Ký sự World Cup 2018: Xem Nga đá trên đồi Lenin

TP - Một trong những chuyện đầu tiên người lái xe đón tôi ở Sân bay Demededovo, Mátxcơva kể là về cái “Fan Zone bóng đá” trên đồi Lenin. Ðó là nơi người ta đặt nhiều màn hình rất lớn và tổ chức cho người hâm mộ đến xem các trận đấu World Cup.
Tác giả (bìa trái) cùng các bạn đồng hành được vẽ mặt miễn phí trên đường đến Fan Fest cổ vũ các trận tứ kết.

Tôi đi cùng hai người bạn mới quen đo Fan Zone trên đồi Lenin từ Trung tâm Thương mại Hà Nội – Mátxcơva (Incentra) từ lúc 3 giờ chiều, mặc dù mãi 5 giờ trận Anh – Thuỵ Điển mới bắt đầu. Không chỉ đường xa, phải đổi từ xe buýt sang tàu điện ngầm rồi dưới đất lại phải đổi tuyến nữa mà còn vì nhiều người doạ là không đi sớm, người đến đông quá, cảnh sát sẽ không cho vào nữa. Sức chứa của điểm tổ chức chỉ 24 nghìn người mà hôm Nga đá với Tây Ban Nha, báo chí viết số người muốn đến xem lên đến cả trăm nghìn!? Lạ cái là người ta cứ thích đến đây mặc dù trên sân vận động Spartak và vài nơi nữa, những cái Fan Zone như thế cũng được tổ chức.

Gần như phải xuyên từ đầu này qua đầu kia thành phố Mátxcơva khổng lồ. Trên đường đi cảm thấy có gì như sự bồi hồi. 37 năm trước, thu năm 1981, vừa đến Liên Xô, đám du học sinh chúng tôi được đưa đến ở mấy ngày ở ký túc xá trường ĐH Tổng hợp Mátxcơva mang tên Lomonosov trên đồi Lenin này trước khi được đưa về các thành phố thuộc các nước cộng hoà Xô Viết khác nhau.

Nhưng bến xuống không phải tên Đồi Lenin mà là Đồi Vorobyovy. Nhiều người nhầm đây là đồi chim sẻ vì trong tiếng Nga, chim sẻ là Vorobey. Thực ra tên là đồi nhà Vorobyov vì trước đây, lâu lắm rồi, đây là đất đai của dòng họ Vorobyov. Dưới thời Xô Viết, đất đai được quốc hữu hoá, khu vực này được đổi tên là Đồi Lenin. Thời thế thay đổi, người ta lại khôi phục tên cũ…

Tác giả cùng các bạn đồng hành trên đường đến Fan Fest cổ vũ các trận tứ kết.
Tàu điện ngầm thật lợi hại. Chúng tôi đến nơi còn hơn một tiếng đồng hồ nữa trận đấu đầu mới mở màn. Từ ga tàu lên đồi phải đi bộ chừng đôi cây số. Dòng người đi như hội. Rất nhiều cô cậu đứng bán cờ, khăn và vẽ mặt cho những người thích. Cô bạn trong nhóm chọn vẽ lên má một lá cờ Anh, chúng tôi khuyên nên thêm một lá cờ Nga to hơn bên má kia nữa vì có 2 trận đấu với lại để lấy cảm tình các fan Nga. Công vẽ hai lá cờ đổi sang tiền ta độ mấy trăm nghìn gì đó, nhưng đôi bên tán nhăng cuội mấy câu, rốt cuộc  cặp cô, cậu “hoạ sĩ” trẻ tuyên bố miễn phí rồi bá vai nhau chụp ảnh chung làm kỷ niệm.

Nhìn chung người Nga thể hiện mình khá hay trong dịp World Cup khiến cổ động viên nhiều nước ngạc nhiên vì qua truyền thông, họ hình dung một nước Nga khắc nghiệt, con người thô thiển. Nhất là cổ động viên Anh còn lập cả một trang web để chia sẻ cảm xúc, trong đó nhiều người mắng mỏ truyền thông và chính phủ nước mình đã lừa dối khi đe doạ rất nhiều nhằm ngăn người Anh đến Nga.

Thời gian trận Anh – Thuỵ Điển, người đã khá đông nhưng chưa chật. Hầu hết mọi người tập trung ở màn hình lớn nhất trong cùng, dựng ngay trước toà nhà lớn rất nổi tiếng của trường Tổng hợp Mátxcơva và 2 màn hình nhỏ hơn một chút ở hai bên cánh. Đã là những trận cuối cùng của vòng tứ kết, đã rõ được hai đội vào bán kết là Anh và Bỉ, còn 4 đội có hi vọng cho đến hết tối đó là Nga, Croatia, Anh, Thuỵ Điển. Cổ động viên các đội bị loại, nhất là các nước Nam Mỹ và Châu Phi (sạch bách) đã về nước hầu hết nên đám đông gồm chủ yếu CĐV của đội Nga  mặc dù cũng đã có nhiều kiểu mũ, khăn, đầu tóc, trang phục sặc sỡ nhưng người ta bảo rằng chưa thấm vào đâu so với những trận đấu trước, nhất là ở vòng bảng, khi ở đây rất nhộn với các đám cổ động viên sặc sỡ đến từ nhiều nước khác nhau. Biển người đa sắc tộc ấy khoác, vẽ lên người, đội lên đầu đủ thứ kiểu trang phục, mũ mão, đồ trang sức với hình thù màu sắc ngoài sức tưởng tượng, nhảy múa, hú hét cực kỳ sôi động.

Chiều hôm đó thỉnh thoảng cũng có vài nhóm CĐV của Brazil, Mexico, Argentina… kéo tới và lạ là họ tươi cười vui vẻ, dăng cờ sẵn lòng chụp ảnh kỷ niệm với mọi người chứ không hề tỏ thái độ đưa đám trước bị kịch của đội bóng con cưng như hình dung của tôi.

Cổ động viên Nga thì khỏi nói, họ đang phấn khích trước chiến tích bất ngờ của đội nhà và hi vọng vào một điều thần kỳ nữa vào tối đó: Nga loại Croatia để vào bán kết. Trước Vòng Chung kết đội Nga và HLV trưởng Cherchesov bị mắng mỏ thậm tệ, thậm chí bị miệt thị công khai vì đá 7 trận giao hữu hầu hết thua, may lắm là hoà. Giờ thì sau chiến tích loại Tây Ban Nha, tất cả họ thành con cưng của xứ Bạch Dương. Thậm chí HLV trưởng Cherchesov – một người trước đây truyền thông và công chúng không ưa vì đội bóng chủ yếu là thua mà còn có phong cách bị coi là “ngạo mạn”, “khó gần” giờ đây được nhiều người bắt chước cách để râu. Lúc đầu tôi không hiểu vì sao nhiều CĐV nữ vẽ ria mép, sau được giải thích mới hiểu đó là kiểu “ria Cherchesov”.

Một nhóm CĐV Việt Nam
   
Tôi hơi hoảng vì thấy người ta mang khá nhiều trẻ nhỏ, nhiều bé còn ngồi xe đẩy, thậm chí có bé còn nằm xe nôi đến nơi dễ thành chảo lửa thế này, nhưng một nữ nhà báo người Việt đang làm cho hãng tin Nước Nga ngày nay trấn an rằng “yên tâm, người ta tổ chức tốt lắm và người Nga cổ động có văn hoá”. Chị còn kể, CĐV nhí nhất được đăng ký để lấy fan ID (số và thẻ cổ động viên) mới có 1 tháng tuổi. Và cũng cần phải nói thêm rằng, người đăng ký lấy fan ID lớn tuổi nhất là một cụ ông 95 tuổi người Việt Nam. Chị đã gặp ông cụ người Nghệ An ấy sang bên này xem bóng đá và có cuộc phỏng vấn thú vị. Chúng tôi gặp không ít người Việt, trong đó đặc biệt có một nhóm hơn chục người lớn trẻ con mang cờ đỏ sao vàng, cờ 3 màu trắng – xanh dương- đỏ của nước Nga, đội nón lá cũng sơn cờ tổ quốc. Đã thấy mấy phóng viên truyền hình người Việt tới phỏng vấn, ghi hình. Nước Nga là tổ quốc thứ hai của chúng tôi nên chúng tôi đến đây cổ vũ cho đội Nga… - đại khái thế. Rõ ra là những bà con đang sống, làm ăn ở bên này.

Giữa hai trận đấu, ban nhạc chơi cực kỳ bốc. Thỉnh thoảng người cầm trịch lại đề nghị đám đông thử phát ra tiếng reo hò để lát nữa cổ động cho đội Nga chơi trận đấu sinh tử tận thành phố Sochi nằm ven biển Đen cách thủ đô có dễ đến vài nghìn cây số. Đám đông hú hét, chưa phải là đã hết cỡ vì các cầu thủ chưa đá, hét to cũng khó. Các mà hình hiện lên số đề xi ben đo được, dao động khoảng từ 95 đến 105, mặc dù màn hình chiếu lên thì thấy người đã ken đặc cả cây số trước mười mấy màn hình lớn đặc cách nhau vài chục mét một. Con số thống kê công bố cho thấy đã có 25 nghìn người lèn vào không gian có sức chứa 24 nghìn. Tiếng reo chưa hò chưa ăn thua. Thấy bảo trận thắng Tây Ban Nha oanh liệt, cường độ lên đến trăm mấy chục đề xi ben.

Trận Nga – Croatia bắt đầu. Tôi đứng cạnh một nhóm thanh niên Nga, trong đó có 3 cô gái khá thấp nhỏ. Họ cuồng nhiệt và khá thạo, thuộc tên các cầu thủ chứ không phải dạng gà mờ. Một cô reo hò không ngừng nghỉ suốt cả trận đấu (mà không khản giọng), kéo theo nhiều người chung quanh: “Nước Nga, tiến lên!” “Tiễn Croatia về nước!” “Sút đi!” “Cần bàn thắng! Cần bàn thắng!”… Sự nhiệt tình đó không hề nguội đi khi khi đội Nga bị dẫn 1-2 khiến tôi phải ghé vào tai cô hét: “Cổ động viên vĩ đại! Cô mà có mặt trên sân Sochi thì đội Nga thắng lâu rồi”. Cô hét lại: “Là cái chắc”!

Màn hình lớn chiếu cảnh biển người ở Fan Zone
Cổ động viên với trang phục độc đáo
  CĐV Nga hóa trang, ăn mừng bàn thắng
Giờ thì tôi hiểu vì sao người ta dám mang trẻ con tới đây. Đông chật, nhiều người đi lại phải len, nhưng không có chen lấn, xô đẩy. Thỉnh thoảng có cô gái được bạn trai kiệu lên vai, che mất màn hình của mấy người phía sau. Cũng chỉ có những tiếng la “Cô kia, xuống đi” cùng lắm là túm áo kéo nhẹ ra hiệu phải xuống chứ không có tiếng chửi bới hoặc ném vào người. Chỗ tôi đứng chỉ có một sự cố là bỗng từ đâu có một cậu thanh niên len đến thỉnh thoảng lại ngửa cổ lên rúc một hồi kèn dài. Khi Cheryshev sút tung lưới Croatia, cậu ta ôm ghì lấy cô gái “cổ động viên vĩ đại”. Cô này lập tức giơ bàn tay có ngón đeo nhẫn lên ra hiệu “gái có chồng”. Một cậu thanh niên trong nhóm, chắc là chồng, cao giọng. Tôi đang định nói “Thôi các bạn, chúng ta vừa ăn bàn kia mà” thì cậu thổi kèn đã đã vùng vằng “thôi được, tôi đi”. Thế là trật tự lại được vãn hồi.
Niềm vui của các CĐV khi đội tuyển Nga ghi bàn
Không khí lạc quan tràn ngập khi Fernandes gỡ hoà 2-2. Thậm chí lúc truyền hình quay cận cảnh khá lâu gương mặt hoảng sợ của tiền đạo Smolov – người nhận nhiệm vụ khó khăn sút quả luân lưu đầu tiên cho đội Nga, không khí đó vẫn chưa lắng xuống. Nó vẫn không suy chuyển ngay cả khi Smolov sút hỏng, bởi fan Nga nghĩ họ còn “đấng cứu thế” Igor Akinfeev. Trận trước với Tây Ban Nha, thủ môn này đẩy được tới 2 quả sút luân lưu của các ngôi sao cỡ lớn xứ đấu bò. “Igor, Igor!” – tiếng hô vang rền. Nhưng trong buổi tối kém may mắn, Igor thần thánh của họ chỉ đẩy được một quả, đội Nga thất trận trong trận đấu có thể nói là quan trọng nhất trong lịch sử của họ.

Cổ động viên ra về. Không khí trầm xuống nhưng có cái gì đó hơi giống về mặt tinh thần với CĐV Việt Nam sau trận chung kết U23 châu Á: Thua trận đấu nhưng không thất bại (tuy về độ cuồng nhiệt thì thua xa chúng ta). Vẫn có những tiếng hô “Nước Nga! Nước Nga!”, nhiều nhóm vừa đi vừa hát các bài ca yêu nước. Những người vừa đứng mấy tiếng đồng hồ (những người đi từ đầu như chúng tôi là hơn 8 tiếng) lại cuốc bộ mấy cây số về ga tàu điện ngầm, giờ xa hơn vì người ta đóng ga Vorobyovy do sợ quãng được đôi cây số đó quá ngắn không đủ để giãn đội hình mấy vạn người, không khéo ụp vào ga lại giẫm đạp lên nhau. Không thấy ai càu nhàu, không ai vứt cái gì xuống đường.
Thua trận đấu nhưng không thất bại
Chú lái tắc xi người Uzbekistan chở chúng tôi từ ga tàu điện ngầm cuối cùng về khách sạn lúc một rưỡi sáng cười ngất thổ lộ: “Tôi vừa thua độ mất một con cừu. Tôi cứ nghĩ là đội Nga lại thắng nên đã cược. Ở quê tôi, một con cừu là 8 nghìn rúp”. Mặc giá tắc xi vọt tăng gấp 3 lần vào giờ đó nhưng nhóm chúng tôi vẫn thưởng cho chú thêm đôi trăm rúp để vừa biểu dương tinh thần lạc quan vừa để góp chút gọi là  chia sẻ sự thua thiệt của chú do World Cup.

Sáng hôm sau, tôi hỏi chị bạn làm ở Nước Nga ngày nay: Chị xem báo Nga thấy tinh thần thế nào? Câu trả lời: “Nói chung là vẫn tự hào”.

Mátxcơva - Saint Peterbourg, 8/7

Trận Nga - Croatia bắt đầu. Tôi đứng cạnh một nhóm thanh niên Nga, trong đó có 3 cô gái khá thấp nhỏ. Họ cuồng nhiệt và khá thạo, thuộc tên các cầu thủ chứ không phải dạng gà mờ. Một cô reo hò không ngừng nghỉ suốt cả trận đấu (mà không khản giọng), kéo theo nhiều người chung quanh: “Nước Nga, tiến lên!” “Tiễn Croatia về nước!” “Sút đi!” “Cần bàn thắng!