Không thể 'treo' quyền của dân

TP - Về nguyên lý, những điều luật ghi trong Hiến pháp phải có hiệu lực ngay và đương nhiên, không phụ thuộc vào chuyện sẽ có luật hướng dẫn thi hành hay hạn chế nó.

> Đại biểu QH đề xuất sửa lời Quốc ca
> Lấy phiếu tín nhiệm tại QH: Sẽ 'vo tròn' để tồn tại (?)

Khi có nhu cầu hướng dẫn thực hiện hoặc hạn chế một điều nào đó của Hiến pháp, nhất là về quyền con người, quyền công dân hay các điều khoản liên quan vận mệnh quốc gia, dân tộc thì chỉ có thể bằng luật mà thôi. Đặc biệt, việc hạn chế một số quyền con người, quyền công dân chỉ được thực hiện trong tình thế khẩn cấp và chỉ trong thời gian cần thiết.

Theo tôi, trước đây chúng ta cho phép cách làm Hiến pháp hơi khác nhiều nước, nhiều điều khoản không cụ thể mà ghi vào một vế là “thực hiện theo quy định của pháp luật”.

Như vậy là hơi ngược. Chúng ta bắt luật cơ bản phụ thuộc vào các luật con, luật thứ cấp, phái sinh. Những quyền công dân, quyền con người được hiến định trong Hiến pháp đã rất đầy đủ và có thể thực thi ngay.

Nhưng nếu có một số quyền cần phải hướng dẫn mà chúng ta chậm làm việc đó, chúng ta bảo là người dân không được thực thi quyền đó, là hạn chế Hiến pháp, là vi hiến.

Lần này, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp có đưa ra cơ quan bảo hiến. Cơ quan bảo hiến trong điều kiện Việt Nam hiện nay là cần thiết, nhiều tầng lớp nhân dân và ĐBQH đồng tình.

Tuy nhiên, Hội đồng này phải được giao những quyền lực nhất định. Nếu chỉ có chức năng kiểm tra, giám sát và kiến nghị thì có lẽ chúng ta không cần một Hội đồng như vậy.

ĐB Trương Trọng Nghĩa
TPHCM
Theo Báo giấy