Cuba lạc quan, sôi nổi thì hiện rõ ra tính cách rồi. Chỉ cần một điệu nhạc vang lên thì ai cũng có thể bị cuốn vào một điệu nhảy sôi động. Các nhà hàng, quán rượu ở khu phố cổ La Habana nhiều cái có nhóm nhạc nhảy của mình. Cũng có khi là các nhóm hát nhảy di động, ùa vào nhà hàng này khuấy động một lúc rồi lại kéo đi nhà hàng khác. Thường thì khách và các nghệ sĩ đường phố - hàng quán ấy hoà vào nhau trong một không khí vui nhộn, hỉ xả.
Xe cổ
Cái lãng mạn của La Habana được nhiều người biết đến nhất là xe cổ. Những chiếc xe có lẽ từ những năm 50 thế kỷ trước được chăm sóc, sơn sửa đủ màu non tươi từ xanh đỏ vàng lục lam chàm tím cơ bản cho đến các màu pha muôn hình vạn trạng. Nhìn những chiếc xe ấy, ta có thể phải thở dài nghĩ rằng thời của những thiết kế bay bổng lãng mạn đã qua lâu lắm rồi và may còn được bảo tồn ở hòn đảo giữa Caribe này. Những đường cong, những đường lượn của những chiếc xe cổ ấy gợi nhớ những cô gái thắt đáy lưng ong, áo mớ ba mớ bảy mỗi lớp một màu so với các nàng diện vét trước sau màn hình phẳng của các thiết kế xe thời hiện đại.
Người tận hưởng những chiếc xe lãng mạn đó là các du khách, thường là nước ngoài. Nhiều chiếc xe có mui trần và điều người ta thường thấy là các du khách mặt tươi như hoa hoặc vênh thượng lên chễm trệ trên những chiếc xe tuổi đời sáu - bảy mươi năm mà vẫn chạy tốt đó.
Thực sự thì tôi không dám tin là tất cả những chiếc xe cổ ấy vẫn dùng máy của Ford, của GMC, của Mercedes… hơn nửa thế kỷ trước. Có thể nhiều chiếc đã phải thay máy mới. Nhưng quả thật có nhiều chiếc tiếng máy nghe ra không phải tiếng máy của thời hiện đại.
Những chiếc xe lãng mạn cổ điển nhiều chiếc mui trần ấy đứng cạnh các toà nhà cổ thì khó có gì đẹp bằng. Và gì chứ nhà cổ thì La Habana rất sẵn.
Phải nói rằng La Habana của Cuba có kiến trúc thời thuộc địa rất đẹp. Chuyến đi này, tôi được đến 3 thủ đô, ngoài La Habana ra còn có Buenos Aires của Argentina và Montevideo của Uruguay. Argentina và Uruguay giờ “có điều kiện” hơn Cuba nhiều, nhưng về nhà cổ lưu lại từ thời là thuộc địa của Tây Ban Nha thì không đâu đẹp bằng Cuba, nếu cứ lấy toà nhà Capitolio trụ sở Quốc hội Cuba cũ và các toà quanh đó giờ được sử dụng làm khách sạn sang trọng như International, Gran Hotel Manzana … mà đối sánh. Điều này khẳng định nguồn tư liệu mà tôi từng đọc rằng di sản kiến trúc thuộc địa của Cuba đứng thứ nhất châu Mỹ La-tinh. Khu phố cổ ở La Habana, mà người địa phương gọi là Vieja rộng 156 héc ta có đến 3.000 ngôi nhà cổ (!), một phần ba trong số chúng có giá trị văn hoá, kiến trúc cao, thật là một di sản giàu có, vô giá. Nhà cửa trong khu phố cổ của La Habana nếu có đủ kinh phí mà bảo trì, tu bổ thì sẽ tuyệt đẹp.
Trong chuyến đi Cuba lần này, tôi cũng hoà vào cái chất lãng mạn đó. Một trong những bức ảnh nhờ bạn đồng hành chụp mà tôi thích là tôi đứng trước một chiếc xe ngựa chở khách được thiết kế tương đối cổ điển đang đi ngang qua, trên nền hậu cảnh là toà nhà tuyệt đẹp Capitolio màu trắng. Cũng khoái nữa là chỉ hai phút sau được tự tay chụp chính cái xe ngựa đó đỗ ngay sau một chiếc xe buýt du lịch hai tầng, mui trần hiện đại trên nền những toà nhà lớn xây đã mấy trăm năm, trông như những cung điện. Một sự kết hợp rất đặc trưng La Habana bây giờ.
Pháo đài cổ
Nằm giữa Caribe, án ngữ các con đường hàng hải quan trọng xưa kia nên Cuba liên tục là đối tượng xâm chiếm của các hạm đội đế quốc, đầu tiên là Tây Ban Nha, sau đó là Anh, Pháp, Mỹ. Rồi Cuba cũng là mảnh đất thèm muốn của những tên cướp biển khét tiếng vùng Caribe. Bởi vậy mà thực dân Tây Ban Nha xưa sau khi chiếm giữ Cuba từ năm 1510 phải dần xây dựng những công trình phòng thủ kiên cố ở những nơi hiểm yếu trên bờ biển. Trong chuyến đi này, tôi đến được hai trong số đó, những pháo đài còn ở tình trạng bảo tồn khá nguyên vẹn, điển hình cho nghệ thuật kiến trúc quân sự Tây Ban Nha các thế kỷ 16, 17, 18, 19 được UNESCO công nhận là di sản nhân loại.
Đó là hai pháo đài Castillo de la Real Fuerza ở La Habana và San Pedro de la Roca ở Santiago de Cuba - thành phố lớn thứ hai của Cuba.
Castillo de la Real Fuerza được xây dựng trên một mỏm đá nhọn như mỏ chim nhô ra cửa vịnh La Habana. Vì xây trên mỏm đá như vậy nên nó còn được gọi là El Morro, có nghĩa là tảng đá. Quả thật là vị trí của nó vô cùng hiểm yếu, bởi nó khống chế và đặt toàn bộ cửa vịnh trong tầm đại bác bắn đạn gang của các thế kỷ từ 16 trở đi.
Pháo đài này được xây dựng bắt đầu từ năm 1589. Những bức tường dày bằng đá dựng đứng, trên có trổ các lỗ châu mai để đại bác nhô nòng ra vô cùng lợi hại. Cho đến nay, các khẩu đại bác cổ xưa và các viên đạn gang tròn đó vẫn đang để trên pháo đài bất chấp mưa nắng và hiện trạng đã bị mục rỉ nhiều. Bên trong pháo đài là rất nhiều phòng, kho tàng với các lối đi, các cầu thang nội pháo đài đều lát đá. Pháo đài còn có một ngọn hải đăng gọi là Faro Castillo del Morro xây dựng năm 1846, một kiến trúc tạo thêm vẻ đẹp cho kiệt tác kiến trúc quân sự này. Hiểm yếu và kiên cố như vậy nhưng Castillo de la Real Fuerza vẫn bị hạm đội Anh đánh chiếm năm 1762 và được trả lại cho Tây Ban Nha 1 năm sau đó theo một hiệp định được ký giữa hai bên.
Pháo đài Castillo de la Real Fuerza được UNESCO công nhận là di sản nhân loại năm 1982. Một số phòng trong pháo đài giờ được dùng làm bảo tàng về lịch sử chiếm hữu Cuba của thực dân Tây Ban Nha xưa. Một số phòng khác thì bày bán đồ lưu niệm.
Pháo đài ở thành phố Santiago de Cuba cũng rất nổi tiếng, cũng án ngữ bờ biển và xây dựng trên vách đá như ở La Habana. Pháo đài này có tên San Pedro de la Roca là do người ra lệnh xây dựng pháo đài là Thống đốc thành phố Santiago de Cuba tên là Pedro de la Roca de Bojia. Ông đã đặt hàng kiến trúc sư Antonelli người Ý xây dựng pháo đài trên doi đất dốc án ngữ lối cửa biển ra vào thành phố để chống lại trước hết là hải tặc. Việc xây dựng thành luỹ của pháo đài trải qua nhiều giai đoạn, mất tổng cộng 62 năm từ 1638 đến năm 1700. Pháo đài này đã giúp Santiago de Cuba thoát nạn hải tặc và đứng vững trước 2 cuộc tiến công của các hạm đội Pháp và Mỹ.
Thực sự thì tôi không dám tin là tất cả những chiếc xe cổ ấy vẫn dùng máy của Ford, của GMC, của Mercedes… hơn nửa thế kỷ trước. Có thể nhiều chiếc đã phải thay máy mới. Nhưng quả thật có nhiều chiếc tiếng máy nghe ra không phải tiếng máy của thời hiện đại.
Kiến trúc và cách bố phòng, nhất là hệ thống đại bác chĩa nòng xuống vịnh biển ở đây cũng tương tự như pháo đài bên La Habana.
Toàn bộ công trình kiến trúc của pháo đài hiện vẫn đang ở tình trạng rất tốt và được UNESCO công nhận là di sản nhân loại vào năm 1997. Trong chuyến đi Cuba lần này, tôi đã đến cả hai pháo đài, ngẩn ngơ trước vị trí hiểm yếu và hùng vĩ của chúng trên vách cao bờ biển, đi trên các lối đi nội pháo đài, leo các cầu thang dốc, lang thang từ phòng này sang phòng khác, đứng trên tường thành, cạnh các khẩu đại bác đạn gang mấy trăm năm nay vẫn chĩa nòng xuống cửa biển, đầu hình dung mặt biển loang loáng nắng dưới kia từng tụ tập hàng đàn tàu chiến dữ dằn với những cờ xí buồm giong khi thì của cướp biển, khi thì của các hạm đội các đế quốc thời đi xâm chiếm thuộc địa. Hình dung đó cũng tạo ra cho du khách như tôi những cảm xúc lãng mạn, tuy có khác cảm xúc lãng mạn khi đứng bên những chiếc xe cổ đầy màu sắc của La Habana.