Bộ có văn bản do Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến ký cho phép Formosa áp dụng hàm lượng oxy tham chiếu vượt QCVN 51:2013 từ 7% lên 15% không?
Trong quá trình xây dựng QCVN 51:2013/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp sản xuất thép, Tổng cục Môi trường, Tổ soạn thảo cùng các chuyên gia đã thống nhất quy định hàm lượng oxy tham chiếu trong khí thải công nghiệp sản xuất thép là 7%, và sẽ xem xét để điều chỉnh sau một thời gian áp dụng, khi có số liệu quan trắc thực tế tại Việt Nam.
Ngày 10/12/2013, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh có văn bản số 1312022/CV-FHS gửi Tổng cục Môi trường về việc xin ý kiến chỉ đạo về quy trình thiêu kết trong QCVN 51:2013/BTNMT. Theo nội dung của văn bản này, Công ty Formosa đề nghị hướng dẫn cụ thể hàm lượng oxy tham chiếu cho công đoạn thiêu kết, vì các tiêu chuẩn kiểm soát khí thải đối với ngành sản xuất thép tại các nước có ngành gang thép phát triển đều có quy định riêng, đặc thù về hàm lượng oxy tham chiếu cho công đoạn này là 15%.
Quá trình xem xét hồ sơ, văn bản đề nghị, Tổng cục Môi trường đã thu thập, nghiên cứu, biên dịch của nước ngoài liên quan đến khí thải công nghiệp đều quy định mức oxy tham chiếu đối với công đoạn thiêu kết là 15%, còn các công đoạn đốt nhiên liệu khác là 6-8%.
Hiện Formosa đang xả khí thải vượt nhiều lần so với QCVN 51:2013, điều này Bộ Tài nguyên và Môi trường có biết không?
Việc cho phép Formosa áp dụng hàm lượng oxy dư 15% ở công đoạn thiêu kết không phải là cho phép Formosa được xả khí thải vượt nhiều lần so với QCVN vì những lí do sau:
Việc kiểm soát oxy dư không phải là quá trình “pha loãng” khí thải; việc quy định hàm lượng oxy dư trong khí thải nhằm mục tiêu kiểm soát quá trình cháy hoàn toàn của nhiên liệu, đồng thời nhằm bảo đảm không làm phát sinh các chất ô nhiễm độc hại như: NOx, SO2, CO, Dioxin/furan trong khí thải…
Theo quy định tại QCVN 51:2013, hàm lượng oxy tham chiếu trong khí thải của ngành công nghiệp sản xuất thép cho tất cả các công đoạn là 7%. Tuy nhiên, đặc thù của ngành sản xuất công nghiệp gang thép có rất nhiều công nghệ và các loại lò đốt sử dụng nhiên liệu khác nhau, nên hàm lượng oxy tham chiếu phụ thuộc vào loại nhiên liệu đốt, công nghệ đốt, hệ thống đốt.
Nếu áp mức 7% oxy dư cho quá trình cháy nhiên liệu than trong công đoạn thiêu kết, lượng oxy dư sẽ tiêu tốn vào những vùng không cháy trong công đoạn thiêu kết, lúc đó oxy dư không đủ cho quá trình cháy nhiên liệu, sẽ nhỏ hơn tỉ lệ 7%, dẫn đến quá trình cháy không hoàn toàn, không đủ nhiệt lượng cho thiêu kết gây phát sinh các chất ô nhiêm trong khí thải và làm hỏng sản phẩm quặng thiêu kết.
Hiện Bộ TN&MT đang dự thảo QCVN mới, cho phép các nhà máy thép đã hoạt động áp dụng hàm lượng oxy tham chiếu 15% đến năm 2020. Liệu đây có phải bộ đang hợp thức cho văn bản của ông Bùi Cách Tuyến?
Kinh nghiệm và các quy định của Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan – Trung Quốc đều ở mức 15% oxy dư đối với khí thải công đoạn thiêu kết. Nếu áp mức 7% oxy dư cho quá trình cháy nhiên liệu than trong thiêu kết sẽ dẫn đến quá trình cháy không hoàn toàn, không đủ nhiệt lượng cho thiêu kết, gây phát sinh các chất ô nhiễm trong khí thải và làm hỏng sản phẩm quặng thiêu kết.
Hiệp hội Thép Việt Nam đã có công văn số 67/2017/HHTVN ngày 16/10/2017 gửi Bộ TN&MT về việc góp ý dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của ngành công nghiệp sản xuất thép, trong đó kiến nghị áp dụng hàm lượng oxy tham chiếu cho các nguồn đốt kín nhiên liệu từ 7-11% và cho các nguồn xử lí khí thải hở (thiêu kết) từ 19-20%.
Ngày 15/11/2017, Bộ Công Thương có Công văn số 10776/BCT-ATMT gửi Bộ TN&MT về việc góp ý dự thảo QCVN có nội dung như sau: “Đối với công đoạn thiêu kết và sản xuất gang, do đặc thù của hệ thống nên hàm lượng oxy dư sau ống khói sẽ gần bằng hàm lượng oxy dư trong không khí tự nhiên. Như vậy, oxy tham chiếu đề xuất trong dự thảo QCVN 51:2017 15% là không thực tế, đề nghị điều chỉnh hàm lượng oxy dư lên 20% đối với công đoạn nêu trên”.
Vì vậy, việc rà soát sửa đổi QCVN 51:2013, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp sản xuất của thép nhằm mục tiêu quy định chặt chẽ, đầy đủ, rõ ràng hơn về nồng độ các thông số trong khí thải công nghiệp sản xuất thép, đảm bảo khả thi trong thực tế và yêu cầu hội nhập quốc tế. Không phải là nhằm hợp thức hóa cho văn bản của Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến.