> Hồng Ánh: 'Sẽ không làm cử tri thất vọng'
> Đại diện cho quyền lợi của người trẻ
> Bầu cử sớm trên biển
Ông Nguyễn Văn Pha nói:
Theo qui định và tại Nghị quyết 1020/NQ-UBTVQH ngày 14-2-2011 của UBTVQH, từ nay đến 18-5, MTTQ các cấp sẽ tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri cho các ứng cử viên (ƯCV). ƯCV sẽ báo cáo với cử tri về công tác bầu cử QH, HĐND, về chức năng, quyền hạn của ĐB và các cơ quan này. Nhưng quan trọng là ứng viên sẽ trình bày dự kiến chương trình hành động của mình sau khi trở thành ĐB. Đồng thời, tại hội nghị, ứng viên sẽ trao đổi, giải đáp về những vấn đề mà cử tri quan tâm.
Chúng tôi khuyến khích tại hội nghị này làm sao có sự trao đổi thẳng thắn, cởi mở nhất giữa ƯCV và cử tri, tránh thông tin một chiều, ứng viên chỉ nói và cử tri thì cử đại diện phát biểu theo chuẩn bị sẵn – tức là Hội nghị đó không phong phú, dân chủ. Thậm chí, chúng tôi còn khuyến khích cử tri có thể đặt các câu hỏi kiểu như chất vấn các ƯCV là nếu trúng cử anh sẽ làm gì, thực hiện lời hứa đó như thế nào.
Lâu nay, khi về địa phương thường có tình trạng ứng viên được bố trí tiếp xúc với đại cử tri (cử tri đại diện), hiệu quả không cao. Điều này được khắc phục thế nào?
MTTQ các cấp và các cơ quan chức năng đã hướng dẫn quy trình, thể thức tiếp xúc cử tri. Các địa phương phải bố trí đủ số buổi và tạo điều kiện tiếp xúc cử tri đúng luật, hiệu quả. Theo qui định, ứng viên ĐBQH phải tham gia đủ 10 buổi tiếp xúc cử tri, ứng viên HĐND cấp tỉnh tiếp xúc ít nhất 5 cuộc, cấp huyện và xã tiếp xúc đủ 3 cuộc.
Lâu nay các địa phương thường bố trí một cuộc tiếp xúc chung ở địa bàn cấp huyện có đầy đủ đại diện lãnh đạo địa phương, Mặt trận, đoàn thể - hiểu nôm na thì đúng là đại cử tri, vì họ đại diện cho cử tri địa phương đó. Nhưng các hội nghị còn lại, ứng viên sẽ trực tiếp đến các khu dân cư nào đó và hội nghị mời cử tri rộng rãi đến tận thôn, bản.
Tuy thực tế, không phải mọi người dân đều có thể đến dự, vì đây là hội nghị phải có chỗ ngồi và rất nhiều vấn đề liên quan công tác tổ chức. Nhưng những hội nghị như thế cũng rất đông cử tri, thường từ 150-200 người. Bên cạnh đó, trong quá trình tiếp xúc cử tri, Ban bầu cử sẽ phát thông tin (tờ rơi, hoặc qua phương tiện thông tin đại chúng) tiểu sử tóm tắt của các ứng viên để cử tri hiểu về ứng viên.
Thời gian từ nay đến ngày bầu cử không còn dài, nếu có đơn thư khiếu nại, tố cáo (KN-TC) đối với ứng viên thì theo qui định sẽ giải quyết như thế nào thưa ông?
Nếu có đơn thư KN-TC ứng viên là ĐBQH thì Hội đồng bầu cử sẽ giải quyết còn với ứng viên ĐBHĐND thì Ủy ban bầu cử các cấp giải quyết. Đối với ứng viên ĐBQH, việc giải quyết do tiểu ban giải quyết KN-TC (thuộc HĐBC) phối hợp Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan liên quan xác minh, giúp HĐBC giải quyết theo qui định. Trước bầu cử 10 ngày sẽ ngừng nhận đơn thư KN-TC.
Tuy nhiên, những đơn thư đã nhận trước đó thì vẫn tiếp tục xem xét, giải quyết. Những đơn thư chưa giải quyết sẽ chuyển lại cho UBTVQH, thường trực HĐND khóa mới xem xét, giải quyết. Mọi KN-TC đối với người ứng cử sẽ được giải quyết triệt để, đến cùng.
Đến nay có ứng viên nào xin rút hoặc bị xóa tên khỏi danh sách bầu cử không, thưa ông?
Từ sau Hội nghị hiệp thương lần thứ 3 đến nay, ở Trung ương và các tỉnh đã có 5 ƯCV xin rút khỏi danh sách. Như vậy hiện chỉ còn 827/832 ứng viên ĐBQH. Đa phần những người này tự nguyện xin rút tên vì thấy không đủ thời gian, điều kiện tham gia ứng cử ĐBQH (trong đó, Hà Nội 1, Bạc Liêu 1, Hải Dương 2 và Lào Cai 1).
Hiện chưa có trường hợp nào bị xóa tên, buộc rút khỏi danh sách do vi phạm pháp luật (bị khởi tố, bắt giam) hoặc qui định khác.