Lạc vào ma trận đồng hồ giả ở Trung Quốc

Tại chờ đồng hồ, có cả trăm sạp hàng, sạp nào sạp nấy đèn đuốc sáng choang cùng những cô bán hàng váy ngắn đến nửa đùi, xinh như mơ, miệng lúc nào cũng luôn nở nụ cười với khách. Bên trong các tủ kính, hàng loạt đồng hồ đeo tay nằm cạnh nhau, rực lên ánh kim loại màu trắng, màu vàng.
Ép mặt kính đồng hồ giả bằng máy thủ công.

1. Với mục đích tham quan "chợ đồng hồ" ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, tôi vẫy một chiếc xe khách - loại xe ba bánh gắn máy - chở được từ 4 đến 6 người rồi chỉ cho anh tài xế thấy chiếc đồng hồ đeo trên cổ tay mình đồng thời chỉ sang khu chợ. Rất bất ngờ, tài xế hỏi tôi bằng tiếng Việt: "Anh đi chợ đồng hồ hả? Bao nguyên chuyến luôn nghe. 50 tệ cả đi lẫn về".

Biết là anh ta "chém" mình vì theo lời Trần, một cuốc xe đi loanh quanh các "chợ" chỉ từ 10 đến 15 tệ nhưng tôi vẫn gật đầu. Qua câu chuyện, tôi biết anh ta tên Xi, sinh ra và lớn lên  ở Móng Cái, Quảng Ninh, đến năm 14 tuổi mới theo gia đình về Trung Quốc. Thảo nào anh ta nói tiếng Việt sõi thế!.

Ngồi trên băng ghế ngay sau lưng Xi, tôi gợi chuyện bằng cách hỏi giá cả của từng loại đồng hồ, và mua sao để khỏi bị hớ. Xi nói: "Anh đừng lo, không cái nào quá 1.000 tệ đâu (khoảng 3,5 triệu đồng tiền Việt). Tôi có cô em dâu bán ở trong đó. Tôi sẽ nhờ nó mua giùm anh". Thấy Xi có vẻ nhiệt tình, tôi "mồi" luôn: "Ngoài tiền xe, tôi trả anh thêm 50 tệ, anh dẫn tôi đi xem cả khu chợ và phiên dịch giùm tôi nhé".

Nếu như ở "chợ đồ da", tôi đã hoa mắt chóng mặt với những loại túi xách thì tại "chợ đồng hồ", tôi còn choáng hơn nữa khi thấy cả trăm sạp hàng, sạp nào sạp nấy đèn đuốc sáng choang cùng những cô bán hàng váy ngắn đến nửa đùi, xinh như mơ, miệng lúc nào cũng luôn nở nụ cười với khách. Bên trong các tủ kính, hàng loạt đồng hồ đeo tay nằm cạnh nhau, rực lên ánh kim loại màu trắng, màu vàng.

Thôi thì "kính thưa tất cả mọi nhãn hiệu": Rolex, Omega, Bulova, Longines, Patek Phillip, Constantin,  Titoni, Tag Heuer, Bacardi, Dunhill, Thomas… mà trong đó, tôi thấy hiệu Rolex chiếm nhiều nhất với khoảng 20 mẫu mã. Còn đồng hồ điện tử chủ yếu là Casio, Seiko, Citizen cùng hàng chục loại mang những cái tên lạ hoắc như Carrat, Ortega…

Nhớ lại hồi nãy, lúc vừa xuống xe và đang trên đường vào chợ, một thanh niên chừng 20 tuổi, đeo cái hộp tựa như chiếc cặp Samsonite đã chặn tôi lại để mời tôi mua đồng hồ. Khi cậu ta bật nắp hộp ra, trên nền nhung đỏ là hàng chục chiếc đồng hồ đủ loại, đủ kiểu, trong đó có chiếc giá chỉ 10 tệ (35 nghìn đồng tiền Việt) nhưng Xi gạt đi, bảo tôi đừng mua vì… đắt!.

Do thương hiệu sang trọng và người đeo nó thường là người có địa vị, có tiền, Rolex bị làm giả nhiều nhất trên thế giới. Theo Tổ chức Cảnh sát quốc tế Interpol, qua những chiến dịch truy quét thì  60% lượng hàng giả ấy xuất xứ châu Á. Nếu một chiếc Rolex Deepsea chính hãng giá 8.000 USD thì tại chợ này, nó chỉ hơn 3 triệu tiền Việt. Cô Zhou, em dâu Xi cho tôi biết: "Rolex nhái có nhiều loại. Tùy theo chất lượng, chiếc rẻ nhất 30 tệ, còn đắt nhất khoảng 1.000 tệ".

Lấy cho tôi xem chiếc đồng hồ 30 tệ, chẳng cần phải là thợ chuyên môn tôi cũng nhận ra vẻ xấu xí, thô kệch của nó. Lớp vỏ kim loại xi mạ sơ sài, nhiều chỗ đã lốm đốm những chấm đen mà dân trong nghề gọi là "nổ xi", kính đồng hồ bằng nhựa còn mặt đồng hồ chữ in lem nhem. Đã vậy, thay vì Rolex thì nó được gắn chữ "Roolex". Tuy nhiên, khi Zhou đưa tôi chiếc Rolex Sky - Dweller 4.000, giá 3,8 triệu tiền Việt thì tôi thật sự kinh ngạc. Tất cả mọi chi tiết của chiếc đồng hồ này đều rất sắc sảo, từ dây đeo đến núm vặn trục cốt, từ mặt kính đến kim giây, kim phút, kim giờ.

Lật mặt sau lên, ngoài biểu tượng chiếc vương miện truyền thống của Hãng Rolex và dòng chữ "làm bằng thép không gỉ, chịu được độ sâu 150m" thì còn một dãy số, là mã của đồng hồ và dấu niêm phong điện tử. Zhou nói: "Người mua cũng được cung cấp thẻ bảo hành và sách hướng dẫn sử dụng y như thật".

Tôi tự hỏi nếu chiếc Sky-Dweller này nằm trong một cửa tiệm sang trọng nào đó ở Sài Gòn với tấm bảng giá 180 triệu thì ai dám ngờ nó là hàng giả, và chỉ đến khi vào trang web của Hãng Rolex rồi nhập dòng mã số thì mới biết, nhưng mấy ai nghĩ đến chi tiết này!.

Đồng hồ giả bán rong ngoài đường.

2. Chẳng giấu giếm gì tôi vì ở "chợ đồng hồ", bên cạnh hàng thật, hàng chính hãng thì hầu như ai cũng có  hàng nhái, Zhou cho biết, tất cả các linh kiện đều được những "xì thẩu" (có nghĩa như "đại gia" ở bên ta), đặt làm từ nhiều cơ sở khác nhau: "Các bánh xe được gia công ở Thẩm Quyến, vỏ kim loại ở Thượng Hải, dây cót ở Hồng Công, kính ở Hải Nam, còn những cơ sở ở Quảng Châu làm mặt đồng hồ, dây đeo - kể cả dây kim loại lẫn dây da, trục cốt, kim và phụ trách lắp ráp".

Khen tôi nói chuyện… có duyên (?!) mặc dù tôi chỉ nói qua lời phiên dịch của Xi, hơn nữa ngay từ  đầu Xi đã chỉ vào tôi rồi bảo Zhou: "Lý co hày hủ dằn - nghĩa là "anh này là người tốt" nên vì thế, sau một hồi "hót" líu lo, Zhou đưa tôi xem một video clip trong điện thoại của cô. Zhou kể cô có người bạn thân làm việc tại một xưởng lắp ráp ở Bạch Vân, và clip do bạn cô ghi lại. Vẫn theo lời Zhou, xưởng của bạn cô có 30 người và chỉ làm vào ban đêm, từ 19 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau. Mỗi tháng, xưởng này cho ra lò khoảng 10 nghìn đồng hồ các loại và gần đây, ông chủ đang "nghiên cứu" để làm giả đồng hồ đeo tay Google, nghe nhạc MP4.

Trong video clip, tôi thấy máy móc của "xưởng" đều là máy thủ công, vận hành bằng tay, trước mỗi máy có một công nhân - phần lớn là nữ giới ngồi thao tác. Bên cạnh họ, những chiếc khay bằng "mốp" trắng chứa đầy vỏ đồng hồ đã qua xi mạ, mặt kính, dây đeo và những chi tiết khác. Chả thế mà khi quân chính phủ tiến công tiêu diệt những phần tử nổi loạn ở miền Nam Somali, họ vô cùng kinh ngạc khi thấy trên tay các tử thi phiến quân là những loại đồng hồ đắt tiền mang nhãn hiệu Omega, Rolex, Longines… Cứ tưởng quân phiến loạn mua bằng tiền bán dầu mỏ nhưng khi kiểm tra mới biết nó là hàng nhái "Made in China"!

Ở chợ giày dép thì khác, hàng nhái bày bán chẳng cần giấu giếm bởi đơn giản là nhãn mác phải được may vào trong quá trình tạo hình giày. Một đôi Converse chính hãng bằng vải với hai màu đen trắng loại bèo nhất, mua ở Sài Gòn thì phải trả 550 nghìn nhưng cũng đôi giày ấy ở đây, chỉ là 50 tệ mặc dù màu sắc, hình dạng chẳng có gì khác nhau. Một đôi giày da Docker ở Sài Gòn 2,8 triệu nhưng ở chợ giày dép, nó là 120 tệ!.

Tiền nào của nấy, chất liệu đế của những loại giày nhái là cao su kém chất lượng, đi chừng hai tháng đã mòn vẹt, lòi cả lớp vải bố bên trong. Chợ mỹ phẩm cũng vậy, nhãn nước hoa Chanel, Prada Infusion De Rose, Chloe, Marc Jacob Daisy, Loverdose Diesel, Calvin Klein One Summer… đều in thẳng vào chai, vào hộp và giá cả cũng rất bèo. Chỉ có điều là khi bôi vào nó có làm lở da, lác thịt hay không mà thôi!.

Có thể nói, nạn sản xuất hàng giả, hàng nhái xem ra đang thách đố các cơ quan chức năng Trung Quốc bằng các thủ đoạn như hàng trưng bày không hề có nhãn mác. Nó chỉ được gắn vào khi đã bán cho người mua. Như chiếc đồng hồ Sky-Dweller mà tôi vừa nêu ở trên chẳng hạn, theo lời Zhou thì đó là hàng mẫu. Nếu khách đồng ý giá cả, dòng chữ Rolex - Sky-Dweller - Geneva bằng titanium mảnh mai, bé tí mới được dán vào mặt đồng hồ.

Nhưng nói như thế không có nghĩa là các cơ quan chức năng Trung Quốc bất lực trước nạn hàng giả, hàng nhái. Trong 3 năm qua, họ đã tiêu hủy hơn 30 triệu đĩa CD, VCD sao chép không giấy phép, 11 triệu cuốn sách, tạp chí ăn cắp bản quyền sau khi đại diện thương mại Mỹ là bà Susan Schwab khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới. Gần đây nhất, Công an Quảng Châu đã bắt 14 người, phá hủy 6 nhà máy bất hợp pháp sản xuất túi xách giả nhãn hiệu Louis Vuitton. Trong 6 nhà máy này, ngoài một lượng lớn sản phẩm đã hoàn thiện, thì số vật liệu bán thành phẩm đủ để sản xuất ra 180 nghìn chiếc ví và túi xách trị giá 1 tỉ nhân dân tệ, 11.000 chiếc vali Louis Vuitton giả, 30 triệu nhãn mác giả, một số hóa đơn bán hàng giả và 27 bộ phận của thiết bị làm ví da và túi xách giả. Trước đó, 630 nghìn bộ quần áo thể thao giả nhãn hiệu Nike và Adidas trị giá gần 20 triệu nhân dân tệ cũng đã bị tịch thu tại Quảng Châu.

Một chiếc máy ép vỉ thuốc viên.

3. Ra khỏi "chợ đồng hồ", tôi rủ Xi "kiếm quán nào đó làm chai bia giải khát". Lúc ngồi trong quán, tôi hỏi Xi biết ở đâu làm máy dập thuốc viên và máy ép vỉ không?.

Thật ra, máy dập thuốc viên, máy ép vỉ thì ở Sài Gòn, vào Chợ Lớn đặt chừng nửa tháng, hàng giao tận nhà nhưng sau khi thuê phòng tại khách sạn rồi lúc đi bộ ngang bến xe Quảng Châu, tôi đã được một người bán hàng rong mời mua Viagra hàm lượng 100mg với giá mỗi viên 5 tệ (17 nghìn đồng). Biết chắc đó là thuốc giả vì thuốc thật tại Sài Gòn, giá thị trường dao động từ 250 nghìn đến 300 nghìn đồng/viên tùy theo từng hiệu thuốc nên tôi muốn tìm hiểu xem những viên thuốc ấy được chế tạo ở đâu, và chế tạo như thế nào.

Ngẫm nghĩ một lát, Xi gật đầu: "Tôi có người bạn mở xưởng cơ khí. Nó tên Lưu, chuyên đóng thùng xe ba bánh chở khách. Uống bia xong, tôi đưa anh đến hỏi xem nó quen ai chuyên làm cái máy này không".

Nhà người bạn Xi nằm cách trung tâm thành phố khoảng 6km. Khi biết tôi định mua máy dập thuốc, ép vỉ, Lưu nói nếu mua máy mới thì đặt tiền cọc cho anh ta, chừng 3 tuần sau giao hàng, kể cả giao ở Sài Gòn cũng được luôn! Còn mua máy cũ thì anh ta có một người bạn, đang cần bán.

Lại lên xe ba bánh, chạy thêm chừng 1,5km theo hướng dẫn của Lưu, Xi cho xe rẽ vào con đường nhỏ rồi dừng lại trước một căn nhà tường gạch cũ kỹ. Một bà cụ già áo bông to sù sụ, ngồi trước cửa sưởi nắng khẽ giương đôi mắt lờ đờ nhìn tôi. Lưu cất tiếng gọi lớn: "A Chí à".

Vài phút sau, người tên Chí xuất hiện. Đó là một thanh niên khoảng 30 tuổi, to béo, điếu thuốc lá phì phèo trên môi. Nghe Lưu chỉ vào tôi rồi xí xa xí xô một hồi, Chí mời tôi ra nhà sau. Trong khoảng sân nhỏ là một máy dập thuốc và một máy ép vỉ, nhìn còn khá mới. Qua lời phiên dịch của Xi, A Chí cho biết máy ép được cả viên nén lẫn viên "con nhộng", công suất khoảng 600 vỉ/giờ, bán nguyên cả cụm giá 24 triệu tiền Việt. Tôi lật bài ngửa: "Tôi muốn sản xuất "Vi huynh" - là tên mà người Trung Quốc đặt cho loại thuốc chống rối loạn cường dương Viagra -  thì mua nguyên liệu ở đâu?".

Lại xí xa xí xô, một lát Chí nói nếu muốn làm giả 100% thì anh ta sẽ cung cấp cho tôi công thức, gồm tinh bột bắp, chất chống mốc, thuốc ký ninh (Quinin) chữa sốt rét để tạo vị đắng và phẩm màu xanh làm lớp "áo" cho viên thuốc. Còn nếu làm giả 50%, tôi phải mua hóa chất sidenafil - là thành phần chính của Viagra với giá 6 triệu tiền Việt/kg rồi trộn với 1kg tinh bột bắp, chất chống mốc chứ khỏi cần ký ninh. Nếu làm giả 90%, cứ mỗi kg sidenafil, tôi pha thêm 9 kg tinh bột bắp. Nhưng dù giả bao nhiêu phần trăm, tôi cũng phải cần có thêm bộ khuôn để khi dập viên, nó sẽ ra viên thuốc hình thoi, y như thật: "Những thứ đó tôi sẽ mua giùm anh" - Lưu nói - "Còn bao bì thì dễ thôi vì mấy xưởng in quen tôi lúc nào cũng có sẵn".

Để chứng minh máy móc của mình hoạt động tốt, Lưu kéo cầu dao điện rồi bấm một vài cái nút. Giây lát, hệ thống ép vỉ rùng rùng chuyển động, khuôn ép đưa lên hạ xuống rất nhịp nhàng. Đến gần sát máy, nhìn vào cuộn giấy tráng kim đặt ở cái trục phía trên thân máy, tôi thấy đó là nhãn của một loại thuốc ho nhưng thay vì Terpin Codein thì nó là Tercodin, hãng sản xuất là… UC Pharma. Chẳng hiểu loại thuốc "ho" này có bao nhiêu phần trăm chất terpin hydrat nhưng hề gì, sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi!

Ngỏ lời cảm ơn rồi nhờ Xi phiên dịch, tôi nói tôi đi cùng với sếp và sếp tôi cũng đang xem một cái máy khác nên tối nay về khách sạn, tôi sẽ báo lại với sếp. Lưu gật đầu, cho tôi số điện thoại: "Nếu đồng ý thì gọi. Tôi sẽ tháo máy, vệ sinh, đóng thùng…".

Thả tôi xuống trước cửa khách sạn, Xi cũng cho tôi số điện thoại, bảo cần đi đâu, mua gì thì cứ alô, anh em trước lạ sau quen cả mà! Tôi cười nhưng tôi biết đó là lần đầu tiên tôi gặp Xi và có lẽ cũng là lần cuối cùng…

Theo Vũ Cao

Theo An Ninh Thế Giới