Ký ức “' đem vinh quang sức dân tộc trở về'

Nhân chứng lịch sử trực tiếp tiếp quản thủ đô, nhà nghiên cứu lịch sử và người dân hồi tưởng những ngày Hà Nội “năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về” trong ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2019).
Ký ức mùa thu của những nhân chứng tiến về tiếp quản Thủ đô. Ảnh: MẠNH THẮNG

TIẾN VỀ HÀ NỘI

Trung tướng Trần Quang Khánh, nguyên Chánh Văn phòng Bộ Tổng tham mưu của Bộ Quốc phòng nay 95 tuổi dù sức yếu phải ngồi xe đẩy, giọng sang sảng nhắc lại những ngày tiếp quản Hà Nội. Bác Hồ khi ấy dặn dò rất kỹ Đại đoàn 308 vào tiếp quản Thủ đô cần giữ gìn kỷ luật, đảm bảo trật tự an ninh, bảo vệ nhân dân và các cơ sở quan trọng của thành phố, nhất là giữ gìn phẩm chất chiến sĩ “không gây phiền hà cho dân”.

Ngày 3/10/1954 phía ta cử một đoàn cán bộ vào thành Hà Nội trước, Trung tướng Trần Quang Khánh có trong đoàn quân ấy. “Vào thành chúng tôi ở số 92 Trần Hưng Đạo ngay gần ga Hà Nội. Một vài chủ doanh nghiệp có thiện cảm với Việt Minh còn lái xe đến cổng khu nhà chúng tôi ở để nhắc nhở nên mua xăng tích trữ vì sắp tới xăng sẽ khan hiếm đắt đỏ. Khi các chiến sĩ đi chợ mua thực phẩm, các bà các chị ở đó nhận ra, họ dúi cho chúng tôi thịt, cá, rau quả và bán với giá gần như cho không, do lúc đó đồng tiền của Cụ Hồ chưa dùng được ở Hà Nội, chúng tôi không có nhiều tiền Đông Dương”, ông nhớ lại.

Là một trong những chiến sĩ công an đầu tiên về Hà Nội tiếp quản, Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng, nguyên Phó Tổng cục Tổng cục An ninh, Bộ Công an kể, ngày 5/10 lực lượng công an về tiếp quản Ty Cảnh binh Hà Nội. Ngày 9/10 bàn giao xong với phía Pháp. Sáng 10/10 quân Pháp rút đến đâu quân ta tiếp quản đến đó. Đoàn quân của ta đi từ phố Trung Hiền đi lên, có khu phố đệm để hai phía không gặp nhau.

“Khi quân Pháp rút đi, ở khu phố đệm này nhân dân đều kín cổng cao tường đóng chặt cửa vì sợ nạn hôi của. Khi quân ta tiến vào, những cánh cửa ấy lập tức mở ra. Người dân mặc đẹp, vẫy cờ vẫy hoa chào đón hoan hỉ. Đường phố nhộn nhịp xe đạp, ô tô, xe máy, cảnh sát giao thông ra chỉ đường giữ trật tự”, ông Phòng kể. Trong mắt ông cuộc tiếp quản năm xưa là cuộc tiếp quản trong hòa bình, không tiếng súng và không đổ máu. “Đoàn quân tiến về thủ đô vô cùng đẹp trên tay chỉ có hoa, trên mặt chỉ có nụ cười”, ông nói.

SỨC DÂN TỘC TRỞ VỀ

Nhà sử học Lê Văn Lan tháng 10 năm 1954 là chàng trai Hà Nội 18 tuổi, có mặt trong dòng người đi đón đoàn quân chiến thắng. Sau thời gian chiêm nghiệm, ông nói rằng cảm xúc ngày 10/10 năm xưa được thai nghén và dồn nén của hàng nghìn năm lịch sử. Ông nhắc lại thời khắc tiếp quản Hà Nội với những dấu mốc như: Năm 1285 Thái sư Trần Quang Khải đón các vua Trần với tinh thần “Tụng giá hoàn kinh sư”, sau này là Chiến thắng đại phá quân Thanh của vua Quang Trung giải phóng thành Thăng Long.

Trở lại cảm xúc ngày Giải phóng Thủ đô, nhà sử học Lê Văn Lan nói, khi đó ông biết chắc trong đoàn quân trùng trùng quân đi như sóng có người anh thứ hai là học viên trường Sỹ quan Trần Quốc Tuấn khóa 1, được biên chế Đại Đoàn Quân Tiên phong tiến về Thủ đô. Một người anh thứ tư lấy bằng tú tài toàn phần, đi kháng chiến và làm Phó Ty Tuyên truyền vào thành trước nhưng chờ ngày 10 mới xuất đầu lộ diện. “Giải phóng Thủ đô chính là cuộc giải phóng cả dân tộc, giải phóng cho người Hà Nội, có những người trong cùng gia đình giải phóng cho nhau. Năm 1975 tôi lại vinh dự có mặt trong đoàn quân tiến về Sài Gòn gặp lại một nửa gia đình của tôi khi này ở phía Nam”, ông kể.

Không muốn nhắc về ý nghĩa lịch sử một cách sáo rỗng, nhà sử học Dương Trung Quốc kể lại ký ức. 65 năm trước ông là cậu bé bảy, tám tuổi dù chưa nhận thức nhiều nhưng ký ức không thể quên. “Tâm trạng người Hà Nội khi đó ngổn ngang trăm mối, vui buồn lẫn lộn. Có niềm vui, lo âu và cả nỗi đau buồn. Có người chờ mong người thân trở về, nhiều người không còn chờ đợi gì nữa vì biết chắc người thân hi sinh. Bố tôi hi sinh ngay những ngày đầu kháng chiến nên gia đình tôi cũng không chờ đợi gì”, ông kể.

Một nửa gia đình bên ngoại của ông Dương Trung Quốc vào Nam, bởi nhiều người chung câu hỏi và nỗi lo lắng không biết chế độ mới ra sao, nhất là ở những khu phố khá giả của Hà Nội. Tuy thế phần đông những người ở lại Hà Nội háo hức chờ đón đoàn quân trở về. Người ta may cờ, làm cổng chào bằng vải, hoa, trẻ con học hát những bài hát rất dễ thuộc và giản dị. Sát thời khắc tiếp quản Hà Nội còn có phong trào gõ phèng phèng, gõ mâm hay vung nồi khi thấy có kẻ xấu lai vãng. Đúng ngày giải phóng Thủ đô, trẻ con vốn hàng ngày được giữ gìn trong nhà nay cũng “thả rông” đón đoàn quân trở về.

“Khi ấy tôi đứng ở Nhà thờ Cửa Bắc ngóng vào khu Hoàng thành. Tôi thấy đoàn quân ta có sức mạnh lớn lao, sau này tôi rút ra bài học lớn nhất chính là sức mạnh của lòng tin. Khi chiến sĩ thủ đô quyết định ra đi vào đêm mùa đông 1947 rời Hà Nội hẹn ngày về đó là điều thiêng liêng, sức mạnh quyết tâm. Thủ đô của cả nước, nên đó cũng là sự quyết tâm của cả nước. Niềm tin ấy được tiên đoán từ rất sớm trong ca khúc Tiến về Hà Nội của nhạc sĩ Văn Cao sáng tác năm 1948 sau chiến dịch gian khổ thu đông năm 1947. Từ những câu hát bây giờ chúng ta hay nghe trùng trùng quân đi như sóng cho tới nhiều diễn biến sau này và kết thúc với sự kiện Hà Nội bừng tiến quân ca”, ông Dương Trung Quốc nhận định.

“Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về” là cuốn sách ảnh do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam giới thiệu nhân dịp này. Nhiều bức ảnh quý tập hợp kể lại ký ức của Hà Nội những ngày tháng lịch sử 1954 như quầy bán hoa tại ngã tư Hàng Khay-Đinh Tiên Hoàng, bến tàu điện bờ Hồ, hiệu may cờ Tổ quốc và nhiều câu chuyện đặc biệt khác. Nguồn ảnh phong phú có sự đóng góp của các nhiếp ảnh gia như Thân Trọng Ninh, Nguyễn Duy Kiên, ông chủ hiệu ảnh 11 Hàng Khay Phan Xuân Thúy.