Hà Nội:

Khu tập thể bằng gỗ tại phường Chương Dương: Sống ở nơi 'tử thần rình rập'

TP - Gần chục hộ dân đang sinh sống trong những khu tập thể bằng gỗ tại phường Chương Dương phải đối mặt với nguy hiểm rình rập, tai nạn có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào.
Tầng 2 khu nhà gỗ số 10 hiện không còn chủ hộ nào dám sinh sống

Khu tập thể gỗ số 11, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, cầu thang lên tầng hai đã mủn gần hết, nếu giẫm mạnh có thể sập bất cứ lúc nào. Ở ngay căn hộ đầu cầu thang của khu tập thể, người dân đã phải gia cố tấm lưới sắt vá víu sau vụ sập cách đây vài tháng.

Căn phòng đầu cầu thang rộng khoảng 20m2, cơi thêm gác xép, vừa là chỗ ngủ, phòng khách, nơi ăn uống của 5 thành viên trong một gia đình. Giá để đồ nấu ăn, bát đĩa kê sát tường để giảm sức nặng cho các trụ gỗ dưới tầng một. Hành lang bên ngoài được gia đình cải tạo làm chỗ nấu ăn.

Bà H (66 tuổi) cho biết, cách đây vài tháng, tấm gỗ giữa nhà bỗng dưng sập cả mảng xuống tầng 1. Rất may, khi đó không có ai ở nhà nên không có thiệt hại về người. “Chúng tôi mong muốn có thể di dời càng sớm càng tốt, chứ ở đây vừa ở vừa nín thở lo lắng”, bà H chia sẻ.

Ông Nguyễn Hùng Phong (70 tuổi) cho biết, khu tập thể có tuổi đời 70 năm đã xuống cấp nặng, cột chống xập xệ dù đã được gia cố thép nhưng “không ăn thua”, mưa to hay bão rất dễ sập. “Chúng tôi rất cần chỗ ở mới để có thể sinh sống cho đỡ khổ”, ông Phong nói.

Phía bên kia đường là tập thể gỗ số 10, ngoài tầng một cho thuê bán hàng, tầng hai chỉ còn 3 hộ dân đang thuê sinh sống. Đường điện bên trong tập thể đi trần, nhiều đoạn dây bị ải do nước thấm lâu ngày từ trần xuống. Cả hành lang tối tăm ẩm thấp, vừa đi phải vừa dò đường do nhiều đoạn đã bị lún từ lâu.

Ông Đinh Văn Hưởng (tổ trưởng tổ dân phố số 4) cho biết, tầng 2 khu tập thể gỗ số 10 hiện chỉ còn 3 hộ dân đang thuê trọ ở đây với mức giá 1 triệu đồng/tháng. Còn các chủ hộ đã bỏ đi từ lâu do lo sợ an toàn tính mạng. Theo ông Hưởng, UBND quận vừa có ban hành kế hoạch di dời nên bà con rất phấn khởi, đã có 31/31 hộ dân đồng thuận, bốc thăm để di dời. “Chỉ còn một vấn đề là chờ kinh phí hỗ trợ giải tỏa làm sao cho hợp lý để họ đến nơi ở mới sống tốt hơn”, ông Hưởng nói.

Đến thời điểm hiện tại, 42/42 hộ dân tại khu nhà gỗ số 7 và 35/35 hộ dân tại khu nhà gỗ số 9 phường Chương Dương đã chấp hành di chuyển và bàn giao mặt bằng sạch UBND quận Hoàn Kiếm. Các khu nhà gỗ còn lại, UBND quận Hoàn Kiếm đã ban hành các văn bản pháp lý liên quan đến thu hồi đất. “Dự kiến đến hết năm 2028 sẽ di chuyển toàn bộ các hộ dân tại các khu nhà gỗ còn lại trên địa bàn phường Chương Dương”, đại diện UBND quận, thông tin.

Khẩn trương di dời các hộ dân đến nơi ở mới

Đại diện UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, các khu nhà gỗ này do các bộ, ngành trực thuộc Trung ương quản lý sử dụng và bố trí cho các cán bộ công nhân viên vào ở.

Do các nhà gỗ thuộc diện nguy hiểm, UBND thành phố đã có chủ trương di chuyển khẩn cấp. Đợt 1 vào năm 2006 đã di chuyển các hộ dân tại 7 khu nhà gỗ đặc biệt nguy hiểm (số 1, 2, 3, 4A, 6, 15, 19), hiện đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) đối với phần lõi nhà gỗ. Đợt 2 năm 2013 đã di chuyển các hộ dân tại 2 khu nhà gỗ bị cháy số 13 và C8, cũng đã hoàn thành công tác GPMB. Đợt 3 năm 2015 mục tiêu di chuyển các hộ dân tại 8 khu nhà gỗ còn lại (số 1A, 7, 9, 10, 11, 14, 16, 17) do UBND quận Hoàn Kiếm làm chủ đầu tư.

Lý giải nguyên nhân chậm di dời 8 khu nhà gỗ còn lại, đại diện UBND quận lý giải do sự bất cập, không đồng bộ về chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư khiến một số hộ dân kiến nghị.

Giá đất cụ thể đã phê duyệt cho dự án là giá được xác định căn cứ theo các giao dịch chuyển nhượng trên thị trường tại thời điểm các năm 2016 - 2017, tuy nhiên giá thời điểm hiện tại đã thay đổi.

Để có cơ sở triển khai thực hiện, UBND quận Hoàn Kiếm đã báo cáo, đề xuất UBND thành phố Hà Nội cho phép được lập chứng thư xác định lại giá đất cụ thể tại thời điểm hiện tại để làm căn cứ bồi thường hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án khu nhà gỗ số 7, 9, 10, 11, 14, 16, 17 phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm.