Hầu hết các gói thầu phải điều chỉnh
Theo nguồn tin của Tiền Phong, KTNN đã hoàn tất kiểm toán hoạt động hợp phần xe buýt nhanh khối lượng lớn thuộc dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội (hợp phần BRT). Theo kết luận kiểm toán, việc xác định phương án tuyến BRT ban đầu chưa phù hợp, dẫn đến mất nhiều thời gian nghiên cứu, điều chỉnh. Bên cạnh đó chưa phân tích, đánh giá đầy đủ về thực trạng giao thông trên tuyến khi điều chỉnh tuyến và chưa dự báo lưu lượng tham gia giao thông trên tuyến trong tương lai khi đánh giá tính khả thi đối với việc đưa BRT vào hoạt động.
Theo KTNN, thực tế cho thấy, lưu lượng giao thông trên tuyến BRT hiện tại rất lớn, có nhiều điểm giao cắt, nguy cơ ùn tắc cao, khó bố trí làm đường riêng và khó đưa các giải pháp giảm thiểu xung đột tại các nút giao cắt. Đơn vị kiểm toán cũng chỉ rõ, quá trình thực hiện các hạng mục, gói thầu còn thiếu đồng bộ, không nhất quán, chậm tiến độ và kéo dài thời gian thực hiện.
Đáng lưu ý là tình trạng hầu hết các gói thầu phải điều chỉnh thiết kế kỹ thuật, bổ sung dự toán nhiều lần. Do không đảm bảo hoàn thành toàn bộ các gói thầu trước thời điểm hết hạn Hiệp định tài trợ, dẫn đến khi đưa hệ thống BRT vào vận hành vào cuối năm 2016 không thể đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn của BRT, khó đạt được mục tiêu đề ra là góp phần giảm ùn tắc giao thông, thậm chí có nguy cơ làm gia tăng tình trạng ùn tắc.
Thừa xe công vẫn mua sắm thêm
Theo kết luận kiểm toán năm 2016 về việc mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công, sau khi rà soát có 2.334 xe dôi dư, tuy nhiên đến ngày 8/3/2017 mới chỉ có 23/28 bộ, cơ quan trung ương và 19/50 địa phương báo cáo về Bộ Tài chính phương án xử lý.
Thậm chí theo kiểm toán, một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương còn tình trạng xe dôi dư so với định mức, chưa hoàn thành việc rà soát, sắp xếp về Bộ Tài chính song vẫn mua sắm thêm xe phục vụ công tác và xe chuyên dùng, điển hình là Bộ Ngoại giao, TPHCM, Bình Thuận, Bình Dương, Quảng Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu.
Bên cạnh đó, việc thanh lý xe ô tô cũng chưa đảm bảo điều kiện về thời gian sử dụng được thanh lý theo quy định tại 2 bộ và 4 địa phương là Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT, tỉnh Điện Biên, Đồng Nai, Bình Thuận, thành phố Cần Thơ.
KTNN đề nghị kiểm điểm xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với các khuyết điểm, sai phạm được nêu trong từng báo cáo kiểm toán.