Mất rừng là nguyên nhân chính gây lũ quét khiến bao phận người bơ vơ, không nhà cửa. Ảnh: L.H.Việt.
Trao đổi với Tiền Phong, liên quan chủ trương lấy rừng phòng hộ để làm nghĩa trang (xã Bồ Lý, Tam Đảo, Vĩnh Phúc), một lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, Thủ tướng vừa chỉ đạo tạm dừng việc chuyển đổi rừng tự nhiên sang mục đích khác, vì thế Vĩnh Phúc không thể làm trái chỉ đạo Thủ tướng. Theo vị này, Thủ tướng yêu cầu tạm dừng chuyển rừng tự nhiên nghèo sang phục vụ các mục đích khác như cây công nghiệp, nông nghiệp, thuỷ điện nhỏ, kể cả các dự án được phê duyệt nhưng chưa thực hiện. Do vậy, các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo này.
Trước đó, tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng hồi giữa tháng 5/2017, ông Nguyễn Văn Trì, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng: “Cứ nói đến xây dựng nghĩa trang, nhà máy rác là một bộ phận người dân lại chưa đồng tình. Nhưng với vấn đề này, tôi nghĩ Vĩnh Phúc cần quyết tâm làm”. Thời điểm đó, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc cho hay, tỉnh mới xin chủ trương quy hoạch công viên nghĩa trang, chứ chưa cụ thể sử dụng bao nhiêu diện tích đất rừng nên “đồi vẫn nguyên, cây vẫn nguyên”. Trên thực tế, tỉnh này vẫn âm thầm tổ chức để chuyển đổi rừng phòng hộ thành rừng sản xuất. Còn liệu từ rừng sản xuất có thành gì nữa không thì có thể đoán được.
Nói về quyết tâm trên của Vĩnh Phúc, vị lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng, Thủ tướng đã yêu cầu, đương nhiên Tổ công tác và Vĩnh Phúc phải tiếp thu, nghiên cứu, thực hiện. Việc chuyển đổi rừng, Vĩnh Phúc khó động chạm, làm trái với chỉ đạo của Thủ tướng.
Theo lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT từng có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố rà soát các dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng từ nay đến năm 2020 theo đúng Chỉ thị số 13 (12/1/2017) của Ban Bí thư, hạn chế thấp nhất việc chuyển mục đích sử dụng rừng, quản lý chặt chẽ theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa thấy Vĩnh Phúc báo cáo về bộ về việc chuyển đổi, liên quan đến việc xây “siêu” nghĩa trang trên. Thậm chí, trước đây, khi có chủ trương lấy đất rừng phòng hộ ở Tam Đảo, Bộ NN&PTNT cũng chưa nhận được văn bản nào của Vĩnh Phúc để tham khảo việc chuyển đổi trên.
Về vấn đề trên, GS Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng cho rằng, nếu Vĩnh Phúc muốn chuyển rừng phòng hộ sang rừng sản xuất, thì quyền quyết định của địa phương này. “Tuy nhiên, việc chuyển đổi đó đúng quy định hay không, cần làm rõ. Nên nhớ, nếu rừng ở đất dốc 30 độ trở lên vẫn phải là rừng phòng hộ, chứ không thể làm rừng sản xuất được”- GS Lung nói.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, khi chuyển đổi trên thuộc thẩm quyền của tỉnh, thông thường Sở TN&MT đứng ra chủ trì, mời các sở, ngành khác, chuyên gia của tỉnh đánh giá tác động môi trường. “Ở trong tỉnh, anh đánh giá phải biết ý chỉ đạo của ông chủ tịch tỉnh thế nào rồi. Do vậy, việc phải đánh giá phải công khai thì mới biết anh đánh giá đúng hay sai. Nếu việc chuyển đổi trên có nhiều bộ, ngành, chuyên gia khác đánh giá, sẽ khách quan hơn”- GS Lung phân tích.
Cũng theo GS Lung, sau khi thực hiện bước chuyển đổi trên, bước thứ hai chuyển từ rừng sản xuất sang mục đích khác, kể cả làm nghĩa trang. Tuy nhiên, bước này cũng phải đánh giá tác động môi trường và quá trình đánh giá đúng hay không, phải làm minh bạch, được giám sát chặt chẽ.
Vĩnh Phúc luôn phát đi tín hiệu làm nghĩa trang do nhu cầu, quy hoạch từ trước. Tuy nhiên, dư luận băn khoăn có 2 địa điểm (Tam Đảo và Bình Xuyên), nhưng không hiểu sao Vĩnh Phúc lại chọn Tam Đảo- một địa danh du lịch, có rừng phòng hộ, lá phổi xanh của vùng phụ cận Hà Nội? Nhất là trong bối cảnh Thủ tướng lên tiếng đóng cửa rừng và lũ lụt tang thương có nguyên nhân từ phá rừng vừa qua.