Không mở rộng hình thức tố cáo qua email, tin nhắn, fax

TP - Sáng 12/6, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật tố cáo sửa đổi. Trước khi thông qua toàn bộ dự thảo luật, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua quy định về hình thức tố cáo được quy định tại Điều 22. Theo đó, Quốc hội quyết định không mở rộng hình thức tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại, tin nhắn... mà vẫn giữ nguyên hình thức như hiện hành là bằng đơn, tố cáo trực tiếp.
Sáng 12/6, Quốc hội chính thức thông qua Luật tố cáo sửa đổi. Ảnh: Minh Châu.

Theo quy định của luật hiện hành thì tố cáo phải bằng đơn và tố cáo trực tiếp. Qua thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng, với sự phát triển của công nghệ thông tin thì cần phải mở rộng các hình thức tố cáo bằng email, điện thoại, tin nhắn, fax cho phù hợp. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu và giữ hình thức tố cáo như luật hiện hành. Đối với những thông tin có nội dung tố cáo được phản ánh không theo hình thức nêu trên, nếu có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, bằng chứng cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật thì cơ quan tiếp nhận thông tin phải tiến hành việc kiểm tra, thanh tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét giải quyết, xử lý để không bỏ sót, bỏ lọt các hành vi vi phạm pháp luật.

Về bảo vệ người tố cáo, có ý kiến đề nghị giữ đối tượng được bảo vệ như luật hiện hành. Một số ý kiến đề nghị bổ sung đối tượng được bảo vệ là người cung cấp thông tin, người làm chứng, người nắm giữ các tài liệu quan trọng liên quan đến nội dung tố cáo, người trực tiếp xác minh và người giải quyết tố cáo...

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Điều 47 của dự thảo luật xác định đối tượng được bảo vệ theo hướng làm rõ phạm vi “người thân thích của người tố cáo” trong quy định của luật hiện hành. Quy định này vừa kế thừa luật hiện hành, vừa bảo đảm tính cụ thể, chặt chẽ của điều luật, đồng thời tập trung nguồn lực cho công tác bảo vệ, bảo đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu giải quyết tố cáo. Đối với các đối tượng khác, pháp luật hiện hành vẫn có đủ cơ chế để bảo vệ khi quyền, lợi ích hợp pháp của họ bị xâm phạm.

Về biện pháp bảo vệ vị trí công tác, việc làm (Điều 57), có ý kiến đề nghị bổ sung vào khoản 1 Điều 57 biện pháp để bảo vệ vị trí công tác của người được bảo vệ trong trường hợp mới phát sinh nguy cơ bị thay đổi, điều chuyển công tác.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, quy định tại Điều 57 đã bao quát các biện pháp để bảo vệ vị trí công tác, việc làm của người được bảo vệ, không chỉ khắc phục hậu quả đã xảy ra mà còn ngăn chặn việc quyền, lợi ích hợp pháp của người được bảo vệ có nguy cơ bị xâm hại.

Giám sát tối cao việc sử dụng đất đai tại các đô thị

Sáng 12/6, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019. Theo đó, tại kỳ họp 7, Quốc hội sẽ giám sát tối cao chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018”. Còn chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018” sẽ được giám sát tại kỳ họp 8.

Trước đó, trong quá trình thảo luận, có ý kiến đề nghị sửa đổi tên chuyên đề về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị theo hướng tập trung vào việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở các vị trí đắc địa, có địa tô chênh lệch cao hoặc đổi tên thành “Giám sát các dự án đổi đất lấy hạ tầng tại đô thị giai đoạn 2013-2018 (hoặc trong thời gian qua)”. Tuy nhiên, UBTVQH cho rằng, dự kiến chuyên đề giám sát UBTVQH trình đã bao gồm nội dung mà ĐB nêu. Để bảo đảm tính bao quát, toàn diện, phù hợp với quy mô giám sát tối cao của Quốc hội, UBTVQH đề nghị giữ tên chuyên đề như dự thảo.

Cùng ngày, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2016; thông qua Luật Cạnh tranh (sửa đổi).

                Văn Kiên