Kỹ năng tự vệ tránh tình cũ trả thù
> Khởi tố kẻ lột quần áo 'tình địch' đánh ghen
Hãy tỏ ra không xúc phạm hay khinh bỉ người tình đã chia tay, báo tình hình cho người thân và cơ quan công an...
Liên tiếp những thảm án liên quan đến trả thù tình gần đây khiến nhiều người đã, đang và sắp yêu không khỏi lo lắng. Thạc sĩ Lê Minh Công, Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Sông Phố, khuyên nếu bạn vừa dứt tình cũ lại có nguy cơ bị đe dọa, hãy nhớ:
1. Không xúc phạm, không tỏ ra khinh bỉ người kia
Khi một người trực tiếp đe dọa hay gửi tin nhắn đe dọa tới bạn thì mục đích ban đầu họ chỉ muốn đe dọa thôi. Trong mỗi lần nói chuyện (hay trả lời tin nhắn), nếu thấy diễn biến căng thẳng tăng dần lên, bạn cần xoa dịu bằng cách không sử dụng từ ngữ xúc phạm hay bày tỏ thái độ khinh bỉ, coi thường nhân cách và gia đình họ, đặc biệt với người mà bạn muốn chia tay hoặc người yêu bạn đơn phương. Việc xoa dịu để tránh đẩy họ vào trạng thái tự ái, kích động tiêu cực, mất kiểm soát.
2. Nhờ sự hỗ trợ của người thân, bạn bè
Khi bị đe dọa, bạn hãy kể cho người thân, bạn bè để được tư vấn và giúp đỡ. Thời gian này, nếu có việc phải ra ngoài, bạn không nên đi một mình mà hãy đi cùng một ai đó. Khi gặp gỡ, chuyện trò với người kia, bạn nên chọn điểm hẹn là chỗ đông người để họ khó có cơ hội ra tay.
Trong trường hợp cảm thấy bế tắc, bạn nên gọi điện hay trực tiếp đến các trung tâm tư vấn tâm lý để được tham vấn gỡ rối.
3. Tạm lánh đến nơi an toàn
Khi sự đe dọa trở nên căng thẳng, bạn nên tạm thời di chuyển chỗ một thời gian để chờ cho sự nóng giận cũng như kỳ vọng của người kia với mình nguội dần đi. Thông thường, thời gian sẽ giúp xoa dịu những cơn giận dữ cũng như làm mờ đi những kỳ vọng. Lúc ấy, bản thân người kia cũng sẽ cân bằng tâm lý trở lại.
Để tránh tình trạng này xảy ra, ngay từ ban đầu bạn không nên tạo quá nhiều kỳ vọng cho người mà bạn không yêu. Chẳng hạn, không yêu nhưng vẫn đi uống nước, trả lời e-mail ỡm ờ, nhận quà nhận hoa... khiến người kia hiểu nhầm bạn đã chấp nhận tình cảm của họ. Khi mối tình không được đáp trả, họ trở nên thất vọng, cảm giác như bị bỡn cợt. Người biết kiểm soát tốt bản thân sẽ vượt qua điều này dễ dàng hơn. Người có đời sống nội tâm bị tổn thương, stress tạm thời sẽ có phản ứng tiêu cực.
4. Không nên trang bị vũ khí
Nếu dư dả về kinh tế, bạn có thể thuê vệ sĩ nhưng không nên thuê xã hội đen để “giải quyết” hay dọa lại người đang đe dọa mình. Ngoài ra, bạn không nên tự trang bị vũ khí vì điều đó dễ làm bạn thay đổi từ nạn nhân trở thành người vi phạm pháp luật.
5. Báo công an
Bạn nên báo với nhà chức trách khi cảm thấy bị đe dọa đến sức khỏe, tính mạng. Nơi bạn có thể tố cáo là công an xã/phường, quận nơi mình thường trú (tạm trú), trường hợp khẩn cấp thì báo cho cảnh sát phản ứng nhanh (113).
Nếu nơi nhận đơn là công an phường (xã) thì đơn vị này có trách nhiệm xác minh nội dung tố cáo có đúng sự thật hay không. Sau đó, công an phường (xã) báo cáo cho đơn vị chức năng để có phương án bảo vệ người tố cáo. Theo Luật Tố tụng hình sự, sau khi nhận đơn tố giác tội phạm, đơn vị nhận đơn phải trả lời người tố cáo trong vòng 20 ngày, nếu vụ việc phức tạp thì không quá hai tháng.
Khi đến tố cáo tại công an phường, bạn cần cung cấp đầy đủ thông tin, chứng cứ để cơ quan công an xác định mức độ nghiêm trọng của vấn đề, từ đó có phương án phù hợp.
Cha mẹ, thầy cô nên dạy con kỹ năng sống
“Hiện nay chúng ta mới chỉ tập trung dạy tri thức cho trẻ để thi cử đỗ đạt mà chưa chú trọng đến việc dạy trẻ kỹ năng sống. Với kỹ năng phòng vệ, thường là những phản xạ không điều kiện như sờ vào nước thấy nóng thì rụt tay lại, thấy bụi thì nhắm mắt… Còn những kỹ năng của từng cá nhân khi phải đương đầu với những tình huống xã hội đang bị hổng rất nhiều. Ngày bé, khi bị bạn bè bắt nạt thì về mách cha mẹ, trong lớp mách cô giáo, lớn lên dựa vào đám đông. Muốn con bạn có khả năng tự vệ, nên dạy trẻ từ khi còn bé”, tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hồi Loan, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn khuyên.
Theo Gia Đình