Không nên trao quyền điều tra cho cơ quan thuế, chứng khoán

TP - “Ngành thuế, chứng khoán không có lực lượng, nếu điều tra dẫn tới nhiều bất cập, không có chất lượng. Do vậy, không nên giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cho các cơ quan này”, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, hôm qua nêu quan điểm trong phiên thảo luận về Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự.  
Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung

Theo Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, việc bổ sung quy định về các lực lượng kiểm ngư, cơ quan thuế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra là không phù hợp. 

Bởi Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị đã nêu rõ là cần thu gọn đầu mối cơ quan điều tra và từ nay đến năm 2020 giữ nguyên hệ thống cơ quan điều tra như hiện nay. Những lĩnh vực trên liên quan công tác quản lý và điều hành trực tiếp của cán bộ thuế với doanh nghiệp cũng như hộ kinh doanh cá thể. Do vậy, việc để các cơ quan điều tra này sẽ không đảm bảo tính khách quan.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng, việc bổ sung một số cơ quan điều tra mới như Dự thảo luật đề cập sẽ giúp các cơ quan điều tra khác phát hiện tội phạm nhanh chóng hơn, kịp thời hơn… “Việc quy định thẩm quyền của cơ quan điều tra, mở rộng các cơ quan điều tra là cần thiết và đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm”, ông Thuyền lập luận.

Đề cập quy định trong Dự thảo luật cho phép công an xã có quyền điều tra ban đầu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng không phù hợp. Bà Nga cho rằng, nếu giao cho họ thẩm quyền thực hiện các hoạt động như lấy lời khai, thu giữ vật chứng, vẽ sơ đồ hiện trường… dễ bị sai lệch. 

“Hiện nay tiêu chuẩn về trình độ học vấn để tuyển chọn công an xã rất thấp, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa có thể trưởng, phó và công an viên chỉ là người học xong chương trình tiểu học. Do đó, nếu giao thẩm quyền quá lớn cho họ, cùng với những công cụ phương tiện đặc biệt thì việc lạm quyền, vi phạm là khó tránh khỏi”, bà Nga cảnh báo.