Nữ tiến sĩ 8X với gần 30 bài báo ISI:

Làm khoa học với cái đầu lạnh và một trái tim nóng

Sinh năm 1983, TS Chu Thị Xuân của Viện Đào tạo quốc tế về Khoa học Vật liệu (ITIMS) là một trong những nhà khoa học trẻ tuổi Trường ĐHBK Hà Nội. Ở chị có cả sự năng động của những người trẻ, sự dịu dàng đằm thắm của người vợ, người mẹ và sự chín chắn của người làm công tác nghiên cứu khoa học...
TS Chu Thị Xuân

Say mê với nước xả vải, nước hoa, thực phẩm...

Trong buổi trò chuyện, TS Chu Thị Xuân của Viện Đào tạo quốc tế về Khoa học Vật liệu (ITIMS) thuyết phục người nghe bởi khuôn mặt hiền hậu, giọng nói nhỏ nhẹ của người phụ nữ “quê hương năm tấn” (Thái Bình) và hơn cả là sự nhiệt huyết, đam mê với nghiên cứu khoa học.

Khi chia sẻ về công việc đang làm, chị nói không ngừng nghỉ với sự say sưa, tinh thần hứng khởi, dù biết rằng đây không phải lần đầu tiên chị kể về nghề.

Đó cũng là một trong những yếu tố tạo động lực cho chị nghiên cứu khoa học, nhất là các công trình nghiên cứu về cảm biến sinh học, công nghệ vi lưu và công nghệ nano.

TS Chu Thị Xuân của Viện Đào tạo quốc tế về Khoa học Vật liệu (ITIMS) cùng các đồng nghiệp nước ngoài

Sau khi tốt nghiệp THPT, TS Chu Thị Xuân luôn nuôi tham vọng được đi du học. Bởi thế, dù cấp 3 học ngoại ngữ tiếng Nga nhưng khi vào đại học chị đã được chọn và theo học tiếng Pháp, chương trình của cộng đồng đại học Pháp ngữ (AUF), với chuyên ngành Vật lý hạt nhân của trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) bởi ngành này có nhiều cơ hội xin học bổng du học. Với bản tính chăm chỉ, cần cù, chị đã nhận được học bổng sau đại học tại ĐH Paris 11 chuyên ngành công nghệ nano.

Hoàn thành chương trình cao học xuất sắc, chị tiếp tục học lên tiến sĩ tại ĐH Công nghệ Compiegne (Cộng hòa Pháp). Thời gian này, chị đã công bố 2 bài báo quốc tế ISI. Nội dung luận văn của chị cũng đã được cấp hai bằng phát minh sáng chế.. .

Khi được hỏi về bằng sáng chế, TS Chu Thị Xuân say sưa kể: “Sáng chế của mình là nghiên cứu về hệ vi lưu dùng để chế tạo hạt nang và đo tính chất của màng hạt nang. Hiện nay, hạt nang được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như trong nước xả vải, nước hoa, hoặc trong thực phẩm. Hạt nang được dùng để bảo quản mùi, vị, cũng như chất hoạt tính.

Trong lĩnh vực chế tạo thuốc, ngoài tác dụng bảo quản được chất hoạt tính trong thuốc, người ta còn điều khiển được vị trí hạt thuốc đi vào cơ thể thông qua việc điều khiển kích thước hạt. Việc giải phóng chất hoạt tính bọc trong hạt nang được thực hiện thông qua tính toán, điều khiển tính chất của màng bao quanh”.

Nữ tiến sĩ 8X có gần 30 bài báo ISI

Chia sẻ về dự định tương lai cho sáng chế của mình, chị Xuân bộc bạch: “Hiện tại, với nghiên cứu này cần máy móc khá là đắt tiền mà điều kiện nghiên cứu trong nước chưa cho phép. Vì vậy, mình đã xin được một dự án ở bên Ý cho mua thiết bị để nghiên cứu và hi vọng sẽ có thêm nhiều đề tài nghiên cứu khác”.

Vẫn nụ cười tươi tắn, giọng nói say sưa, chị cho rằng: “Việc liên kết với các nhà khoa học nước ngoài vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, mặc dù quay trở về Việt Nam nhưng mình vẫn giữ liên lạc thường xuyên với các thầy, cô ở nước ngoài”.

TS Chu Thị Xuân trong buổi thuyết trình

Đến năm 2012, chị quay về Việt Nam và công tác tại Viện ITIMS. Tại đây, TS Chu Thị Xuân đã thực hiện các nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực của mình và tham gia nhiều đề tài khoa học khác. Khi được hỏi lý do quay về, chị chia sẻ: “Thời gian học tập và nghiên cứu ở nước ngoài với mình như vậy là đủ rồi. Mặc dù bên đó mình có rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp nhưng không hiểu sao lúc nào mình cũng thấy cô đơn, và một phần quan trọng hơn cả là ở Việt Nam đang có người chờ mình”.

Tính đến thời điểm này, TS Chu Thị Xuân có gần 30 bài báo ISI và báo cáo tại các hội nghị trong nước và quốc tế; thành viên nghiên cứu chủ chốt trong đề tài nghiên cứu cấp Bộ; đề tài Nafosted, chủ nhiệm 01 đề tài cấp Trường, 02 đề tài Nafosted, 01 đề tài của Ý; hướng dẫn 2 học viên cao học và 6 sinh viên quốc tế.

Nghiên cứu về hệ vi lưu là lĩnh vực còn rất mới ở Việt Nam hiện nay, nên chị luôn phải tìm kiếm và tích hợp nghiên cứu cùng với nhóm nghiên cứu của mình. Nhưng chị vẫn luôn nung nấu phát triển hướng nghiên cứu vi lưu bởi những ứng dụng rất thực tế và hấp dẫn của kỹ thuật này mang lại. Chị đang trong giai đoạn tích lũy để có tiền mới mua được thiết bị nghiên cứu. Đến lúc đó, chị mới triển khai được các hướng mình mong muốn.

Hiện tại, TS Chu Thị Xuân kết hợp với nhóm nghiên cứu của PGS Mai Anh Tuấn về cảm biến sinh học (biosensors). Việc tích hợp vi lưu với biosensors là bước đệm để chế tạo hệ phân tích cầm tay, nhỏ gọn. Vừa rồi, nhóm chị có làm nghiên cứu về viêm não Nhật Bản, tích hợp hệ vi lưu vào để kết hợp lấy mẫu, xử lý mẫu và phát hiện.

Làm khoa học đã khó, phụ nữ làm khoa học lại càng khó hơn. Chị tâm sự: “Phụ nữ làm khoa học vất vả lắm, nhưng mình muốn làm và sẽ làm đến cùng, vì con đường mình lựa chọn thật sự ý nghĩa. Mình cũng muốn chứng minh rằng, khoa học không phải là một ngành nghề khô khan, tôi vẫn làm khoa học với cái đầu lạnh và một trái tim nóng, một trái tim luôn hướng tới cộng đồng”.

Để có được thành công ngày hôm nay, TS Chu Thị Xuân đã phải vượt qua biết bao trở ngại.

Để có được thành công ngày hôm nay, TS Chu Thị Xuân đã phải vượt qua biết bao trở ngại. Vốn dĩ, làm khoa học đã là một việc khó, phụ nữ làm khoa học còn khó khăn hơn rất nhiều. Bởi lẽ, ngoài việc là một người nghiên cứu khoa học, thì chị còn mang trọng trách của một người mẹ, người vợ.

Chị chia sẻ: “Mình phải sắp xếp thời gian của mình một cách khoa học, hài hòa để có thể vừa làm công việc nghiên cứu, vừa chăm sóc được gia đình. Thời gian mới lập gia đình, mình đã xin được một số loại học bổng để nghiên cứu tiếp. Nhưng rồi mình phát hiện ra có bầu nên tạm thời hoãn lại tất cả để tập trung vào chuyện con cái. Mình luôn nghiêm khắc, kỉ luật về mặt thời gian nhưng cũng thường xuyên chia sẻ với ông xã về mọi vấn đề. Có lẽ vì vậy mà ông xã mình luôn hiểu và ủng hộ nhiệt tình con đường của mình”.

Tuy nhiên, một ngày chỉ có 24 giờ nên để hoàn thành được hết công việc của cơ quan, của gia đình và tiếp tục nghiên cứu, chuyện làm việc đến đêm đối với chị đã trở thành một thói quen.

Chị thổ lộ, để có thể tiếp tục đam mê của mình cho đến ngày hôm nay 99% là do sự ủng hộ của gia đình, đặc biệt là ông xã. Điều đó hẳn cũng đúng bởi theo những kỉ niệm mà chị đã kể, nếu không có sự ủng hộ vô điều kiện từ gia đình, chắc chắn chẳng có người vợ, người mẹ nào có thể kiên trì theo đuổi đam mê được như vậy.

PGS Mai Anh Tuấn – Trưởng phòng thí nghiệm Công nghệ Vi hệ thống và cảm biến, Viện ITIMS, người đã nhận TS Xuân về nhóm nghiên cứu cho biết: “TS Chu Thị Xuân là một cán bộ nghiên cứu có năng lực với thái độ làm việc chuyên nghiệp, tập trung.

Cô ấy đã giúp chúng tôi rất nhiều trong triển khai các định hướng nghiên cứu, hướng dẫn cao học, nghiên cứu sinh, đặc biệt là hướng dẫn sinh viên nước ngoài trong 5 năm trở lại đây. Có thể nói, nhóm nghiên cứu cũng như phòng thí nghiệm của chúng tôi may mắn có cô ấy trong đội hình”.

Theo Theo Dân trí