Không dễ vớt vật thể nghi của máy bay Malaysia

TP - Đội tàu và máy bay tìm kiếm đang sục sạo trong điều kiện thời tiết cực kỳ xấu, để trục vớt một số vật thể được vệ tinh xác định ở vùng biển ngoài khơi Úc, mà chính phủ Malaysia coi là “đầu mối đáng tin cậy” trong chiến dịch tìm kiếm chiếc máy bay mất tích.
Phi công Úc đang lái AP-3C Orion hỗ trợ tìm kiếm máy bay MH370 ở khu vực nam Ấn Độ Dương. Nguồn: Bộ Quốc phòng Úc

Khu vực phát hiện những vật thể nói trên được xác định cách thành phố Perth ở phía tây nước Úc khoảng 2.500km. “Hôm qua, tôi nói rằng, chúng ta cần giảm quy mô khu vực tìm kiếm. Giờ thì chúng ta đã có bằng chứng đáng tin cậy”, Bộ trưởng Giao thông Malaysia Hishammuddin Hussein nói với báo giới hôm 20/3 tại Kuala Lumpur.

“Phải hoàn thành phần việc còn lại để đưa các vật thể lên. Nhiệm vụ này sẽ phải được thực hiện cả trong đêm”, ông Hussein nói. Ông nói rằng, thông tin nhận được từ Úc là kết quả của sự hợp tác với các vệ tinh khác “ở mức độ nhất định”, nên đây là “đầu mối đáng tin cậy hơn những manh mối trước”.

Giới chức Malaysia cho biết, một trong những vật thể lớn được xác định có chiều dài 24m và có vẻ đang ở tầm nước sâu nhiều nghìn mét, còn vật thể thứ hai dài khoảng 5m.

Kích thước của những vật thể này tương thích với ít nhất một bộ phận chính dài khoảng 27m trên cánh chiếc Boeing 777-200ER có số hiệu MH370, nhưng giới chức Úc cảnh báo, những hình ảnh đầu tiên không thực sự rõ ràng. Giới chức Úc và Malaysia nói rằng, có thể phải mất vài ngày mới có thể xác nhận được đó có phải các bộ phận của chiếc Boeing mất tích hay không. Chính phủ Malaysia thông báo, chiến dịch tìm kiếm sẽ vẫn tiếp tục ở những khu vực khác, bất kể đã có manh mối ở nam Ấn Độ Dương.

Hình ảnh vệ tinh do cơ quan quản lý hàng hải Úc cung cấp cho thấy vật thể (mũi tên chỉ) có thể là mảnh vỡ của chiếc máy bay mất tích. Ảnh: Telegraph

“Điều này đủ tin cậy để chuyển hướng đến tìm kiếm ở khu vực này vì đây là đầu mối hứa hẹn dẫn đến nơi chiếc máy bay bị nạn”, Chuẩn Đô đốc Hải quân Hoàng gia Úc John McGarry phát biểu tại cuộc họp báo ở Canberra. Một quan chức ở Malaysia nói rằng, các chuyên gia điều tra “rất hy vọng nhưng vẫn thận trọng” trước phát hiện của Úc, Reuters đưa tin.

Những hình ảnh vệ tinh do công ty Mỹ DigitalGlobe cung cấp được đánh dấu nhiều nhất vào ngày 16/3, nghĩa là những mảnh vỡ có thể được họ xác định giờ đã trôi đi xa so với vị trí ban đầu. Giới chức Úc nói rằng, một máy bay của họ đã thả hàng loạt phao đánh dấu ở khu vực này để cung cấp thông tin về dòng hải lưu trợ giúp tính toán vị trí mới nhất.

Không dễ vớt

Khu vực được khoanh vùng có các vật thể nghi vấn hiện có gió to, biển động mạnh. “Trong điều kiện thời tiết xấu như vậy, không thể nhìn thấy gì trong suốt chuyến bay hôm nay, nhưng một máy bay khác vẫn đang tìm kiếm và họ có thể có điều kiện tốt hơn”, Đại úy Hải quân Úc Chris Birrer nói với báo giới.

Ít nhất một máy bay của Úc vẫn duy trì tìm kiếm trong khu vực, còn những máy bay khác như chiếc P-8 Poseidon của Hải quân Mỹ đang trở lại Perth, Cơ quan An toàn Hàng hải Úc, cho biết.

Một tàu sân bay của Na Uy đã chuyển hướng trên hành trình từ Madagascar tới thành phố Melbourne (Úc) để trợ giúp tìm kiếm và hiện có mặt ở khu vực này. Một tàu khác của Hải quân Úc được gắn các thiết bị có khả năng phát hiện vật thể lạ cũng đã đến khu vực, BBC đưa tin.

Theo giáo sư hải dương học Charitha Pattiaratchi đang công tác tại Đại học Tây Úc, dựa trên các dòng hải lưu ở khu vực này, nếu mảnh vỡ là của chiếc máy bay mất tích thì nó có thể đã rơi xuống nước từ khoảng 300-400km về phía tây. Khu vực tìm kiếm bao trùm cả vùng biển rộng 250km, dài 400km và sâu tới 3,5km. Vùng này tiếp giáp khu vực sâu tới 5km. “Dù có tìm đường nào thì khu vực này cũng cực kỳ sâu”, ông Pattiaratchi nói.

Thủ tướng Úc Tony Abbott đã nói chuyện với người đồng cấp Malaysia Najib Razak về phát hiện này, nhưng cũng cảnh báo vẫn chưa xác định được các vật thể thực sự là gì. “Nhiệm vụ xác định những vật thể này sẽ cực kỳ khó khăn và có thể đưa tới kết quả rằng chúng không liên quan đến MH370”, ông Abbott nói.

Số phận chuyến bay mang số hiệu MH370 với 239 hành khách trên khoang mất tích gần 2 tuần qua đã khiến các chuyên gia hàng không đau đầu. Giới điều tra tin rằng, có ai đó hiểu biết tường tận về Boeing 777-200ER và đường bay thương mại đã cố tình ngắt các hệ thống liên lạc của máy bay, trước khi chuyển hướng nó để bay thêm hàng ngàn dặm so với đường bay định sẵn. Nhưng điều tra lý lịch của các hành khách và phi hành đoàn không phát hiện ra manh mối nào giúp giải thích nguyên nhân xảy ra điều này.