Không phân loại rác bị phạt tới 20 triệu đồng: 'Quá tam ba bận'?

TP - Chế tài mạnh cùng việc tuyên truyền sâu rộng, TPHCM thực hiện quy định phân loại rác tại nguồn có phát huy hiệu quả sau 2 lần “chết yểu” trước đó?
Phân loại rác cần được tuyên truyền lâu dài và sâu rộng đến từng người dân ảnh: L.N

Từng “chết yểu”

 Phân loại rác tại nguồn đã được TPHCM triển khai thí điểm lần đầu ở một số quận huyện vào năm 1999. Thế nhưng, sau 2 năm thực hiện, ngốn ngân sách thành phố hàng trăm tỷ đồng, sau đó chương trình …thất bại. Lý giải cho việc “chết yểu” này, đại diện Sở TN&MT TPHCM cho rằng, vào thời gian đó thành phố chưa xây dựng được hệ thống quản lý chất thải rắn một cách đồng bộ. Vì vậy, sau khi các hộ gia đình phân loại rác hữu cơ và vô cơ vào các thùng đưa ra khỏi gia đình, các loại rác đã được phân loại này lại được đổ vào vận chuyển chung. Do vậy chương trình bị thất bại. 

Khởi động lại vào năm 2001, TPHCM triển khai chương trình phân loại rác tại nguồn ở 6 quận - huyện, gồm: quận 1, 4, 5, 6, 10 và huyện Củ Chi với tổng kinh phí khoảng 284 tỷ đồng. Lần triển khai thứ 2 được Sở TN&MT kết hợp với các quận đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, mỗi hộ dân được cấp 2 thùng đựng rác. Từ đó, số lượng hộ dân tham gia và thực hiện đúng kỹ thuật phân loại rác tăng từ 20% - 30% lên đến 60% - 70%. Tuy nhiên, chương trình này lại một lần nữa bị đánh giá không thành công vì các quận không có đủ tài chính để tự trang bị xe thu gom rác đã được phân loại.

Dù triển khai thí điểm lần 2 từ gần 10 năm qua nhưng đến nay việc phân loại rác tại nguồn tại thành phố 12 triệu dân này vẫn chưa thành phong trào và mang lại hiệu quả. Cũng như thất bại lần trước, lý do được đưa ra là có tới khoảng 60% lực lượng thu gom rác là dân lập, do thiết bị và phương tiện không đồng bộ nên nhiều “đầu nậu” sau khi thu gom đã đổ chung hai loại rác thải này với nhau khiến việc phân loại trước đó của người dân thành vô nghĩa.

Trong khi đó về phía người dân, dù được vận động nhưng không phải ai cũng mặn mà. Ngay cả một khu đô thị với dân trí cao, được cho là “Singapore thu nhỏ” như Phú Mỹ Hưng ở quận 7, vẫn chưa thực hiện đồng bộ được việc phân loại rác tại nguồn. 

Sau nhiều năm “mạnh ai nấy làm”, từ năm 2017 TPHCM khởi động lại đề án phân loại rác tại nguồn ở các quận huyện với hy vọng sẽ tạo nên một bộ mặt khác cho thành phố, đặc biệt trước tình trạng ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân ngày càng gia tăng. Lần này, xem ra thành phố quyết liệt hơn khi cho rằng sẽ áp dụng mạnh Nghị định 155/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo đó, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi không phân loại, không lưu giữ chất thải rắn công nghiệp thông thường theo quy định; không ký hợp đồng hoặc không chuyển giao chất thải rắn công nghiệp thông thường cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định. 

Cần ý thức của mọi tầng lớp nhân dân

 Việc xử phạt không phải là tất cả. Chuyên gia về môi trường Nguyễn Trung Việt cho rằng, nếu lần này TPHCM không quyết liệt sẽ là “quá tam ba bận”. “Ở các nước khi triển khai thực hiện việc phân loại rác tại nguồn đòi hỏi phải tổ chức đồng bộ giữa các đơn vị tham gia, từ hoạt động phân loại ở hộ gia đình, đến thu gom, tập kết, vận chuyển và cuối cùng là xử lý để tái sử dụng, tái chế…”- chuyên gia này nói và cảnh báo: “Nếu không vận hành đồng bộ công việc này dễ đầu voi đuôi chuột hoặc đánh trống bỏ dùi”. 

Kinh phí là vấn đề nan giải trong hơn chục năm qua khi thí điểm thực hiện phân loại rác ở TPHCM. Chuyên gia Nguyễn Trung Việt hiến kế, để có chi phí phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn thì chủ nguồn thải chi trả theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền xử lý” và “người hưởng dịch vụ phải trả tiền cung cấp dịch vụ”. “Đây là cơ sở để buộc người xả thải phải có trách nhiệm với hành vi của mình, đồng thời cũng là một trong những giải pháp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân”- ông Việt đề xuất. 

Tuy nhiên, để tránh tình trạng đầu voi đuôi chuột, nửa vời khi làm công việc phân loại tại nguồn,  ông Việt cho rằng đây là việc làm liên tục, lâu dài với thời gian nhiều năm, đồng thời phải làm cho dân hiểu để tránh việc họ phải chịu nhiều khoản thu.

Trong khi đó, ông David Dương- Tổng giám đốc VWS, chủ đầu tư Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước cho rằng, ở Mỹ để người dân có thói quen phân loại rác tại nguồn như hiện tại, chính quyền đã phải tuyên truyền, vận động suốt hơn 50 năm. “Hằng năm, các công ty tái chế rác thải ở quốc gia này như chúng tôi đều trích một phần ngân sách để tuyên truyền giáo dục trên các phương tiện truyền thông, phát tờ rơi kèm giấy trả tiền hàng tháng để giúp người dân hiểu được ý nghĩa của việc phân loại rác tại nguồn, tái chế chất thải mang lại lợi ích cho chính họ và cho xã hội”- ông nói đồng thời cho biết, hầu hết các công ty xử lý rác còn quan tâm giáo dục thế hệ trẻ bằng cách thường xuyên tổ chức các chuyến tham quan nhà máy cho học sinh từ cấp tiểu học đến trung học, để giúp các em hiểu rằng, rác là nguồn tài nguyên có thể tái sinh, mang lại lợi ích cho xã hội, đất nước.

Đồng quan điểm, TS Lê Huy Bá - nguyên Viện trưởng môi trường Đại học Công nghiệp TPHCM cho rằng không có nơi nào thành công trong công tác quản lý môi trường đô thị và quản lý chất thải nếu không có sự tham gia của cộng đồng dân cư, đặc biệt là ý thức của mọi tầng lớp người dân trong thành phố. “Số lượng dân nhập cư vào làm việc ở TPHCM rất lớn, đa phần đến từ các vùng nông thôn nên rất khó theo văn hóa đô thị và văn hóa công nghiệp. Việc tuyên truyền, giáo dục cộng đồng lại càng phải mang tính liên tục và lâu dài”- ông Bá nói và đề xuất sự tham gia tuyên truyền cho người dân hiểu vấn đề này của hội phụ nữ, đoàn thanh niên, đội thiếu niên, hội cựu chiến binh… càng cần thiết hơn.

Nguồn lợi từ tái chế sau phân loại
Theo Viện Công nghệ tái chế phế liệu Mỹ , mỗi năm ngành công nghiệp tái chế phế liệu Mỹ đóng góp cho nền kinh tế nước này trên 90 tỷ USD, chiếm 0,6% GDP và tạo ra gần 460.000 việc làm.

Còn tại Nhật Bản, việc tái chế và tái sử dụng phế liệu luôn được khuyến khích bằng các sắc thuế, các chính sách ưu đãi về tài chính. Người dân nước này phải phân chia rác theo từng loại. Các cơ quan môi trường sẽ đến thu gom rác đã phân loại và chuyển tới các nhà máy xử lý rác. Một số quốc gia như Thái Lan, Singapore, với việc áp dụng các phương pháp tái chế rác hợp lý, mỗi năm tiết kiệm được 50% - 55% các loại nguyên liệu như bột giấy, nhựa, kim loại nặng…