Đề xuất đưa ra khỏi danh mục 14 hàng hóa, dịch vụ
Chiều 19/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Giá (sửa đổi). Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, qua rà soát, đề xuất đưa ra khỏi danh mục 14 hàng hóa, dịch vụ không phù hợp với 4 tiêu chí xác định hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá đã đề ra và thực hiện theo cơ chế giá thị trường.
Trong đó có dịch vụ hỗ trợ bảo đảm hoạt động bay, dịch vụ soi chiếu an ninh; Dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán do các tổ chức cung ứng dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán cung cấp (trừ dịch vụ do nhà nước cung cấp); Thuốc lá điếu sản xuất trong nước; Nhà ở xã hội do cá nhân, hộ gia đình đầu tư, xây dựng.
Bên cạnh đó, Chính phủ đề nghị bổ sung 2 mặt hàng, trong đó có sách giáo khoa. Theo ông Phớc, đây là mặt hàng có thị trường cạnh tranh hạn chế, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Mặt hàng này được Bộ GD&ĐT đề nghị bổ sung vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá.
“Tại Nghị quyết kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV đã thống nhất, yêu cầu bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá khi sửa đổi Luật giá. Việc định giá mặt hàng này sẽ giao cho Bộ GD&ĐT định giá cụ thể”, ông Phớc nói.
Thứ hai là hàng hóa, dịch vụ phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các đơn vị, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh sản xuất. Mặt hàng này do Bộ Quốc phòng đề nghị bổ sung vào Danh mục vì thuộc trường hợp Nhà nước độc quyền sản xuất, kinh doanh. Theo đánh giá của Bộ Quốc phòng việc bổ sung là rất cần thiết để triển khai nhiệm vụ trong thực tiễn.
Về Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, dự thảo Luật bỏ quy định về danh mục hàng hóa, dịch vụ cụ thể mà quy định tại Dự thảo nghị định. Theo đó tại Dự thảo Nghị định kèm theo, Chính phủ dự kiến có 7 hàng hóa, dịch vụ sẽ thực hiện bình ổn giá, gồm: xăng, dầu thành phẩm; sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, thuốc phòng bệnh, chữa bệnh và một số loại trang thiết bị, vật tư y tế (bao gồm cả kit xét nghiệm COVID - 19).
“Một số loại” là chủng loại gì?
Thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban đề nghị quy định cụ thể trong Luật nội dung này. Đồng thời rà soát, cân nhắc thận trọng đối với từng hàng hóa, dịch vụ đã đưa vào danh mục, đã loại bỏ và chưa đưa vào danh mục để bảo đảm tính bao quát, tính hợp lý, tính dự báo cao.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị xem xét lại việc quy định “Một số loại trang thiết bị, vật tư y tế (bao gồm cả kit xét nghiệm COVID-19)” vì quy định trên là rộng và mơ hồ, “một số loại” là chủng loại gì?
“Việc quy định trong Luật kit xét nghiệm COVID-19 là chưa hợp lý vì đây là loại sử dụng trong thời điểm nhất định; trong tương lai sẽ có thể phát sinh nhiều chủng mới. Do đó, để tránh vướng mắc phát sinh, không phù hợp với thực tế, cần sửa đổi theo hướng bao quát, chuẩn xác hơn”, ông Cường nêu.
Đối với giá sách giáo khoa, đây là mặt hàng thiết yếu, có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, tác động trực tiếp đến người dân, trong đó có người thu nhập thấp. Vì vậy, cơ quan thẩm tra cho rằng, cần thiết phải kiểm soát, khống chế giá để bảo đảm không tác động tiêu cực đến người tiêu dùng.
Tuy nhiên, hiện nay có nhiều đơn vị được phép phát hành sách, thị trường có tính cạnh tranh. Do vậy, Thường trực Ủy ban đề nghị Nhà nước quy định giá bán tối đa; không ấn định giá, để các đơn vị phát hành sách quyết định giá bán cụ thể nhằm tạo tính cạnh tranh, góp phần hạ giá bán, bảo đảm và quyền lợi của người dân.
Về Quỹ bình ổn giá xăng dầu, đa số ý kiến thẩm tra tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc cần thiết phải duy trì. Lý do, trong bối cảnh hiện nay, khi thị trường xăng dầu của Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường, còn có sự điều hành của Nhà nước, khi quản lý điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước vẫn thông qua giá cơ sở thì việc bỏ Quỹ hiện tại là chưa phù hợp.
Tuy nhiên, các ý kiến cũng đề nghị việc duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu nên có thời hạn và thời điểm; và việc điều hành đòi hỏi linh hoạt hơn nữa, cần tăng cường trách nhiệm quản lý; tính công khai, minh bạch; có cơ chế giám sát chặt chẽ nhằm bảo đảm hiệu quả sử dụng, đúng ý nghĩa thực tế.