> Buông lỏng quản lý taxi, hai bên cùng lợi?
> Bất lực trước taxi 'máy chém'! (P1)
Trưa 28/5, thời tiết Hà Nội nắng gắt. Tại khu vực Mỹ Đình, hàng loạt taxi núp trong lùm cây tránh nắng. Không dám bật điều hoà xe để ngủ trưa vì sợ tốn xăng, những bác tài taxi nhớp nháp không khác dân xe ôm. Lái xe (số hiệu 399) của hãng Taxi Mỹ Đình nói: “Nắng nóng thế này, chẳng mấy ai ra đường nên không có khách”.
Để có phương tiện làm ăn, tài xế này phải bỏ ra gần 500 triệu mua xe của hãng. Hằng tháng, anh phải đóng tiền bộ đàm 2 triệu đồng, tiền lãi vay; cuối năm mất 2-3 trăm nghìn cho hãng đổi phù hiệu. “Trừ hết mọi chi phí, nếu không xảy ra va chạm giao thông, mỗi tháng chỉ còn khoảng 6 triệu đồng”, anh này nói.
Các xe taxi đỗ ở những điểm cố định như bến xe, nhà ga, khách sạn, nhà nghỉ (gọi là xe chạy sảnh - PV) còn phải chịu thêm các chi phí phát sinh khác. Taxi Hoàn Kiếm đang thu của lái xe mỗi cuốc chạy sảnh 6.000 đồng; xếp “lốt” tại ga Trần Quý Cáp phải đóng từ 100 - 200 nghìn đồng/tháng qua nhân viên trật tự của phường sở tại; đỗ tại sảnh của bến Mỹ Đình mất tiền triệu/tháng.
Đó là lý do vì sao, các lái xe chạy sảnh không muốn đi cuốc ngắn. Nếu chạy cuốc dài, họ thường mặc cả với khách để tính cước cao hơn cước đồng hồ để bù chi phí.
Đa phần các lái xe taxi ở Hà Nội hiện nay là những người lao động ngoại tỉnh. Lái taxi chia thành 2 hạng: Hạng 1 có tiền mua xe; hạng 2 chỉ có bằng lái và được hạng 1 thuê lái đêm.
Một GĐ điều hành từng kinh qua nhiều hãng taxi Hà Nội cho biết, nhiều hãng đang “lột” đủ thứ tiền từ lái xe. Ngoài tiền dịch vụ bộ đàm hằng tháng, “ăn” nhiều nhất ở tiền thương hiệu, tem mào, lô gô... Một xe mang thương hiệu của một hãng taxi được bán chênh so với giá thị trường thấp nhất 20 triệu đồng; hãng thương hiệu càng lớn giá bán càng cao, có khi đến 70 triệu đồng/xe.
Do xe được hãng bán đứt cho lái xe, hợp đồng lao động ký giữa lái xe và hãng taxi chủ yếu là để hợp thức hoá khi cơ quan chức năng kiểm tra. Hầu hết, tài xế taxi cũng không được nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...