'Ông già biển cả' và những chuyến tàu không số

Kỳ 1 : Thần tốc giải phóng Trường Sa

TP - Hàng trăm chuyến tàu không số viết nên một huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển. Cũng trên chuyến tàu không số đó, tháng 4 - 1975, một lực lượng đặc biệt tiếp tục đạp sóng làm nhiệm vụ trên Biển Đông, giải phóng quần đảo Trường Sa.
Những thế hệ kế tiếp của những chuyến tàu không số huyền thoại chuẩn bị lên đường. Ảnh: Đình Quân

Người chỉ huy lực lượng đặc biệt đó là “ông già biển cả” - Đại tá Phạm Duy Tam - nguyên Phó tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân, nguyên Thuyền trưởng tàu không số.

Thời khắc cấp bách, không thể lỡ mất thời cơ, thuyền trưởng, Đại tá Phạm Duy Tam, Đoàn 125, Tàu không số đường HCM trên biển nhận lệnh, đạp sóng gió suốt hành trình gần 500 hải lý để tiếp cận quần đảo, dũng cảm truy kích địch và giải phóng hoàn toàn quần đảo Trường Sa vào rạng sáng ngày 29-4-1975.

Thần tốc ra đảo

Trong căn nhà trên đường Triệu Việt Vương (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), Đại tá Phạm Duy Tam cẩn thận lấy từng bức ảnh về Trường Sa về các đồng đội được ông cất giữ cẩn thận như một báu vật.

Hơn 30 năm sau ngày đặt chân đến quần đảo Trường Sa bằng chuyến tàu không số đầu tiên, ông lại có dịp cùng đồng đội, những chiến sĩ hải quân năm xưa thăm lại vùng đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ở độ tuổi gần thất thập, đôi mắt vị Đại tá vẫn tinh anh, và ký ức tươi rói lần lượt hiện về …

“Ngày ra giải phóng Trường Sa, đảo còn thấp lè tè, chiều cao các đảo ở đây so với mặt nước biển chỉ khoảng 1,5m đến 4,5m. Ban ngày phát hiện đã khó, ban đêm lại càng khó hơn vì đảo không có điện, huống hồ lại phải phân biệt đảo do nước này hoặc đảo nước khác đang chiếm giữ trên một vùng biển mênh mông, rộng lớn… 

Thiết bị hàng hải dẫn đường cho tàu ta hồi đó quá thô sơ. Trên tàu chỉ có một la bàn chỉ hướng đi…”. “Đó là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn” - Đại tá Tam nhớ lại - “Nhưng thời khắc không thể chậm trễ, phải chớp lấy thời cơ  này, chúng tôi được chỉ đạo bí mật hành quân, nhanh chóng, bất ngờ đổ bộ giải phóng hoàn toàn các đảo do quân đội Sài Gòn đang chốt giữ. Chúng tôi ý thức nếu để mất thời cơ, để đối phương khác lợi dụng chiếm đóng mất đảo thì chính mình sẽ có tội với tổ tiên, cha ông và muôn đời con cháu mai sau”.

Từ phải qua: Đại tá Phạm Duy Tam, Nguyễn Văn Đức và Nguyễn Xuân Thơm (các thuyền trưởng tàu không số khác) trong một lần thăm Lăng Bác (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Hai tuần sau ngày Đà Nẵng giải phóng (29-3-1975), theo lệnh của chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một biên đội tàu cá giả dạng (tàu không số) do Đại tá Tam làm biên đội trưởng cấp tốc từ Hải Phòng vào căn cứ Hải quân của quân đội chính quyền cũ để lại cạnh cảng Tiên Sa (Đà Nẵng, lúc đó là nơi đặt sở chỉ huy của một đơn vị thuộc Quân chủng Hải quân Nhân dân Việt Nam) để làm nhiệm vụ đánh chiếm Trường Sa. Đây là mũi tiến công trên hướng biển do các đoàn tàu không số (Đoàn 125) phối hợp với lực lượng đặc công nước và Sư đoàn 2 bộ binh, Quân khu 5.

Đúng 4 giờ ngày 11-4-1975, biên đội ba tàu do Đại tá Phạm Duy Tam- thuyền trưởng tàu 675 cùng hai tàu cá giả dạng của đoàn tàu không số do các đồng chí Nguyễn Xuân Thơm - thuyền trưởng tàu 673 và Nguyễn Văn Đức - thuyền trưởng tàu 674 tiếp nhận và chở các lực lượng, phương tiện, vũ khí khẩn tốc hành quân thẳng hướng đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa.

“Biển sóng to, gió lớn trong khi tàu khá nhỏ, chúng tôi mở hết công suất máy. Rồi một chiếc bị hư máy, cả biên đội cùng tập hợp để kéo nhau trên biển. Khó khăn hơn, chúng tôi không thể liên lạc được với sở chỉ huy của Quân chủng đang đóng ở cảng Tiên Sa - Đà Nẵng. Lúc này chỉ có thể đi bằng kinh nghiệm, quyết tâm và ý chí cao. Sau 3 ngày đêm hành quân liên tục vượt gần 500 hải lý (gần 1.000km) chúng tôi đã phát hiện được đảo Song Tử Tây” - Đại tá Tam kể lại.

Đại tá Phạm Duy Tam tại Trường Sa (ảnh NV cung cấp)

Rưng rưng kéo cờ giải phóng

Hai tàu 674 và 675 án ngữ phía Bắc cách đảo 15 hải lý đề phòng đối phương từ phía Bắc xuống và nghi binh hai tàu chiến của đối phương đang lởn vởn ở khu vực đảo Nam Yết. Tàu của Đại tá Tam bí mật tiếp cận gần mép san hô của đảo thả các xuồng cao su loại nhỏ, lần lượt chở 40 đặc công nước do đồng chí Nguyễn Ngọc Quế - Đội trưởng đội 1 - Đoàn 126 chỉ huy đổ bộ lên đánh chiếm đảo.

“Nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, cấp trên giao cho toàn biên đội lúc này  phải phát hiện và phân biệt các đảo do quân đội Sài Gòn chốt giữ vào khoảng 2 đến 3 giờ sáng, đặc biệt tuyệt đối không đánh nhầm vào các đảo do Philippines và Đài Loan đang chiếm giữ.

Chúng tôi phát hiện Quân đội Sài Gòn chiếm giữ 6 đảo nổi của Trường Sa. Trong đó đảo Nam Yết là sở chỉ huy với lực lượng lên đến 60 lính, đảo Song Tử Tây, đảo Trường Sa lớn đều có 40 lính, các đảo Sơn Ca, Sinh Tồn, An Bang có 20 lính… Phần lớn các đảo đều rất ít cây cối, trống trải rất khó phân biệt”.

Thời điểm đó chỉ có những đồng chí trên tàu không số mới có thể độc lập ra được quần đảo Trường Sa. Họ phải là những thuyền trưởng dày dặn kinh nghiệm trên biển, được thử thách qua những năm tháng vận chuyển vũ khí, bộ đội vào các bến bãi trên dọc bờ biển miền Nam Việt Nam bằng con đường Hồ Chí Minh trên biển.

Ngày 14-4-1975, đúng 4 giờ 30 phút, ta bất ngờ nổ súng. Sau 15 phút chiến đấu, ta hạ 7 tên ngoan cố, bắt sống 33 tên, giải phóng hoàn toàn đảo Song Tử Tây. Ngay trong đêm đó, Đại tá Tam tiếp tục chỉ huy tàu khẩn tốc chở tù binh từ đảo Song Tử Tây về Đà Nẵng để bàn giao cho Ban quân quản Đà Nẵng an toàn.

Chục ngày sau, tàu 641 của Đoàn 125 tàu không số, chở phân đội đặc công nước do đồng chí Đỗ Viết Cường - Đội phó đội 1 - Đoàn 126 đổ bộ đánh chiếm đảo Sơn Ca. Sau ít phút nổ súng, ta giải phóng, đảo bắt sống 17 lính.

Lúc này trên đất liền quân ta liên tục tấn công và thắng lớn. Quân đội Sài Gòn càng hoang mang, không thể cố thủ các đảo còn lại ở quần đảo Trường Sa. Ta tiếp tục sử dụng 2 tàu chiến đang ở khu vực đảo Nam Yết bốc toàn bộ quân của bốn đảo, chớp thời cơ, thừa thắng xông lên đổ bộ giải phóng các đảo còn lại. Tàu ta nhanh chóng đưa lực lượng của Trung đoàn 2, Sư đoàn 2 bộ binh Quân khu 5 từ căn cứ hải quân thần tốc ra tiếp quản, chốt giữ các đảo.

Đúng 2 giờ sáng ngày 29-4-1975 trên hướng tiến công đường biển ta đã kéo cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, giải phóng 6 đảo thuộc quần đảo Trường Sa do chính quyền Sài Gòn chốt giữ.

“Đến giờ nhắc lại, ai trong chúng tôi cũng rưng rưng, bồi hồi xúc động. Nhìn những lá cờ tổ quốc tung bay trên các đảo, chúng tôi ôm chầm lấy nhau, vui và òa khóc trong giờ khắc thiêng liêng quá lớn. Trường Sa là chủ quyền, máu thịt của Việt Nam và mãi mãi như thế”- Đại tá Tam kể bằng cả ánh mắt, giọng nói rắn rỏi.

Chính thắng lợi trên mặt trận biển Đông, giải phóng Trường Sa góp phần quan trọng vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, hòa vào chiến công chung của quân và dân cả nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. 

Chúng tôi hiểu rằng mỗi lần ra  đó là một lần nguy hiểm nhưng ai cũng thanh thản đón nhận nó.

Kỳ cuối: Huyền thoại đường HCM trên biển