Kỳ tích: Lần đầu tiên ghép phổi từ người cho chết não

TPO - Sáng 16/3, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 công bố thông tin về của ca ghép phổi lấy từ người cho chết não đầu tiên ở Việt Nam.

Bệnh nhân Trần Ngọc H (52 tuổi ở Nam Định), người được ghép phổi cũng góp mặt tại cuộc họp báo đặc biệt từ phòng bệnh qua cầu truyền hình trực tuyến.

Trung tướng GS.TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện cho biết, trước khi được thực hiện ghép phổi, bệnh nhân H. được chẩn đoán bị suy hô hấp nặng do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn cuối, có thể tử vong bất cứ lúc nào. Trước đó, bệnh nahand đã điều trị tại nhiều bệnh viện, sử dụng nhiều loại thuốc nhưng vẫn thường phải thở máy, thở o xy. Tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 các bác sĩ quyết định, ghép phổi là cơ hội duy nhất để giành lại sự sống cho người bệnh.

Ghép phổi được đánh giá là một trong những kỹ thuật khó nhất trong lĩnh vực ghép tạng, kể cả với những nước có nền y học tiên tiến trên thế giới. Để chuẩn bị cho ca ghép lịch sử này, suốt hơn 40 giờ đồng hồ hội chẩn liên viện, hội chẩn quốc tế, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã huy động 60 người thuộc Ban chỉ đạo, Ban điều phối – thư ký, Đơn vị ghép phổi của Trung tâm ghép tạng Bệnh viện cùng tham gia. 10h sáng ngày 26/2, ca đại phẫu bắt đầu. Sau 8 tiếng đồng hồ phẫu thuật, bệnh nhân được chuyển sang điều trị tích cực, có sự phối hợp nhiều chuyên khoa. Một tuần sau ca ghép, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân tiến triển tốt. Hiện nay, 16 ngày sau ca ghép phổi, bệnh nhân H đã tự vận động đi lại trong phòng, , xét nghiệm ổn định, khí phổi và khí máu ổn định, bệnh nhân đã ăn được cháo.

Trung tướng Mai Hồng Bàng cho biết thêm, từ nguồn tạng của người cho chết não này, 6 người đã được ghép thận, giác mạc, tim. Cụ thể, thận và giác mạc của người này đã được ghép cho 1 bệnh nhân bị bệnh thận và ghép cho hai bệnh nhân bị bệnh lý về mắt tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Đồng thời, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã phối hợp với Trung điều phối ghép tạng Quốc gia, Bệnh viện Việt Đức (chuyển một quả thận sang ghép thận tại Bệnh viện Việt Đức) và Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM tiến hành bảo quản, vận chuyển tạng xuyên Việt để thực hiện tiếp các ca ghép thận và ghép tim cho hai bệnh nhân tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM.

Theo Trung tướng Mai Hồng Bàng nếu như ghép phổi hay ghép tạng khác nói riêng từ người cho sống thì việc ghép này sẽ chủ động hơn nhưng ghép từ người cho chết não thì phải chuẩn bị rât kỹ lưỡng từ nguồn hiến tạng. Đặc biệt là việc hồi sức sau ghép cho người bệnh đòi hỏi rất nhiều công đoạn.

Để thực hiện ca ghép phổi đầu tiên từ người cho chết não, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thực hiện ghép phổi thực nghiệm trên động vật (15 cặp động vật) với tỷ lệ thành công cao, các tạng hoạt động tốt. Cùng đó, bệnh viện cũng cử hơn 30 bác sĩ, phẫu thuật viên, điều dưỡng học tập tại các bệnh viện và trung tâm hàng đầu thế giới về ghép tạng. Ngoài ra, 20 kíp kỹ thuật được cử học tập, đào tạo tại các bệnh viện có kinh nghiệm ghép tạng như Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy. GS Bàng cho biết, sau thành công của ca ghép phổi, bệnh viện sẽ nghiên cứu ghép tử cung, ghép ruột, ghép khối tim, phổi...