Cuộc bầu cử cuối cùng diễn ra vào đầu tháng 9 tới. Người chiến thắng sẽ tiếp quản căn nhà số 10? phố Downing thay ông David Cameron và đi vào lịch sử Vương quốc Anh khi trở thành nữ thủ tướng đầu tiên sau thời kỳ của “bà đầm thép” Margaret Thatcher (từ 1979 – 1990).
Nhiệm vụ trước mắt của tân thủ tướng Anh là giải quyết việc đưa Anh ra khỏi EU sau 43 năm gắn bó (Brexit). Hai ứng viên tuy có quan điểm trái ngược nhau về Brexit (bà May ủng hộ Anh ở lại EU, bà Leadsom đại diện cho phe Brexit), nhưng như lời Bộ trưởng Nội vụ, trong bất cứ hoàn cảnh nào, chính phủ mới đều phải tôn trọng ý kiến của cử tri Anh, không tổ chức trưng cầu dân ý lần 2.
Anh đang phải chịu sức ép rất lớn khi các nhà lãnh đạo châu Âu yêu cầu sớm đàm phán ra khỏi EU nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của Brexit, nhưng London cũng không muốn thua thiệt trên bàn đàm phán. Vấn đề đặt ra là: Khi nào Anh có thể kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon - quy định thủ tục đưa một nước thành viên ra khỏi EU? Nói như Ngoại trưởng Philip Hammond: “Để đạt thỏa thuận tốt nhất cho việc tiếp cận thị trường chung EU và giới hạn tự do đi lại giữa Anh - EU, Anh cần một bàn tay vững vàng, có thần kinh thép”.
Bà May cho biết không kích hoạt trước cuối năm nay vì cần thời gian để củng cố lập trường đàm phán. Bà Leadsom khẳng định sẽ ngay lập tức bấm nút nếu được bầu làm thủ tướng Anh.
Bộ trưởng Nội vụ hiện được đánh giá phù hợp để lãnh đạo nước Anh sau cuộc trưng cầu “nhiều cảm tính mà ít lý tính”, bởi bà có khả năng dung hòa sự chia rẽ trong chính giới Anh sau Brexit. Mặc dù ủng hộ ở lại EU nhưng bà May vẫn nhận được cảm tình của phe Brexit. Ngoài ra, bản lĩnh và kinh nghiệm của người giữ chức Bộ trưởng Nội vụ lâu đời nhất nước Anh trong hơn 100 năm qua, rất cần thiết để bảo vệ lợi ích của Anh trong thời điểm thách thức này.
Tuy nhiên, trước kích hoạt Điều 50, bà May, hay Leadsom, trước hết phải khôi phục tính đoàn kết trong đảng vốn sứt mẻ sau Brexit, như tuyên bố của bà May hôm 7/7: “Điều tối quan trọng của đảng là đoàn kết. Chúng ta không phải là người rời đi hay người ở lại, chúng ta là những thành viên đảng Bảo thủ trong chính phủ với công việc phải làm”.