Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc vừa ban hành Quyết định số 982/QĐ-KTNN về việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng của KTNN (Ban Chỉ đạo).
Ban Chỉ đạo gồm 10 thành viên, do Tổng Kiểm toán nhà nước làm Trưởng Ban; 3 Phó Trưởng Ban gồm: Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Trần Khánh Hòa, Chánh Thanh tra KTNN Hoàng Văn Chương.
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc KTNN triển khai thực hiện nhiệm vụ theo đúng quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN), các quy định khác của Nhà nước có liên quan đến Luật PCTN và các nội dung hoạt động cụ thể tại Kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia PCTN của KTNN.
Nhiệm vụ cụ thể của các thành viên Ban Chỉ đạo do Trưởng ban chỉ đạo phân công. Vụ Tổng hợp được giao làm đầu mối tham mưu, giúp việc công tác PCTN của KTNN.
Quyết định này thay thế Quyết định số 276/QĐ-KTNN ngày 12/3/2015 của Tổng Kiểm toán nhà nước về việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng của KTNN.
Cũng trong ngày 10/5/2018, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc đã ký ban hành Công điện số 654/CĐ-KTNN về việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động kiểm toán.
Nội dung nêu rõ: Năm 2017, các đơn vị được giao chủ trì cuộc kiểm toán đã bám sát các chỉ đạo, đạt được những kết quả kiểm toán nổi bật. Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã kiến nghị xử lý tài chính 91.322 tỷ đồng (gồm tăng thu, giảm chi ngân sách Nhà nước 37.556 tỷ đồng; tăng giá trị doanh nghiệp, giá trị vốn Nhà nước tại các công ty cổ phần hóa 9.639 tỷ đồng; xử lý tài chính khác 44.127 tỷ đồng); kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 159 văn bản pháp luật nhằm bịt chỗ hổng thất thoát, lãng phí từ cơ chế, chính sách và đã có nhiều kiến nghị quan trọng nhằm chấn chỉnh những thiếu sót, bất cập trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Tuy nhiên, qua kiểm tra tình hình thực hiện Kế hoạch kiểm toán năm 2018 đối với những cuộc kiểm toán đợt I cho thấy, một số Đoàn Kiểm toán chưa thực sự quyết liệt, trách nhiệm chưa cao trong việc thực hiện các trọng tâm, mục tiêu và nội dung kiểm toán, nên kết quả kiểm toán còn mờ nhạt, chưa đạt yêu cầu.
Không lợi dụng mối quan hệ để mưu cầu lợi ích riêng
Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị tiếp tục chỉ đạo, thực hiện nghiêm quy định của KTNN, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động kiểm toán, trong đó chú trọng các nội dung, cụ thể:
Tiếp tục phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu chấp hành quy chế, quy định, chuẩn mực của KTNN, nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính chuyên nghiệp và hình ảnh đẹp của Kiểm toán viên nhà nước trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán phải tăng cường hơn nữa kiểm tra việc chỉ đạo, điều hành của Trưởng Đoàn Kiểm toán đối với các Tổ Kiểm toán theo đúng trọng tâm, mục tiêu, nội dung và phạm vi kiểm toán đã được lãnh đạo Kiểm toán nhà nước phê duyệt.
Không được lợi dụng mối quan hệ kiểm toán để mưu cầu lợi ích riêng, như: Xin việc, xin chương trình, dự án, hợp đồng…cho người thân, gia đình. Nghiêm cấm việc sách nhiễu, vòi vĩnh, gây khó khăn, phiền hà cho đơn vị được kiểm toán. Nghiêm cấm việc nhận tiền, nhận tiền hỗ trợ công tác phí từ đơn vị được kiểm toán (tiền phụ cấp lưu trú, tiền thuê phòng nghỉ, tiền thuê vé tàu, ô tô, máy bay…); không được dùng phương tiện, tài sản của đơn vị được kiểm toán cho nhu cầu cá nhân. Không được gặp gỡ đơn vị được kiểm toán ở ngoài trụ sở để bàn và giải quyết công việc nếu không có trong kế hoạch kiểm toán của Đoàn Kiểm toán, Tổ Kiểm toán. Thủ trưởng các đơn vị cần phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ Kiểm toán viên, các Tổ Kiểm toán, các Đàn Kiểm toán và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Tiếp tục nâng cao chất lượng kiểm toán thông qua việc đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu nhằm đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị phù hợp, đúng quy định hiện hành. Đặc biệt, kết quả xử lý tài chính, các kiến nghị tăng thu, giảm chi NSNN và hoàn thiện cơ chế chính sách là thước đo quan trọng để đánh giá năng lực, phẩm chất, trách nhiệm đối với các Đoàn Kiểm toán, Tổ Kiểm toán và Kiểm toán viên nhà nước. Nghiêm cấm việc bỏ sót, cố tình làm sai lệch, không đầy đủ kết quả kiểm toán.
Sau khi hoàn thành cuộc kiểm toán, các Đoàn kiểm toán, Tổ Kiểm toán tổ chức họp đánh giá rút kinh nghiệm chuyên môn cuộc kiểm toán, tự đánh giá xếp loại Đoàn Kiểm toán, Tổ Kiểm toán và Kiểm toán viên, báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước chậm nhất 15 ngày sau khi phát hành Báo cáo kiểm toán của Đoàn Kiểm toán.
Chấp hành đúng quy định báo cáo định kỳ, đột xuất với Tổng Kiểm toán nhà nước khi phát hiện vụ việc, sai phạm lớn trong quá trình kiểm toán để kịp thời chỉ đạo giải quyết. Báo cáo định kỳ về tiến độ và kết quả kiểm toán gửi Lãnh đạo KTNN phụ trách, đồng thời gửi Tổng Kiểm toán nhà nước. Khi kết thúc thời gian kiểm toán tại đợn vị được kiểm toán (trước khi xét duyệt Hội đồng cấp vụ).