Làm giàu trên ngư trường Hoàng Sa

TP - Họ là những ngư dân trẻ được xem là thành công nhất Quảng Bình hiện nay. Họ dám nghĩ, dám làm và đang giàu lên trên vùng biển bạc Hoàng Sa.
Anh Trung thứ 2 từ phải sang, đang cùng các cộng sự của mình chuẩn bị ngư lưới cụ trước khi lên đường ra Hoàng Sa

Thủ lĩnh của hơn 100 ngư dân

Gặp những “kình ngư” Hoàng Sa của Quảng Bình thật khó. Họ không mấy khi có mặt ở nhà. Ngoài thời gian bám trụ trên biển, nếu vào bờ họ lại cập cảng Đà Nẵng để rút ngắn thời gian ra khơi.

Sau năm lần bảy lượt lỡ hẹn, cuối cùng tôi cũng gặp được Nguyễn Đức Trung ngay trên chính quê hương anh, xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch. Khác với hình dung ban đầu về một ngư dân từng trải, dạn dày sương gió, Trung có vẻ rất thư sinh, nhưng trong sâu thẳm đôi mắt anh toát lên nghị lực phi thường.

Nói về chuyện nghề, anh chia sẻ: Cũng như trai tráng của bao làng biển khác, cứ khoảng 15, 16 tuổi là theo cha anh ra biển. Hình như có duyên với nghề cá, cứ chuyến nào có mặt anh trên tàu là trúng đậm trở về. Lớn lên, lấy vợ ra ở riêng, sau nhiều năm đi bạn, anh tích góp sắm được chiếc tàu công suất 90 CV. Dù tàu nhỏ, máy yếu nhưng anh vẫn quyết tâm vươn khơi, vươn xa. Như một duyên nợ, ngư trường Hoàng Sa đã níu chân anh hơn 10 năm nay.

Anh Hoan là một điển hình về đánh bắt xa bờ của địa phương. Mặc dù những năm qua, giá vật tư, xăng dầu lên xuống thất thường, đặc biệt là vụ đặt giàn khoan trái phép của Trung Quốc, nhưng tàu của anh Hoan vẫn bám trụ trên vùng biển Hoàng Sa, vừa khẳng định chủ quyền vừa mang lại lợi nhuận cao.

Ông Nguyễn Ngọc Hiếu

Năm 2007, sau một tai nạn bất ngờ, người cậu ruột của anh mãi mãi nằm lại trên biển Hoàng Sa. Từ đây anh nung nấu ý chí phải sắm tàu lớn và thành lập “Tổ hợp tác” để có thể đối phó với muôn vàn bất trắc trên biển luôn thường trực. Mong muốn của anh được lãnh đạo địa phương ủng hộ, Tổ hợp tác khai thác hải sản đầu tiên của xã Đức Trạch ra đời năm 2011 do anh đứng đầu được thành lập, mang tên Tân Tiến. Ban đầu, Tổ hợp tác của anh chỉ có 7 tàu với 77 thành viên, sau 5 năm hoạt động hiệu quả, đến nay nâng lên 11 tàu với hơn 100 thành viên, lấy Hoàng Sa làm ngư trường chính.

Với tinh thần trách nhiệm cao, luôn dành phần thiệt thòi về mình, anh đã điều hành Tổ hợp tác khai thác hải sản Tân Tiến ngày càng lớn mạnh, gắn kết với nhau trong nghề nghiệp. Ngoài việc hỗ trợ nhau khi gặp hoạn nạn trên biển, Tổ đoàn kết của anh còn có trách nhiệm thông tin, chia sẻ với nhau về ngư trường đánh bắt, hay hỗ trợ nhau về nhu yếu phẩm trên biển, góp tiền hằng tháng để gây quỹ hỗ trợ cho những thành viên gặp khó khăn hay tai nạn bất ngờ.

Từ hiệu quả của Tổ hợp tác Tân Tiến mang lại, đến nay xã Đức Trạch đã nhân rộng mô hình, thành lập được 5 tổ hợp tác đánh bắt xa bờ và 39 Tổ đoàn kết khai thác đánh bắt, chế biến hải sản.

Riêng Tổ hợp tác Tân Tiến có đội tàu công suất từ 400CV đến 725CV. Mỗi tháng, các tàu cá tổ chức khai thác 2 chuyến biển. Mỗi năm, 11 tàu cá của tổ mang về tổng doanh thu khoảng 20 tỷ đồng, bình quân thu nhập của 1 thuyền viên gần 10.000.000 đồng/tháng, đặc biệt riêng thuyền viên là chủ tàu thu nhập từ 10.000.000 - 20.000.000 đồng/tháng. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, anh Trung đã vinh dự được nhận giải thưởng Lương Định Của của Trung ương Đoàn.

Làm giàu từ biển

Cũng như anh Trung, anh Nguyễn Công Hoan ở xã Bảo Ninh, TP  Đồng Hới cũng được xem là một “kình ngư” trên biển Hoàng Sa. Sinh năm 1977, anh đã là ông chủ của đôi tàu cá trị giá 15 tỷ đồng và chưa bao giờ biết đến lỗ vốn sau mỗi chuyến ra Hoàng Sa.

Anh Hoan là con nhà nòi ở làng biển Bảo Ninh. Cha anh là chủ nhiệm HTX nổi tiếng một thời về đánh bắt xa bờ vào những năm 90 của thế kỷ trước. Anh Hoan kế nghiệp cha từ đội tàu cá 4 chiếc, mỗi chiếc có công suất 150 CV. Vào đầu những năm 2000, đây được xem là đội tàu hùng hậu nhất Quảng Bình.

Tuy nhiên, với ý chí vươn khơi, vươn xa ra Hoàng Sa đánh bắt, anh Hoan đã từng bước chuyển đổi từ 4 chiếc tàu nhỏ thành 2 chiếc tàu lớn, mỗi chiếc có công suất 800 CV vào năm 2012, lớn nhất Bắc Trung bộ thời bấy giờ. Kể từ khi có tàu lớn, đầu tư thêm ngư lưới cụ, tính ra hơn 3 năm ra Hoàng Sa, anh chưa chuyến nào bị lỗ vốn. Năng lực đánh bắt của 2 tàu mới tăng 60 - 70% so với đội tàu cũ 4 chiếc. 

“Được cha tin tưởng giao cho toàn bộ tài sản và công việc đi biển, tôi cũng lo lắm. Lo vì sợ không kế thừa và phát huy được sự nghiệp của cha, vì không tạo được công ăn việc làm cho hàng chục lao động là con em bạn tàu đã một đời gắn bó với cha. Nhiều cái lo buộc tôi phải cố gắng vượt bậc…” - anh Hoan chia sẻ.

Ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bảo Ninh cho biết, anh Hoan là một điển hình về đánh bắt xa bờ của địa phương. Mặc dù những năm qua, giá vật tư, xăng dầu lên xuống thất thường, đặc biệt là vụ đặt giàn khoan trái phép của Trung Quốc, nhưng tàu của anh Hoan vẫn bám trụ trên vùng biển Hoàng Sa, vừa khẳng định chủ quyền vừa mang lại lợi nhuận cao.

Tính trung bình, mỗi năm doanh thu từ 2 chiếc tàu cá của anh Hoan đạt  từ 12 tỷ đến 15 tỷ đồng, thu lãi gần 9 tỷ đồng. Anh Hoan được Bộ Tư lệnh vùng 3 Hải quân tặng bằng khen về bảo vệ chủ quyền, và được chương trình “Tự hào nông dân Việt Nam” bình chọn là “Nông dân xuất sắc năm 2014”.

Cũng theo ông Hiếu, từ mô hình đánh bắt xa bờ bằng tàu lớn của anh Hoan, ngư dân xã Bảo Ninh đã mạnh dạn đầu tư vốn đóng tàu mới, công suất ngày càng lớn để vươn khơi, vươn xa, đưa Bảo Ninh lên tốp đầu về nghề cá của tỉnh Quảng Bình.