HĐND thành phố Hà Nội vừa có báo cáo về kết quả giám sát liên quan công tác quy hoạch trên địa bàn thành phố. Theo báo cáo, liên quan quy hoạch phân khu đô thị trung tâm (cấp 2), thành phố đã lập và phê duyệt 36/38 đồ án, gồm 3 đồ án do Bộ Xây dựng tổ chức lập, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (quy mô khoảng 983,4ha, 33 đồ án do thành phố lập, phê duyệt với tổng diện tích khoảng 62.261,7 ha. Còn lại 2 đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống (tổng diện tích khoảng 12.665ha) đang triển khai. "2 quy hoạch này đã có ý kiến của Bộ Xây dựng và Bộ NN&PTNT, UBND thành phố đang tiếp thu hoàn thiện để phê duyệt", báo cáo nêu.
“Đối với Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, đề xuất giữ lại đối với 2 khu vực dân cư hiện hữu sinh sống ổn định từ lâu ngoài bãi sông Hồng gồm: Khu vực ngoài bãi tổ 27 phường Ngọc Lâm; Khu vực ngoài bãi Tổ 4, phường Cự Khối có diện tích đất khoảng 17,4 ha"-(Quận Long Biên đề xuất)
Về quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh (cấp 3), báo cáo cho biết, thành phố đã triển khai lập 31/31 quy hoạch phân khu thuộc 5 đô thị vệ tinh. Bộ Xây dựng đã có ý kiến đối với 6 đồ án (3 đồ án thuộc quy hoạch phân khu đô thị Xuân Mai và 3 đồ án thuộc quy hoạch phân khu đô thị Phú Xuyên). Hiện các quy hoạch này đang được tổ chức thực hiện. Theo đánh giá, công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị còn bất cập, thiếu đồng bộ, tiến độ thực hiện một số đồ án quy hoạch còn chậm, đặc biệt là quy hoạch các đô thị vệ tinh.
Đến nay, 2 quy hoạch phân khu đô thị trung tâm chưa được phê duyệt gồm quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống do chịu ảnh hưởng bởi quy hoạch phòng, chống lũ; luật số 35/2018/QH14 quy định không còn quy hoạch chi tiết các tuyến sông có đê mà tích hợp phương án phòng, chống lũ trong Quy hoạch Thủ đô. Cùng với đó, 31 quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh và 14 quy hoạch vùng huyện (là điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng huyện đã được phê duyệt do thực hiện theo Luật Xây dựng 2014) đang trong giai đoạn lập, thẩm định, phê duyệt, tác động không nhỏ đến thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị, quản lý trật tự xây dựng của các địa phương do còn thiếu sự đồng bộ giữa các quy hoạch.
Các kiến nghị cụ thể
Trong kiến nghị với đoàn giám sát, các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Long Biên, Gia Lâm đồng loạt đề nghị UBND thành phố sớm phê duyệt Quy hoạch phân khu sông Hồng làm cơ sở cấp phép xây dựng, cải tạo, sửa chữa công trình, đáp ứng nhu cầu của người dân.
“Đề nghị UBND thành phố có hướng dẫn cụ thể về quy mô công trình xây dựng tại khu vực bãi ven sông (phường Chương Dương và Phúc Tân) trong giai đoạn hiện nay để giải quyết dân sinh bức xúc và quản lý tốt quy hoạch kiến trúc đô thị và trật tự xây dựng”, quận Hoàn Kiếm kiến nghị.
Quận Long Biên cũng đề nghị UBND thành phố đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh Quy hoạch phân khu đô thị N10; lập và phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống để giải quyết khó khăn cho nhân dân trong công tác xây dựng nhà ở, tạo thuận lợi cho công tác quản lý và khai thác hiệu quả quỹ đất vùng bãi. Trong đó, xem xét giải quyết các bất cập về quy hoạch, điều chỉnh các chỉ tiêu về quy hoạch kiến trúc như quy mô dân số, tầng cao, chức năng sử dụng đất cho phù hợp với điều kiện thực tiễn và định hướng phát triển đô thị của quận.
Đối với quy hoạch phân khu đô thị sông Đuống, quận Long Biên đề nghị tại khu vực quy hoạch cảng Giang Biên cần nghiên cứu khu đất làng xóm để phục vụ tái định cư tại chỗ cho khu vực dân cư phải di dời và khu đất công cộng để phát triển thương mại; Quy hoạch đường ven sông Đuống theo quy hoạch đường ven sông Hồng của Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng.
Trong khi đó, huyện Đan Phượng nêu vấn đề, thành phố đang nghiên cứu quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng có ranh giới từ cầu Mễ Sở đến cầu Hồng Hà, đề nghị nghiên cứu bổ sung quy hoạch phân khu sông Hồng từ cầu Hồng Hà đến Phúc Thọ (khoảng 1.729ha) để phát huy tối đa nguồn tài nguyên đất, phát triển hài hoà bãi sông Hồng phía Tây Vành đai 4 phù hợp định hướng bãi sông phía Đông Vành đai 4.