Không gian "Ngược"

TP- Xâm xẩm tối 25/5, một chị ra dáng nhà quê đứng lơ ngơ bên mấy xe rác đầu ngõ 34 Giang Văn Minh, Hà Nội cầm miếng bìa ghi: Triển lãm Nguyễn Xuân Hoàng 25studio 300m. Đó chính là người đón khách vào một không gian Ngược.
Nguyễn Xuân Hoàng trong không gian Ngược. Ảnh: N.M.Hà

Khách bịt mũi đi bộ độ trăm mét bên bờ dòng Tô. Bên kia sông là dãy phố giàu, bên có 25studio thì nom như xóm liều. Phòng trưng bày bụi bặm, lợp tôn, trước vốn là xưởng gỗ. Không gian ngược (với các phòng tranh kiểu salon) ấy mà dành để trình bày ý tưởng về “không gian ngược” quả lý tưởng.

Năm năm trước, trong một lần đi đường, Hoàng nảy ra ý nghĩ tại sao con đường không phải càng xa càng mở rộng ra. Ý tưởng này bắt đầu cho cuộc tìm kiếm vào một không gian mà Hoàng tin rằng mình là người phát hiện.

Ngược với không gian chúng ta đang sống (điểm hội tụ ở phía đường chân trời, mọi vật càng xa càng nhỏ lại), trong không gian của Hoàng điểm hội tụ nằm ngay trong người nhìn và mọi vật càng xa càng to ra.

Tuy nhiên, tác phẩm theo phối cảnh ngược của Hoàng vẫn ở mức đơn giản, mới thể hiện qua các ô vuông bàn cờ. Trên đó có ghế hoặc người. Nhưng người của Hoàng không bình thường. Họ rỗng cả trong lẫn ngoài - trông như thể người vô hình được cuốn một dây ruy-băng.

Kiểu nghệ thuật thiên về ý niệm vẫn là của hiếm ở Việt Nam, kết hợp với cách trình bày siêu thực. Ngược của Nguyễn Xuân Hoàng dấy lên sức lôi cuốn.

Tung ra vài bức trong lần triển lãm thứ hai này, Hoàng như muốn để người xem làm quen với những ý tưởng mang tính lộn nhào của anh. Nhìn vào không gian của Hoàng, thấy mọi thứ như bị dính chặt vào trần nhà - trong khi với anh đó là nền. Hoàng cho biết anh đang làm việc lộn ngược kiến trúc và con người, sẽ bày ở triển lãm sau.

Vợ Hoàng làm kế toán, mở một cửa hàng nhỏ, không đủ nuôi chồng vẽ. Hoàng muốn có tự do, không bị các trung tâm văn hóa, gallery, curator chi phối.

Đó cũng là tinh thần hoạt động của 25studio- giúp đồng nghiệp triển lãm và bán tác phẩm vô điều kiện.

Họa sĩ trưng bày không mất phí, còn được một triệu đồng/lần triển lãm- do một nhà hảo tâm người Pháp tài trợ.

Triển lãm cá nhân đầu tay của Hoàng là một cuộc sắp đặt khá quy mô mang tên Kén tại viện Goethe. Anh dùng kén tằm vàng phủ lên các đồ vật, một ngôi nhà (sau đó mang ra cánh đồng bày).

Gia đình chi cho Hoàng 6 - 7 triệu tiền kén thời điểm 2005. Triển lãm kết thúc cũng là lúc các con ngài thoát xác bay ra…

“Tôi chưa bao giờ kiếm được đồng nào”, Hoàng khẳng định. Đó phải chăng là một lối sống ngược với một người sinh năm 1981? Nhưng còn gì xuôi hơn, nếu một họa sĩ chỉ có việc vẽ. Nhất là khi anh ta được hậu thuẫn từ bố mẹ, vợ và bạn.

Bắt đầu vẽ từ bốn tuổi. Sắp tốt nghiệp ngành trang trí nội thất ĐH Mỹ thuật Công nghiệp, mới biết đến sự tồn tại của ĐH Mỹ thuật Yết Kiêu(!). Anh thi, và đỗ.

25studio là sở hữu của ba người bạn: Cường, Đủ và Hoàng. Ngoài 10 ngày cuối tháng dành cho triển lãm, hai chục ngày còn lại, 25studio là xưởng vẽ và nhà.

Ba tháng sống bên những người thợ sắt, chị đồng nát, Hoàng thấy thoải mái. Vẽ chán lại ôm ghi ta sáng tác. Tháng về thăm vợ con - ở “bên kia sông Đuống” - đôi lần.