Kịch bản nước ngoài - cú hích cho thành công phim Việt?

TPO - Không chỉ “Người phán xử”, “Sống chung với mẹ chồng” làm mưa làm gió thời gian qua, phim truyền hình “Cả một đời ân oán” chuẩn bị lên sóng từ 13/12 cũng mua kịch bản nước ngoài. NSƯT, đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình (VFC) chia sẻ xung quanh câu chuyện Việt hoá kịch bản truyền hình.
Sau "Người phán xử", "Sống chung với mẹ chồng", "Cả một đời ân oán" có kịch bản Việt hoá

Một loạt phim truyền hình ấn tượng thời gian qua do VFC sản xuất đều đến từ nguồn kịch bản nước ngoài, phải chăng các nhà làm phim nội cạn vốn?
Không hoàn toàn như vậy. Nếu nhìn qua thì năm 2017 có vẻ hơi nhiều kịch bản Việt hoá chiếm 40% phim VFC, tuy nhiên các năm trước ít hơn rất nhiều.

Nhiều quốc gia khác cũng quan tâm tới câu chuyện mang tính khu vực. Việc chia sẻ bản quyền, câu chuyện phim rất phổ biến. Vì vậy hàng năm đều có nhiều hội chợ phim tại các quốc gia và vùng lãnh thổ có uy tín như Hong Kong, Trung Quốc, Singapore… Họ đang chia sẻ bản quyền với nhau. Đó là xu thế rất bình thường. Hiện nay nhà sản xuất Colombia sang làm việc với chúng tôi để mua một số kịch bản Việt đã làm.

VFC cũng là đơn vị làm phim truyền hình, đề tài và câu chuyện gắn với đời sống Việt Nam với tâm sinh lí người Việt vô cùng quan trọng, bên cạnh đó nếu mình làm phim của quốc gia nào đó, về các nhân vật sống ở đất nước khác là chuyện bình thường. Giữa tháng 12 chúng tôi chính thức phát động cuộc thi viết kịch bản phim truyền hình Việt.

Ngoài mong muốn có kịch bản chất lượng, đó cũng là cú hích để chúng tôi tạo ra cơ hội và sự tham gia cộng hưởng của nhiều người viết kịch bản chuyên nghiệp và không chuyên. Điều này góp phần tạo nên nguồn nội dung hấp dẫn. Thậm chí chúng tôi nghĩ tới việc sau khi sản xuất trong nước sẽ phát hành ra nước ngoài.

 Đạo diễn Đỗ Thanh Hải khẳng định xu hướng trao đổi bản quyền, kịch bản là chuyện bình thường

Lựa chọn mua kịch bản đã thành công ở nước ngoài phải chăng là cách làm để tránh mạo hiểm và rủi ro?
Hoàn toàn không phải vậy. Thực tế chúng ta nhìn thấy có những kịch bản mua của nước ngoài về nhưng không thành công. Việc lựa chọn một kịch bản để Việt hoá là vô cùng quan trọng, đôi khi mạo hiểm. Bởi vì mỗi năm các hội chợ phim tại Singapore, Hong Kong, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Israel thì các hãng công khai bán bản quyền phim, bán format gameshow, trên nội dung số-đó là nền công nghiệp phát triển nhiều năm nay, Việt Nam mới bắt đầu quan tâm.

Do nguồn kịch bản này “bày bán” công khai, thậm chí hàng nghìn format, vấn đề nhà sản xuất lựa chọn thế nào chứ không có gì che đậy, vụng trộm ở đây. Tôi vừa trở về từ Hội chợ phim Singapore, thấy rất nhiều hãng Việt như BHD, Cát Tiên Sa… tìm kiếm nguồn sản phẩm. Sự lựa chọn này tuỳ thuộc vào xu hướng, tiêu chí của nhà sản xuất.

"Cả một đời ân oán" phải cần tới 4 năm để Việt hoá kịch bản

Kinh phí mua bản quyền nước ngoài đắt hay rẻ hơn với kịch bản nội?

Không có mẫu số chung, có thể đắt hoặc rẻ hơn. Ai từng xem kịch bản gốc “Người phán xử” của VFC sẽ thấy khác hoàn toàn kịch bản Israel. Ngoài hội chợ chúng tôi còn tham gia hội thảo truyền hình để nghiên cứu cách chuyển thể format gốc sang phim Việt. Vì thế chúng tôi mất ba năm để Việt hoá “Người phán xử”, “Cả một đời ân oán” mất đến 4 năm làm lại kịch bản. Chúng tôi mua 80 tập nhưng chỉ làm 70 tập “Cả một đời ân oán”. Kịch bản trong nước viết có thể sản xuất ngay, nhưng mua kịch bản nước ngoài phải lật đi lật lại rất kỹ. Điều sợ nhất là khi Việt hoá kịch bản mà người ta không thấy xã hội Việt Nam trong đó.

Phải thừa nhận chúng ta luôn thiếu kịch bản hay, bởi chưa có trường lớp đào tạo nhiều về viết kịch bản truyền hình. Trong trường Sân khấu và Điện ảnh chủ yếu đào tạo viết kịch bản phim ngắn, kịch bản điện ảnh.Viết kịch bản truyền hình khác, bởi phải đủ hấp dẫn để kéo khán giả xem phim trong mấy tháng trời.