Không học được thầy

TP - Suốt mấy ngày qua, cái tên Chu Phương được hâm rất nóng trên khắp các diễn đàn từ mạng đến báo giấy.

> Biên tập viên Tân Hoa xã phản đối 'thành phố Tam Sa'

Ông Chu - người từng là biên tập viên của Tân Hoa Xã (Trung Quốc) liên tiếp có những bài viết cực lực phản đối cái gọi là “thành phố Tam Sa” và chính sách dùng vũ lực ở Biển Đông của chính Trung Quốc (bài viết của ông lần đầu tiên được dịch in trên báo Tiền Phong ngày 19-7-2012).

"Chúng ta từ nhỏ đã được nhìn thấy tấm bản đồ Nam Hải (Biển Đông). Một đường biên giới đứt đoạn rất thô màu hồng đưa toàn bộ Nam Hải vào trong bản đồ Trung Quốc. Cho đến ngày nay chúng ta mới biết sự thực không phải như vậy. Cái đường biên giới quốc gia ấy không những các nước láng giềng và cả quốc tế không công nhận, mà ngay chính phủ và các học giả nước ta (Trung Quốc) cũng không giải thích được".

Nhà báo có lương tri này khẳng định: Việc thiết lập "thành phố Tam Sa" rộng tới... 2,6 triệu km2 là "bước đi sai lầm nhất và không sáng suốt nhất của Trung Quốc, là một trò cười quốc tế. Hành động này không chỉ đi ngược lại luật pháp và tập quán quốc tế, mà còn trái với những quy định pháp luật của chính Trung Quốc về việc thành lập thành phố";

Đây là hành động "sai lầm nguy hiểm vô trách nhiệm đang đẩy nhân dân Trung Quốc sa vào miệng hố chiến tranh".

Cùng với nhà báo Chu, nhiều học giả Trung Quốc cũng liên tục phản đối cái yêu sách "đường biên giới 9 đoạn" (còn được gọi là đường lưỡi bò) mà Trung Quốc đưa ra, cũng như yêu cầu nhà nước họ phải tôn trọng Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), một "Hiến chương hải dương" hiện nay.

Thế nhưng, ngày 20-7 mới đây, bất chấp những lời kêu gọi của những người có lương tri trong nước, cũng như phản ứng của cộng đồng thế giới và khu vực, Trung Quốc ngang ngược tiến thêm một bước nguy hiểm, đó là lập bộ chỉ huy quân đồn trú ở "thành phố Tam Sa", vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Hành động này dường như là sự tiếp sức mới cho "tiếng gào thét của những cuồng nhân chiến tranh...", như cách nói của nhà báo Chu Phương.

Tư tưởng Trung Hoa từ xưa đã luôn chú trọng và răn dạy về "lương tri, lương năng". Mạnh Tử dạy: Người có tính thiện là người có lương tri (biết được điều tốt), lương năng (hành động phù hợp với đạo lý).

Vương Dương Minh - một trong tứ đại triết gia lớn nhất trong lịch sử Trung Hoa, chủ trương thuyết "trí lương tri" (thực hiện triệt để điều hiểu biết tốt lành), và "tri hành hợp nhất" (hiểu biết và thực hành đi đôi với nhau).

Hàng trăm năm trước, người Nhật Bản, Triều Tiên đã học hỏi, đúc rút được rất nhiều từ Dương Minh phái, để canh tân và quản trị đất nước, người dân được như ngày nay.

Thế nhưng hiện thời, ở chính quê hương của Mạnh Tử, Vương Dương Minh lại có vẻ không "học" được bài dạy quen thuộc từ những ông thầy lớn của mình.

Đó là biết được điều tốt và biết hành động phù hợp với đạo lý, luật lệ.

Theo Báo giấy