Everest Người tuyết bé nhỏ:

Lại nhập phim tái diễn xâm hại chủ quyền Việt Nam, CGV không thể vô can?

TPO - Nhà phát hành CGV rút phim “Everest Người tuyết bé nhỏ” khỏi rạp chiếu sau khi bị phát hiện cài cắm đường lưỡi bò phi pháp. Đây không phải lần đầu tiên nhà phát hành này phạm lỗi tương tự tại Việt Nam.
Nhà phát hành CGV hai lần liên tiếp phạm lỗi nghiêm trọng

Tháng 3/2018, phim Điệp vụ biển đỏ cũng do CGV phát hành đột ngột ngừng chiếu. Một số khán giả xem phim xong tức giận vì nhận ra phim cố tình tuyên truyền sai lệch về biển Đông. Hơn 2 phút cuối phim thể hiện rất rõ điều đó.

Cục Điện ảnh sau đó lên tiếng cho rằng đó là suy diễn, tuy nhiên sau đó phải nhận lỗi và rút kinh nghiệm vì thiếu nhạy cảm. Điều đáng nói là nhà phát hành CTy TNHH CJ CGV Việt Nam không có bất cứ lời xin lỗi chính thức nào, chỉ âm thầm rút phim với lí do vắng khán giả.

Chiêu bài này một lần nữa lại được áp dụng trong vụ Người tuyết bé nhỏ. Phim kể về cô bé Yi tuổi teen gốc Hoa sống cùng bà và mẹ trong căn hộ tại Thượng Hải bất ngờ gặp gỡ và thân thiết với người tuyết khổng lồ, đưa người bạn đặc biệt này về nhà, khỏi sự săn đuổi của những kẻ xấu. Cô bé này vẽ ra hành trình đi xuyên Trung Quốc, trên tấm bản đồ rộng lớn có vẽ Trung Quốc và các nước trong khu vực Đông Nam Á xuất hiện đường lưỡi bò.

Khi phim đột ngột bị rút khỏi rạp chiếu tối 13/10, CGV lại lấy lí do vắng khán giả nên không khai thác. Thực tế nhiều người đặt vé sớm buộc phải thay đổi phim xem-dự kiến là Maleficent phần 2 khởi chiếu 18/10. Nhà sản xuất xóa toàn bộ dữ liệu từng quảng bá về phim này trên website.

Trách nhiệm lớn nhất vẫn thuộc về Hội đồng Trung ương thẩm định phim truyện, Cục Điện ảnh-đơn vị cấp phép phổ biến cho bộ phim. Tuy nhiên, nhiều khán giả đặt câu hỏi trách nhiệm của CGV ở đâu khi liên tiếp vi phạm lỗi nghiêm trọng. Trước khi phim tới Hội đồng duyệt, chắc chắn đơn vị phát hành phải xem và thẩm định trước.

Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam-một chi nhánh của công ty Hàn Quốc- hiện nay là nhà nhập khẩu và phát hành phim lớn nhất tại thị trường Việt Nam, với số lượng rạp áp đảo. Tính tới tháng 8/2019, CGV vận hành đạt 80 rạp trên 28 tỉnh thành cả nước.

Trước đó, tám đơn vị sản xuất và phát hành phim Việt khiếu nại CGV vì chèn ép trong phát hành phim thông qua tỷ lệ ăn chia doanh thu phòng vé, sắp xếp giờ chiếu phim. Dù CGV phủ nhận điều đó, tuy nhiên thực tế đơn vị này tỏ rõ sự độc quyền tại thị trường điện ảnh Việt Nam với tiềm năng tăng trưởng đáng mơ ước.