Ký ức Hà Nội gồm các gian hàng và tiểu cảnh vây quanh bãi cỏ trước Đoan môn. Qua mô hình cửa ô, du khách lọt vào không gian thu nhỏ của các phố Hàng… Ở đây, khách có thể mua sản phẩm (chủ yếu mang tính lưu niệm) hoặc dịch vụ (chẳng hạn bắt mạch bốc thuốc) của những người đang kinh doanh trên chính các con phố thật. Bên đường là các hàng tò he, kẹo kéo, ngô khoai nướng thơm lừng…
Mô hình tàu điện sơn trắng kẻ đỏ nổi bật cách ao bèo tấm và đống rơm (diễn tả xóm ngoại ô) không xa. Lúc chúng tôi đến có đám chầu văn đang ngồi hát trên tàu điện. Kể cũng không hợp lắm vì thể loại này phải hát nơi đền miếu. Anh vừa chơi đàn nguyệt vừa hát hăng say, một chị áo cánh lấp ló hát đệm. Nhìn kỹ thì ca sĩ khiếm thị, khán giả thành ra càng có lý do bỏ tiền vào chiếc giỏ để dưới cửa lên tàu.
Một mảng tường vốn gần khu vệ sinh qua bàn tay trang trí của các họa sĩ bỗng thành điểm chụp ảnh ưa thích. Họ vẽ lên tường cả một chiếc bảng tin hoặc kiểu tranh để làm phông chụp thường thấy trong các tiệm ảnh thời xưa. Các đạo cụ chụp bao gồm cột điện, xe vespa, xe gióng ngang. Cô hàng xén ngồi gần đấy quá trẻ so với quy định, nở nụ cười tỏa nắng nhưng răng trắng. Hàng nước của cô thêm cả mặt hàng khăn len đan tay dày dặn 120.000 đ/chiếc.
Tiếp đến là một dãy dài các gian hàng chủ yếu bày đồ cũ, những món đồ có tuổi phải nửa thế kỷ trước là ít. Người cao tuổi tới đây hẳn rất bồi hồi, nào là đồng hồ quả quýt, đồng hồ để bàn… Tự nhiên mọc ra một hàng bán đồng hồ sơn mài - sản phẩm mới. Là một miếng gỗ để mộc đánh verni hoặc sơn mài nhiều màu sắc có gắn bộ máy đồng hồ. Nếu mẫu mã đa dạng hơn và giá rẻ hơn chút, có khi tôi cũng mua một chiếc.
Tây ta cùng chơi chuyền.
Một anh bán hàng mặt mũi phương phi đội thêm chiếc mũ lông đen loại có hai tai to xù- cũng là hàng anh bán- trông tựa người Mông Cổ. Mấy khách nữ thấy ngộ mượn mũ đội chụp ảnh. Anh vui vẻ cho mượn lại còn chụp ảnh cùng. Chụp ảnh giao lưu vài câu rồi khách tự động lấy card của anh. Card đề dòng chữ Người buôn ký ức chuyên hàng cổ- xưa- dị- độc- lạ- hiếm. Địa chỉ tận Hà Đông.
Kề bên hàng của Người buôn ký ức là sạp hàng cũng bày nhiều đồ cũ, có cả chồng bát sành ăn cơm. Tôi đoán rằng phản xạ của ai khi đến xem cũng sẽ phải cầm nó lên. Vì nó rất gần gũi, gắn với những bữa cơm gia đình thơi bao cấp. Tôi vừa cầm lên, anh bán hàng cho một câu: “Làm vỡ là phải mua cả bộ đấy!”. Tôi bỏ xuống, hỏi đây là đồ từ thời trước hay làm mới. Anh đáp: “Nếu đã không phân biệt được thì càng không nên cầm vào…”. Đáng ra anh nên treo biển “hiện vật cấm sờ” cho du khách đỡ mất hứng.
May đi tiếp một đoạn nữa, vẻ tươi cười chào hỏi của các tình nguyện viên trẻ kéo tâm trạng của du khách lên. Các bạn mời mọi người vào trải nghiệm các trò chơi của trẻ em mà nay đã thành xa lạ. Bên cạnh bọn trẻ hí hoáy tô màu chuồn chuồn tre, mấy anh Tây được hướng dẫn chơi chuyền vẻ mặt rất hí hửng. Ở bãi cỏ rộng, còn có chỗ chơi đu, đi cà kheo, nhảy dây… Chả mấy khi người lớn trẻ em cùng chơi rất hào hứng.
Gian hàng của các hãng lữ hành xem ra lại không đông khách lắm. Cũng vì đã đến trưa, mọi người đổ sang khu ăn uống. Khá nhiều chọn lựa, nào là phở gà, bún thang, bún cá, bánh giò, bún chả, bánh cuốn… Cuối cùng chúng tôi chọn đại thịt nướng xiên, bún mọc và giò bò. Giò bò kiểu này tôi chưa thấy bao giờ vì hình như gói lẫn với mỡ thái hạt lựu. Nhà sản xuất có vẻ rất tự tin về sản phẩm. Tôi cũng nói nếu ăn thấy ngon thì sẽ mua về nhà. Ăn thì thấy cũng được, giá bằng với hàng giò cạnh nhà tôi. Nhưng tôi thích vị gần nhà hơn nên thôi. Bún đựng trong bát giấy bị bạn tôi chê là mỡ. Nhưng tôi thấy ăn ở hội chợ thế thôi cũng chấp nhận được. Không có vị đẫm mì chính là tốt rồi.