập bàn tán hoặc lên mạng xã hội bày tỏ sự bức xúc”.
Liên quan đến vấn đề trên, bà Hoàng Phương Thảo - Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Vinh cho biết: “Nhà trường gây sức ép buộc phụ huynh phải nộp khoản tài trợ giáo dục như vậy là vi phạm, không được phép. Phòng giáo dục thành phố sẽ xử lý nghiêm minh những trường hợp giáo viên hay nhà trường trù dập học sinh có phụ huynh không nộp tiền tài trợ’’.
Ông Nguyễn Trọng Hoàn - Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Nghệ An, cho biết Giám đốc Sở GD&ĐT đã ký công văn gửi Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố và các trường THPT trên địa bàn hướng dẫn cụ thể việc thực hiện các khoản thu, chi năm học 2019 - 2020. Nếu trường nào thực hiện trái với nội dung công văn là sai và phải chịu trách nhiệm.
Tại trường Mầm non Quang Trung (TP Vinh), các phụ huynh phản ánh, nhà trường gây sức ép bằng cách in danh sách những học sinh chưa nộp tiền tài trợ dán ngay ở cửa lớp học. Dường như có sự “huấn luyện” trước của giáo viên nên cứ mỗi khi bố mẹ đến đón thì trẻ lại nắm tay dẫn đến chỗ tờ giấy thông báo rồi nói “bố mẹ nộp tiền tài trợ cho con”.
Thu tiền không ghi biên lai, hóa đơn!?
Tại Hà Tĩnh, học sinh lớp 3 trường Tiểu học Ân Phú, (xã Ân Phú, huyện Vũ Quang) phải đóng các khoản: Xây dựng cơ cở vật chất 900 ngàn đồng, 700 ngàn đồng tiền học buổi 2, hoạt động trải nghiệm và sáng tạo 300 ngàn đồng, quỹ đội 50 ngàn đồng, hội chữ thập đỏ 30 ngàn đồng, tiền quỹ lớp 100 ngàn đồng... Chị N.T.H, một phụ huynh cho biết, sau cuộc họp chị H đã lên trường đóng hơn 3 triệu tiền học cho con, và vẫn thiếu một số khoản. Việc đóng nộp này không có biên lai hay phiếu thu mà phụ huynh chỉ ký sổ. Đối với một vùng quê nghèo mà học sinh nhỏ tuổi phải đóng trên 3 triệu đồng là quá cao. Chị H cho biết thêm, trường chưa nêu cụ thể từng khoản thu và mục đích làm gì, còn khoản xây dựng thì năm nào cũng thu.
Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hồng Thảo, Hiệu trưởng trường Tiểu học Ân Phú thông tin, những khoản thu này là vận động theo hình thức tự nguyện và được phụ huynh đồng tình trong cuộc họp mới triển khai thu. Việc không có biên lai là do các phụ huynh đến đóng không đúng thời gian, địa điểm cụ thể nên không làm được.