Kỷ niệm 94 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2019)

Kinh tế báo chí đi theo hướng nào?

TP - Ông Lê Quốc Minh, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam dành cho PV Tiền Phong cuộc trao đổi xoay quanh câu chuyện phát triển kinh tế báo chí tại các cơ quan báo hiện nay. Ông Lê Quốc Minh cho biết:
Cơ quan báo chí, truyền thông đang bị cạnh tranh bất bình đẳng Ảnh: Minh Châu

Báo chí dựa khá nhiều vào quảng cáo để tồn tại, dù là báo in hay phát thanh, truyền hình, và trước đây khoản doanh thu từ quảng cáo có thể chiếm đến 85-90%. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, doanh thu quảng cáo trên báo in sụt giảm nghiêm trọng, truyền hình cũng đang gặp nhiều khó khăn, còn quảng cáo trên phát thanh vốn ít ỏi từ lâu. Người ta đặt nhiều kỳ vọng vào báo điện tử, nhưng thực tế cho thấy nguồn thu quảng cáo từ nền tảng kỹ thuật số cho dù tăng lên thì vẫn quá nhỏ, không thể bù đắp phần mất đi từ báo in.   

Tình hình còn tệ hơn khi quảng cáo hiển thị (display ads) không được ưa chuộng bởi ngày càng nhiều người sử dụng các ứng dụng chặn quảng cáo trên website và phiên bản di động. Các nhà xuất bản tin tức quốc tế đang phải tìm kiếm nhiều nguồn thu khác, cả liên quan đến báo chí lẫn những hoạt động phi báo chí. Tuy nhiên ở Việt Nam, đa phần các cơ quan báo chí vẫn chỉ trông cậy vào nguồn thu duy nhất là quảng cáo, và rõ ràng tình hình đang rất đáng lo ngại. Các báo cáo cho thấy một bức tranh không mấy sáng sủa đối với các cơ quan báo in, phát thanh-truyền hình và cả báo điện tử.

Tại Việt Nam, doanh thu quảng cáo của các cơ quan báo chí trong nước thực tế đang rất “lép vế” so với Google, Facebook, YouTube... Ông có bình luận gì về vấn đề này?

 Đa phần khoản tiền quảng cáo được chi cho tìm kiếm (Google), hiển thị trên mạng xã hội (Facebook) và video (chi phối bởi YouTube, cũng thuộc Google). Tổng cộng, Google và Facebook bỏ túi gần 58% chi phí quảng cáo digital toàn cầu trong năm 2018, Amazon đứng thứ 3 với khoảng 4%. 

Vậy là các công ty khác, trong đó có cả những tờ báo có phiên bản điện tử và các nhà xuất bản tin tức digital, chỉ còn khoảng 38% để tranh đua với nhau. Hãng nghiên cứu eMarketer ước tính thị phần của bộ đôi quyền lực Google-Facebook sẽ tăng trưởng với tỷ lệ 75% trong giai đoạn từ 2017 đến 2020, so với mức tăng chỉ 15% của các cơ quan báo chí digital. 

Ông Lê Quốc Minh, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam

Theo một vài nguồn tin, doanh thu quảng cáo trực tuyến của Việt Nam năm 2010 khoảng 26 triệu USD, trong đó tỷ lệ mà Google chiếm giữ rất nhỏ còn Facebook gần như không có gì. Đến năm 2018, tổng doanh thu trực tuyến tại Việt Nam đạt tới 550 triệu USD, và Facebook cùng Google bỏ túi tới 387 triệu USD, chiếm gần hết số doanh thu này. Dự báo hết năm 2019, tổng doanh thu ngành quảng cáo trực tuyến sẽ tăng lên khoảng 630 triệu USD, và doanh thu tương ứng của Facebook và Google tăng lên theo, tổng cộng khoảng 450 triệu USD. Trong khi đó, tỷ lệ cơ quan báo chí được hưởng doanh thu từ quảng cáo trực tuyến giảm xuống 31% năm 2018 và tiếp tục giảm xuống 29% năm 2019 so với 81% của 2010.

Việc doanh nghiệp và cá nhân đổ quảng cáo lên các nền tảng Google, Facebook là một xu hướng không thể tránh khỏi và khó có thể đảo ngược bởi khả năng tiếp cận lượng người dùng quá lớn, chi phí linh hoạt và hoàn toàn tự động.

Theo ông, trước những khó khăn như vậy, báo chí cần làm gì để phát triển kinh tế báo chí đúng hướng, lành mạnh?

Khoảng 5-6 năm trở lại đây, các báo lớn trên thế giới quay sang hướng thu phí đọc báo điện tử, cách làm mà những tờ như Wall Street Journal, Financial Times, New York Times đã thực hiện từ lâu. Ngay cả Washington Post, vốn chủ trương tiếp tục cung cấp nội dung miễn phí sau khi về tay ông chủ Jeff Bezos, rốt cục cũng đã dựng tường thu phí vào năm ngoái. New York Times là trường hợp cực kỳ thành công khi đạt 4,5 triệu người trả tiền (cả báo in và digital) tính đến hết quý 1/2019, doanh thu từ độc giả chiếm đến 2/3 tổng doanh thu của tập đoàn này, trong đó riêng doanh thu từ trả phí digital chiếm 25% tổng doanh thu. Theo nghiên cứu của Viện Báo chí Reuters, có hơn một nửa số cơ quan báo chí lớn trên thế giới (52%) sẽ tập trung vào mô hình thu phí đọc báo và phí hội viên. Dự kiến đây sẽ là nguồn doanh thu chính của các cơ quan báo chí trong năm 2019.

Thế giới thì vậy nhưng các cơ quan báo chí Việt Nam về cơ bản vẫn “kiên định” với con đường tìm doanh thu quảng cáo. Cho đến giờ, báo điện tử VietnamPlus của TTXVN vẫn là cơ quan báo chí đầu tiên và duy nhất có dịch vụ thu phí đọc báo điện tử, vốn được khai trương chính thức đúng 1 năm trước, vào ngày 20/6/2018, sau thời gian dài thử nghiệm kể từ năm 2012. Cũng có một số lãnh đạo cơ quan báo chí thăm dò xu hướng này nhưng mới dừng ở mức tìm hiểu sơ bộ chứ chưa có kế hoạch cụ thể nào.

Cảm ơn ông.


“Ngoài phương án thu phí và quảng cáo thì nhiều cơ quan báo chí nước ngoài hiện nay cũng nỗ lực đa dạng hóa nguồn thu. Trong cuốn Báo cáo Sáng tạo Báo chí của FIPP mà TTXVN mua bản quyền phiên bản tiếng Việt, dự kiến phát hành đầu tháng 7 tới, các tác giả đã nêu lên hơn 10 cách thức tạo nguồn thu, chẳng hạn như tổ chức sự kiện, cung cấp dịch vụ quảng cáo hoặc dịch vụ công nghệ thông tin, thậm chí tham gia vào hoạt động thương mại điện tử hoặc cấp phép sản phẩm”. 

Ông Lê Quốc Minh, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam