Thanh tra diện rộng về quản lý đầu tư từ nguồn vốn ngân sách:

Kiến nghị xử lý tài chính gần 8.000 tỷ đồng

TP - Qua thanh, kiểm tra việc lập, thẩm định, phê duyệt và phân bổ, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, các cơ quan thanh tra đã kiến nghị xử lý sai phạm về kinh tế tổng số tiền gần 8.000 tỷ đồng; có hình thức kỷ luật đối với 240 tập thể và 197 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra một vụ việc.

Thông tin trên được Thanh tra Chính phủ (TTCP) công bố sau khi tổng hợp báo cáo của các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về kết quả thanh tra chuyên đề diện rộng về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ. 

 

Khẳng định việc huy động và sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ đã có đóng góp quan trọng vào việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo môi trường thuận lợi, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân, tuy nhiên, TTCP cũng cho rằng còn nhiều vấn đề tồn tại gây ảnh hưởng xấu đến an toàn nợ công và tăng trưởng kinh tế bền vững. Điển hình, do phân cấp rộng lại thiếu các biện pháp quản lý đồng bộ dẫn tới tình trạng phê duyệt quá nhiều dự án vượt khả năng cân đối vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ, hiệu quả đầu tư kém, gây phân tán, lãng phí nguồn lực, phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản… 

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc lập, thẩm định, phê duyệt và phân bổ, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, 15 bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập 740 đoàn thanh tra 12.990 dự án, kiểm tra 194 dự án với tổng mức đầu tư 502.202 tỷ đồng. 

Kết quả thanh tra xác định những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, vi phạm chủ yếu: một số bộ, ngành và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa tập trung thanh tra các dự án có tổng mức đầu tư lớn; chưa tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, công tác quản lý chất lượng công trình; công tác chuẩn bị đầu tư chất lượng còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu; thiếu các quy định cụ thể và các chế tài xử lý vi phạm, chưa xây dựng được các giải pháp kiểm soát chặt chẽ dẫn đến tình trạng phê duyệt nhiều dự án với tổng mức đầu tư cao gấp nhiều lần so với nguồn vốn do cấp mình quản lý...

Trong đó, có thể kể đến một số vi phạm cụ thể như: Có bộ có tới 12 dự án chưa có trong quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và có 9 dự án không nằm trong quy hoạch nhưng vẫn được phê duyệt, triển khai thi công với tổng mức đầu tư là 14.638 tỷ đồng, gây nợ đọng 673 tỷ đồng. Cá biệt, một số dự án thiết kế xong không sử dụng, có dự án do thiết kế không sử dụng được phải thay đổi hoàn toàn gây lãng phí hơn 60 tỷ đồng. 

Còn cơ quan thanh tra các tỉnh, thành phố phát hiện các sai phạm về lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh dự án tại 789 dự án với tổng số tiền sai phạm 280 tỷ đồng; sai phạm về lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư tại 272 dự án với tổng số tiền sai phạm trên 248 tỷ đồng...

Từ kết quả thanh tra 12.990 dự án, kiểm tra 194 dự án nêu trên, các cơ quan chức năng đã kiến nghị xử lý về kinh tế tổng số tiền 7.953 tỷ đồng; trong đó thu hồi về ngân sách 1.246 tỷ đồng; giảm trừ khi thanh quyết toán là 1.554 tỷ đồng; xử lý khác 5.153 tỷ đồng. Cơ quan thanh tra cũng kiến nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm và có hình thức kỷ luật 240 tập thể và 197 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 1 vụ việc.